08:53 - 17/09/2018
‘Dạy con trong hoang mang’ đoạt giải sách hay 2018 hạng mục giáo dục
Trong bối cảnh còn nhiều điều nhức nhối về giáo dục, năm nay ban tổ chức giải Sách hay đã làm việc rất cật lực để chọn lựa những đầu sách thật sự giá trị và góp phần làm thay đổi triết lý giáo dục của chúng ta.
“Tôi nghĩ thời đại này là thời đại “hoang mang” thật sự, trong sự chuyển động của thế giới công nghệ thông tin chóng mặt và khôn lường, chúng ta dạy con như thế nào trước bối cảnh các giá trị bị thách thức và đảo lộn, mọi niềm tin cũng bị thách thức. Hai tập sách này với hàng chục bài viết và chủ để khác nhau liên quan đến vấn đề bức xúc và dạy con rất thiết thực. Tôi cho rằng một nhà trường cũng có một triết lý giáo dục của riêng mình, thầy cô và cha mẹ cũng cần triết lý giáo dục và bản thân của chúng ta cũng cần có triết lý giáo dục bản thân” – ông Giản Tư Trung- GĐ Viện IRED cũng đã nhận xét về bộ sách “Dạy con trong hoang mang” của tác giả Lê Nguyên Phương do công ty Anbooks và NXB Tổng hợp ấn hành năm 2017 đã đoạt giải sách hay 2018 – Hạng mục Giáo dục.
Tác giả Lê Nguyên Phương đã tâm tình về bộ sách này trong lễ trao giải: “Triết gia Lý Đông A đã nói: “Nuôi thân thì sinh nô tài, nuôi trí thì sinh nhân tài, nuôi tâm thì sinh thiên tài”. Khi viết cuốn sách này trong năm qua, tôi nhận ra một điều: chúng ta nuôi con cái và dạy dỗ học sinh với những “nghiệp quả” của chúng ta. Những nghiệp quả của tham dục, sân, thành kiến, cũng như những nội kết và chấn thương, không phải chỉ bởi của chúng ta, mà còn của gia đình hai bên nội ngoại, của xã hội và dân tộc này trong trăm năm qua. Khi con cái chúng ta vui hay buồn, hỗn láo hay ngoan ngoãn, chúng ta phản ứng lại trong trạng thái vô ý thức, vốn là nghiệp quả của chúng ta. Như vậy, điều quan trọng nhất để có một thế hệ mới là chúng ta cần phải có những thầy cô và cha mẹ dạy dỗ học trò và con cái trong tỉnh thức. Nói theo Phật giáo là chúng ta hãy chuyển Nghiệp thành Nguyện. Chúng ta cần Nguyện rằng thay vì dạy con trong sân hận, chúng ta sẽ dạy con trong từ bi; thay vì dạy con trong tham lam, chúng ta sẽ dạy con trong hỉ xả; thay vì dạy con trong vô minh, chúng ta sẽ dạy con bằng trí tuệ. Hãy chuyển Nghiệp thành Nguyện trong việc giáo dục con cái! Đó chính là mục đích của bộ sách mà tôi viết”.
Ở hạng mục sách dịch, cuốn sách “Dạy con thành công hơn cả mẹ hổ” của tác giả Maya Thiagarajan, dịch giả Huyền Trang và Thủy Tiên, NXB Phụ Nữ, tháng 4/2018. Với hai cuốn sách này, ban tổ chức muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Giáo dục Gia đình, như là một cứu cánh trong bối cảnh hiện nay của giáo dục nước ta.
Hạng mục Sách kinh tế- quản trị cuốn sách Từ nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo và phát triển của Đinh Tuấn Minh và Phạm Thế Anh chủ biên, NXB Tri Thức ấn hành 2018 đã đoạt giải sách hay năm nay. GS Phan Văn Trường – người lên công bố giải cho hạng mục này, nói: “Tôi có vài tin vui để chia sẻ. Trước nhất phong trào đọc sách càng ngày càng lan tỏa. trong những ngày tháng vừa qua tôi có sinh hoạt với một số CLB, có rất nhiều CLB sinh sôi nảy nở đáp ứng được nhu cầu đọc sách…
Tôi cũng thành lập CLB Khởi nghiệp Nông nghiệp VN – làm mới thấy nông dân lúc này rất chịu khó đọc sách. Điều mà chúng ta mong đợi đã có từ lâu nhưng bây giờ đã trở thành một phong trào. Một tin mừng khác ở lĩnh vực quản tri- kinh tế: từ bao nhiêu năm nay, các sách và nghiên cứu về kinh tế và quản trị, nhất là QTKD, luôn luôn các tác giả và các học giả đều chú trọng nghiên cứu và phát triển cái gọi là “Mô hình” và các con số. Thậm chí người ta cho rằng nếu nói về kinh tế- quản trị mà không nói về con số thì bạn không xứng đáng được tin cậy.
Nhưng từ lâu tôi đã nói “Không phải vậy”. Vì kinh tế và quản trị lại là lĩnh vực chạm đến con người nhanh nhất. Và năm nay xuất hiện nhiều cuốn sách mà “ngược hẳn lại những gì chúng ta nói về kinh tế”.
Giải sách dịch về kinh tế đã được trao cho cuốn Giấc mộng châu Á của Trung Quốc, tác giả Tom Miller được chuyển ngữ bởi Đoàn Duy và Phạm Sỹ Thành do NXB Hội Nhà Văn ấn hành 2018.
Hạng mục sách Quản trị, cuốn sách Quyền tác giả- Đường hội nhập không trải hoa hồng của tác giả Nguyễn Vân Nam, NXB Trẻ ấn hành 2017 đã được trao năm nay.
Tác giả Nguyễn Vân Nam nhận định: “Có thể nói, luật là công cụ quan trọng bậc nhất để quản lý từ cá nhân, các tổ chức xã hội, nhà nước… trong mọi mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với xã hội, cá nhân và nhà nước. Tôi viết cuốn sách này trong 5 năm nhưng thực ra khởi đầu dự kiến chỉ vài tháng. Lúc đầu tôi nghĩ khi viết về “Quyền tác giả” tôi nghĩ là rất dễ vì VN đã là thành viên của Công ước quốc tế Bern… chỉ cần căn cứ vào các tiêu chuẩn quan trọng và theo các công ước đó mà viết ra các luật về quyền tác giả thôi. Những tôi đã lầm. Tại sao lại như vậy? Nếu các độc giả kỹ sẽ thấy điều tôi muốn gởi gắm đến các bạn: Vấn đề thực sự ở đây là liệu chúng ta có biết cách học hay không… Điều căn bản nhất mà chúng ta thiếu và chúng ta phải đặt vấn đề suy nghĩ đó là: Cách thức chúng ta tiếp cận và học hỏi tri thức liên quan đến những chuẩn mực tốt, nhưng vấn đề thực sự ở đây là chúng ta có biết cách học hỏi hay không. Liệu đó có phải là vấn đề lớn của chúng ta hay không”
Giải sách hay ở hạng mục sách quản trị cho sách dịch năm nay là cuốn Cuộc dịch chuyển đại dương xanh của tác giả Giáo sư Chan Kim và Renée Mauborgne do Huỳnh Hữu Tài chuyển ngữ, công ty sách Alphabooks và NXB Lao Động ấn hành 2018.
Ngân Hà lược thuật (theo MTG)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này