09:32 - 11/03/2020
Dạy – học từ không gian ảo
Trong khi nhiều người lo việc giải trí tại nhà thì có những nhóm nhỏ âm thầm ứng dụng cách dạy – học từ xa khi bọn trẻ ở nhà quá lâu mà chằng biết phải làm gì.
Sử dụng công cụ Google Classroom sẽ dễ cho cả giáo viên và học sinh học tại nhà khi thời gian nghỉ học để tránh lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 kéo dài, thầy Nguyễn Hữu Định, hiệu trưởng trường THPT Thới Lai, Cần Thơ nói về cách dạy – học trực tuyến đang được phu huynh khích lệ.
Ở trường Thới Lai, theo thầy Định, 100% giáo viên được tập huấn, tạo 465 lớp học trực tuyến, có mã lớp gửi đến học sinh (giáo viên phụ trách bộ môn của lớp nào thì tạo lớp học trực tuyến của lớp đó). Trường bố trí thời khóa biểu học trực tuyến 12 môn (toán, lý, hóa, sinh, ngoại ngữ, văn, sử, địa, giáo dục công dân,…) theo buổi từ thứ hai đến thứ bảy (buổi sáng từ 7 giờ 30 – 11 giờ; chiều từ 13 giờ đến 17 giờ). Các giáo viên gửi tài liệu ôn tập, bài tập, đề kiểm tra cho học sinh, có gia hạn thời gian nộp để các em hoàn thành. Bên cạnh việc ôn tập theo thời khóa biểu, các giáo viên có thể trao đổi, tương tác với học sinh mọi lúc, mọi nơi. Học sinh có thể sử dụng điện thoại để làm bài tập trắc nghiệm do giáo viên giao, kết quả được tổng hợp và tự động gửi về giáo viên bộ môn.
“Từ sau tết tới nay, 100% học sinh tham gia lớp học và thực hiện đúng các yêu cầu của giáo viên bộ môn. Phụ huynh đồng tình với cách làm của nhà trường, các em ở nhà học tập chăm chỉ, phụ huynh quản lý được quá trình học tập của con em”, theo thầy Định. Hầu hết các em đều rất hào hứng khi được giáo viên giao nhiệm vụ học tập và nộp bài đúng thời gian quy định, nhưng khó khăn nhất là trình độ của các em không đồng đều nên có trường hợp đặc biệt giáo viên phải tới tận nhà. Về lâu dài, nhà trường sẽ đẩy mạnh hình thức dạy và học này để tổ chức phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi và ôn thi THPT quốc gia. Bên cạnh công cụ Google Classroom, nhà trường đang khuyến khích thầy cô sử dụng các công cụ hỗ trợ khác như Microsoft Team, Google Form, Zalo…
Với trường THPT Châu Văn Liêm, thầy Nguyễn Thanh Tùng, giáo viên dạy môn hóa học cũng cho biết dạy – học trực tuyến đã được ứng dụng cách đây vài năm. Thầy Tùng đang dạy hai lớp 10 và bốn lớp 12, chọn Zoom Meeting kết hợp với Zoom cloud meetings hay SHub Classroom (hỗ trợ tạo bài tập từ file bất kỳ mà không cần soạn thảo) để giảng dạy cho học sinh của mình. Theo thầy, ứng dụng này đơn giản, dễ sử dụng, tiếp cận nhanh và tương tác tốt, học sinh rất hứng thú. “Bạn nào không có điều kiện thì khuyến khích học theo nhóm nhỏ. Tới giờ thì các bạn có thể cùng lên mạng để học, cùng tương tác với nhau”, thầy nói. Cách làm này theo thầy Tùng còn giúp các em nâng cao tinh thần tự học, kỹ năng làm việc nhóm,… Ngoài ra thầy còn nhận xét có nhiều em khi tới lớp ngại nói chuyện với giáo viên nhưng chỉ cần dí dỏm một chút, qua không gian ảo, các em lại hoạt bát vô cùng, cho các em những câu chuyện vui, những trò chơi nho nhỏ để các em có thêm năng lượng chứ nếu ngồi suốt trên máy thì cũng “oải dữ lắm”!.
“Do trường chúng tôi có sẵn nền tảng về công nghệ nên thuận lợi triển khai học online”, tại trường thiết kế đồ họa Đại học FPT, thầy Huỳnh Ngọc Thái Anh, giảng viên ngành cũng cho biết như vậy. Thầy Thái cho rằng phần mềm Zoom Meeting có rất nhiều tính năng hỗ trợ tối đa việc dạy trực tuyến. Phần mềm Zoom Meeting có chức năng lưu lại tiết học trực tuyến nên giảng viên có thể gửi video tiết học lại cho sinh viên để sinh viên có thể theo dõi tiết học trước đó. Các sinh viên cần một máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay (cài đặt hệ điều hành Windows: Windows 8; Windows 7; Windows Vista với SP1 hoặc mới hơn; Windows XP với SP3 hoặc mới hơn hoặc cài đặt hệ điều hành Mac OS X: MacOS 10.6.8 (Snow Leopard) hoặc mới hơn), kể cả thiết bị di động có kết nối internet: có dây hoặc không dây hoặc các thiết bị có kết nối 3G, băng thông tối thiểu 600kbps/1.2Mbps (tải lên/tải xuống). Loa và microphone: có sẵn trên máy tính hoặc thiết bị cắm ngoài qua cổng USB hoặc bluetooth. Một webcam: có sẵn trên máy tính hoặc cắm ngoài qua cổng USB (yêu cầu bộ xử lý 1 Ghz hoặc cao hơn). Cách này, sinh viên ngồi ở Việt Nam có thể học với giảng viên nước ngoài, học từ xa là chuyện bình thường chứ không phải tới lúc rơi vào tình huống bất khả kháng vì Covid-19 mới áp dụng.
Học online có thể tiết kiệm được thời gian và tiền bạc (đi lại, tiền xăng, tiền cơ sở hạ tầng, lớp học…) và cái hay của học online là người học có tính tự giác cao, nếu bị siết mới học thì học online không hiệu quả. Lẽ ra khi nền tảng công nghệ số, kỹ thuật hạ tầng cho 4 G, 5G, IoT,… được đầu tư, thì hệ thống giáo dục phải tranh thủ cơ hội xây dựng bài bản; chương trình đào tạo, đồng bộ hóa thiết bị, kết nối mạng và hoàn thiện các cách thức đánh giá, học phí,… từ lâu rồi, một giảng viên khác, từng là cựu sinh viên RMIT, đang làm việc cho FPT nói.
Còn tại Đại học Cần Thơ, mô hình này đã triển khai hơn 10 năm, một số khoa, giảng viên và sinh viên trao đổi qua hệ thống E-Learning của trường. Tất cả cán bộ giảng dạy và sinh viên đã quen thuộc. Tuy nhiên, hiện nay trường chưa triển khai học trực tuyến toàn trường do quy mô sinh viên quá lớn. ThS Nguyễn Hứa Duy Khang, phòng đào tạo Đại học Cần Thơ, nói tính cả hệ chính quy, vừa học vừa làm, đào tạo từ xa, trường có 45.000 sinh viên. Cần có một nền tảng vững chắc (về cơ sở dữ liệu, phần mềm, giáo trình), chưa kể tốc độ internet mỗi nơi mỗi khác. Có em ở vùng sâu, vùng xa thì mạng sẽ yếu hơn ở nơi có đường truyền tốt.
Học online giúp cho nhà trường học sinh và phụ huynh liên kết chặt chẽ với nhau?
Mỗi ngày trong tuần, trừ thứ bảy và chủ nhật, từ ngày 18.2 đến nay, trên group viber phụ huynh lớp 3 trường tiểu học của con gái tôi đều có khoảng 3 – 5 bài. Tiếng Việt và toán, tiếng Anh thì luôn có 3 bài gồm toán, khoa học và tiếng Anh do nhà trường gởi đến. Các bài học đều có thầy cô giảng và đọc hiểu cho học sinh nghe, kèm với bài tập để in ra giấy. Ở nhà, các con nhận bài tập, mở smartphone, iPad hoặc máy tính để xem thầy cô giảng. Sau đó làm bài tập trên giấy. Sáng hôm sau, phụ huynh đi làm ngang qua trường nộp bài giấy cho thầy cô ở trường theo dõi quá trình học của con. Một trong những cái lợi của việc học online chính là giúp các con tự học ở nhà. Đến giờ ngồi vào bàn, nghe bài giảng, có thể hỏi lại cha mẹ. Sau đó tự làm bài. Cha mẹ nghiêm túc cũng sẽ hỗ trợ con. Tôi có cảm giác chưa lúc nào nhà trường, học sinh và cha mẹ lại tương tác với nhau tốt như lúc này. Rất nhiều phụ huynh cũng cho rằng việc học online mùa dịch là bất khả kháng, cho các con đến trường theo truyền thống là tốt nhất vì các con cần có bạn bè, giao tiếp và học cách sống với người khác ở môi trường công cộng. Điều đó đúng, tuy nhiên, việc học online cũng cho thấy cái lợi của nó như đã nói ở trên. Vì vậy, nên chăng sau mùa dịch cúm này, giáo dục Việt Nam cần có một sự thay đổi, vừa dành thời gian cho các con học ở trường để có môi trường sống giao tiếp, vừa cho các con một khoảng thời gian có thể tự học ở nhà để giữ lại sự tương tác rất cần thiết giữa thầy cô, học sinh và phụ huynh?
Ngọc Bích – Lan Ngọc – Ngân Hà (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này