
13:55 - 13/04/2017
Đà Lạt trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi
Sau cố thương nhân Thomas Hooft, người sáng lập ra Dalat Hasfarm nằm lại vĩnh viễn trên một đồi thông tại Đà Lạt ba năm qua, ông Bernhard Schenke – phó tổng giám đốc Dalat Hasfarm, đồng hương và là người bạn đồng hành cũng đã đến Đà Lạt từ năm 1996 tiếp tục gia tăng giá trị cho những cánh hoa ngát hương và phát triển những giá trị tinh thần của công ty.

“Đà Lạt là nơi tôi đã sống từ năm 1996, đã trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi và Việt Nam còn hơn là quê hương thứ hai của, tôi vì tôi đã kết hôn với một người vợ xinh đẹp người Đà Lạt tên Trang và chúng tôi đã có hai con trai…” – Bernhard Schenke – phó tổng giám đốc Dalat Hasfarm.
Rất lạ là những câu trả lời của Bernhard Schenke, xoay quanh vấn đề của hoa và người, khiến ta có cảm giác ở giữa những trạng thái vừa có vẻ khô cứng, thực tiễn mà lại vừa chân thật, giản dị như bản chất của một đời người đã gắn liền với đất sống.
– Đến Đà Lạt trồng hoa có phải là ý tưởng điên rồ của một người vượt ngàn dặm xa, tha hương để đi tìm ý nghĩa cuộc sống?
– Đây không phải là ý tưởng điên rồ, thật ra chúng tôi đã có kinh nghiệm trồng hoa ở Indonesia từ năm 1998, tuy nhiên, do một vài hạn chế về thời tiết ảnh hưởng đến sản xuất của chúng tôi ở vùng Tây Java (độ ẩm cao và ít ánh sáng) nên chúng tôi chỉ sản xuất hoa cho thị trường nội địa. Đây là lý do vì sao chúng tôi chọn Đà Lạt, vì chúng tôi đã mong đợi rằng khí hậu ở đây tốt cho việc trồng hoa và có khả năng phát triển việc xuất khẩu hoa sang Nhật. Bên cạnh đó, lực lượng lao động lành nghề luôn có sẵn và đường bay quốc tế đẹp thông qua TPHCM đã trở thành nhân tố thành công trong việc phát triển xuất khẩu hoa qua Nhật Bản và một vài nước châu Á khác.
– Có bao giờ ông nghĩ những đoá hoa từ phương xa là tấm lòng của ông hướng về quê hương, xứ sở hoa đẹp nhất, và Đà Lạt trở nên quê hương thứ hai của ông, trong tâm thái người trồng hoa để bừng nở đất sống?
– Hà Lan và Việt Nam là hai đất nước có sở thích và truyền thống mạnh về hoa, thích trồng hoa và thích sử dụng hoa trong cuộc sống hàng ngày của họ. Đà Lạt là nơi tôi đã sống từ năm 1996, đã trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi và Việt Nam còn hơn là quê hương thứ hai của tôi, vì tôi đã kết hôn với một người vợ xinh đẹp người Đà Lạt tên Trang và chúng tôi đã có hai con trai đang trưởng thành và đang được giáo dục bởi hệ thống giáo dục của Việt Nam.
– Hasfarm ngày càng ngát hương, khoe sắc trong từng gia đình người Việt, sẽ còn những giống hoa nào ở Hà Lan nhập về Đà Lạt và những giống hoa thuần chủng Đà Lạt nào sẽ được gìn giữ, phát triển ở nơi này?
– Thiên nhiên ở Đà Lạt rất đẹp với nhiều giống cây rất hay như cây thông và lan hài thuộc bản xứ của Đà Lạt. Những giống hoa mà Dalat Hasfarm đang trồng được lai tạo giống bởi những nhà sản xuất giống quốc tế, và được công ty trồng thử vào mùa đông và mùa hè để coi thử những giống hoa này thích hợp với điều kiện thời tiết nào của Đà Lạt, cũng như thử nghiệm độ bền, chất lượng vận chuyển hàng và thị trường ưa thích của những giống hoa này. Hiện tại, Dalat Hasfarm chủ yếu tập trung vào giống hoa cúc, cẩm chướng, hoa hồng, lily, cát tường và thuỷ tiên. Chúng tôi sản xuất những giống này thông qua việc ký kết hợp đồng với nhà sản xuất giống và trả phí bản quyền cho họ.
– Những người trồng hoa sẽ được gì hay một triết lý sống của những đoá hoa, có khi nào ông tự chiêm nghiệm về điều này cho cuộc đời mình và vạn vật trong nắng mai trên xứ sở đẹp nhất của đất nước chúng tôi?
– Tôi nghĩ chúng tôi thật may mắn được làm việc với hoa mỗi ngày, có nghĩa rằng chúng tôi rất gần với thiên nhiên, nhìn chúng phát triển từ hạt, củ hoặc ngọn giống cho tới khi thành cây trưởng thành và nở hoa và nhìn thấy tất cả các giai đoạn phát triển trong cuộc sống. Sự chăm sóc tốt sẽ cho ra những bông hoa đẹp. Tuy nhiên, cũng có một vài hạn chế đối với những loại hoa mà chúng tôi trồng, còn phụ thuộc vào thời tiết và điều kiện đất. Mặt khác, thật tuyệt khi nhìn thấy được hoa diễn tả cảm xúc và cảm giác của con người như thế nào trong các sự kiện và đời sống hàng ngày để tăng thêm giá trị tinh thần cho mọi người.
– Ông còn nhớ những ngày đầu của Dalat Hasfarm ra sao không?
– Thương hiệu Dalat Hasfarm đã được hình thành từ năm 1994 và ngày nay đã được biết đến ở khắp Việt Nam từ các nhà bán sỉ và nghệ nhân cắm hoa chuyên nghiệp cho đến người tiêu dùng. Trên bình diện quốc tế, thương hiệu này đã nổi tiếng trong ngành hoa. Chúng tôi đã xây dựng danh tiếng hơn 20 năm và đã được công nhận về chất lượng, nhiều chủng loại cũng như sự tin cậy trong việc cung ứng.
Những người đầu tiên hỗ trợ thương hiệu của chúng tôi là những nhân viên đã rất tự hào khi làm việc cho chúng tôi và những khách hàng ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài.
– Và những cam kết của Dalat Hasfarm với người tiêu dùng như thế nào, thưa ông?
– Dalat Hasfarm có một cam kết chắc chắn và tầm nhìn rõ ràng dựa trên bốn tiêu chí: thứ nhất, công nghệ cao – tiếp tục đầu tư vào công nghệ tại các nông trại và nhà đóng gói.
Thứ hai, luôn đổi mới bằng thử nghiệm các sản phẩm mới, giống mới để cho kết quả tốt hơn và có thể làm hài lòng khách hàng.
Thứ ba, giải pháp cho tương lai là trồng các loại hoa theo cách bền vững và thân thiện với môi trường qua áp dụng kiểm soát sinh học và giảm lượng thuốc trừ sâu, tái sử dụng nước tưới tiêu và dùng đèn LED để giảm tiêu thụ điện.
Và điều cuối cùng và quan trọng nhất là: mọi thứ chúng tôi làm đều hướng đến khách hàng. Chúng tôi tổ chức Sự kiện thử nghiệm hoa hàng năm. Vào sự kiện này, chúng tôi trưng bày nhiều chủng loại hoa và giống hoa cũng như quy trình trồng hoa tại các nông trại. Cùng thời điểm, chúng tôi thu thập những phản hồi giá trị từ khách hàng về các loại hoa này.
Ai cũng biết, Dalat Hasfarm là công ty trồng hoa lớn và nổi tiếng nhất Đông Nam Á đến bây giờ. Diện tích nông trại Dalat Hasfarm giờ đã lên đến hàng chục hécta, mở từ Đa Thiện sang Đa Quý, xuống Phi Vàng ở Đơn Dương với một trăm hai mươi triệu cành hoa xuất khẩu mỗi năm. Hoa xuất đi khắp Đông Nam Á, châu Á, châu Âu. Vì vĩ đại hơn, chính Thomas Hooft và Dalat Hasfarm đã làm cuộc “cách mạng” cho nền trồng hoa từ chỗ có tiếng mà không
có tầm, từ tiểu nông giữa trời sang công nghiệp, hiện đại và cao cấp trong nhà kính của Đà Lạt. “Mô hình Hà Lan” của Dalat Hasfarm đã làm sống động nền nông nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực hoa, nó sừng sững”. (Nguyễn Hàng Tình – Sương gió bơ vơ, 2016)
Chân Khanh thực hiện
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này