09:26 - 17/12/2015
Cứu thế giới: được và mất
Cứu thế giới không hề rẻ. Nếu bạn bán những chiếc xe chạy than, dầu đời cũ, thảm hoạ hiển nhiên. Với những người làm pin mặt trời, nhà cách nhiệt, ánh sáng tiết kiệm, phép lạ đang diễn ra. Đó là mấu chốt từ cuộc thoả thuận về chống biến đổi khí hậu hồi cuối tuần qua ở Paris. 195 quốc gia chấp nhận giảm ô nhiễm để ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Các chính phủ và các công ty trên toàn cầu đang cân đong đo đếm lợi và hại từ thoả thuận. Thoả thuận kêu gọi những thay đổi toàn bộ về năng lượng, giao thông, và hàng chục dòng kinh doanh khác. Những nhà sản xuất và những nước sản xuất nhiên liệu hoá thạch tuỳ thuộc vào nguồn này đang phải đối diện với sự cắt đứt khối lượng lớn đầy tốn kém. Những tay chơi trong các ngành công nghiệp triển vọng như năng lượng tái tạo và năng lượng hiệu quả đang nhìn thấy một cơ hội chưa từng có.
“Là một công ty dầu khí lớn, rõ ràng là chúng tôi đang bị đe doạ trong các cuộc thảo luận”, Patrick Pouyanne, CEO của hãng dầu khổng lồ Total SA của Pháp, phát biểu tại Paris. Nhưng “một người lạc quan đều nhìn thấy ở mỗi khó khăn một cơ hội. Tôi dứt khoát là một kẻ lạc quan, tôi nhất quyết phải lạc quan”.
Hiệp ước Paris còn kêu gọi phải đánh giá lại các cam kết mỗi năm năm. Đây là thoả thuận về khí hậu toàn cầu có ý nghĩa nhất từ trước đến nay, vượt xa Nghị định Tokyo năm 1997 về tầm mức và tham vọng. Cùng với Barack Obama, Vladimir Putin, Tập Cận Bình và hàng chục nhà lãnh đạo khác, hội nghị thượng đỉnh đã thu hút sự chú ý của hàng trăm đại công ty để nắm được các thương lượng tác động sâu sắc đến các mô hình kinh doanh của họ trong tương lai.
Thoả thuận này có thể đẩy mạnh đầu tư vào các ngành công nghệ như năng lượng tái tạo và các loại xe điện – đặc biệt là nếu có nhiều nước gia nhập Liên minh châu Âu và các khu vực Bắc Mỹ trong việc áp giá hoặc thuế lên carbon. Liên hiệp quốc ước tính chi phí bỏ ra lên đến cả ngàn tỉ mỗi năm để phi-carbon-hoá nền kinh tế toàn cầu và ngăn không cho khí hậu tăng nhiệt độ mà theo các nhà khoa học là sẽ gây ngập cho những thành phố ven biển, làm ách tắc nông nghiệp và huỷ hoại hệ sinh thái.
Trả giá cho sự chuyển đổi
Điều đó có nghĩa là các công ty với các mô hình kinh doanh đe doạ bởi một thế giới carbon-thấp cần phải tái tập trung và thay đổi chóng vánh, theo Lyndon Rive, CEO của SolarCity Corp., một hãng cung cấp hệ thống nhà năng lượng mặt trời do tỉ phú Elon Musk làm chủ tịch. Đối với những hãng bán dầu, Rive nói bên lề hội nghị thượng đỉnh Paris, “bạn phải bảo vệ công việc vì đó là lẽ sống còn của bạn. Nhưng lẽ sống còn của bạn sẽ bị huỷ hoại”.
Các giám đốc từ nhiều công ty truyền thống cũng có cái nhìn tương tự. Peter Terium, CEO của hãng tiện ích RWE AG,Đức, cho rằng các công ty như hãng của ông sẽ phải học từ sự chuyển đổi thành công của International Business Machines Corp. để dựa vào một hệ thống năng lượng mới. Hôm thứ sáu RWE đã phê duyệt một phương án phân chia thành hai công ty, một tập trung vào các hệ thống năng lượng tái tạo và một điều hành các tài sản truyền thống đang thoái trào.
Điều đó không có nghĩa là những hãng dầu khổng lồ sẽ sớm đóng cửa bất kỳ lúc nào. Theo một dự báo tương đối lạc quan về việc cắt giảm khí thải bởi cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhiên liệu hoá thạch vẫn còn đáp ứng khoảng 75% nhu cầu năng lượng vào năm 2030, với than đá lên đến đỉnh rồi ngưng, dầu tăng nhẹ và khí đốt tăng. Để đón đầu các chính sách về khí hậu, những nhà cung cấp năng lượng lớn đang đặt cược nhiều nhất lên khí đốt. Trong khi năng lượng mặt trời tiến bộ nhanh về mặt chi phí và hiệu quả, ngành công nghiệp này vẫn chưa hình dung ra cách thức tích trữ đủ năng lượng vào những lúc trời không nắng. Cho đến khi vấn đề đó được giải quyết – có thể là những cải tiến đột phá về pin – sẽ vẫn còn nhu cầu đáng kể đối với than, khí, hoặc năng lượng hạt nhân.
“Khí là một trong những cơ hội hấp dẫn nhất về ngắn và trung hạn”, Helge Lund, CEO của tập đoạn BG chuyên cung cấp khí của Anh, nói tại Paris. Một thế giới hoàn toàn triệt tiêu nhiên liệu hoá thạch đang “vượt khỏi chân trời lịch trình”, để cho các công ty như của ông dư thời gian chuyển đổi, ông nói.
Dầu vậy, đầu tư năng lượng sẽ chuyển dịch dần về hướng năng lượng xanh. Theo một kịch bản khác của IEA, các năng lượng tái tạo sẽ thu hút khoảng 59% vốn trong phân khúc điện trong thập kỷ tới, tăng lên khoảng 2/3 từ năm 2026 – 2040. Chẳng hạn như Total của Pháp đang xây dựng ngành kinh doanh năng lượng mặt trời, chuyển dịch đầu tư sang khí đốt, và khuếch trương các dịch vụ năng lượng hiệu quả để đối phó.
Các công ty than đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề. Chỉ số Stowe Global Coal, trong đó có cổ phiếu của 26 nhà cung cấp lớn, đã mất 59% giá trị trong năm nay. Đó là một khởi đầu của sự chuyển dịch “nhiều ngàn tỉ USD sang các công nghệ carbon-thấp từ các công nghệ nhiên liệu hoá thạch cũ”, Mindy Lubber, CEO của Ceres, một tổ chức làm việc cùng các nhà đầu tư thúc đẩy các công ty nâng cao thành tích môi trường, nói trong một điện thư.
Trong khi các nhà môi trường và chính khách cho rằng sự chuyển đổi tổng thể sẽ tích cực hơn đối với các nền kinh tế và việc làm, hàng triệu công nhân đối mặt với các hậu quả nghiêm trọng. “Bất kỳ sự chuyển tiếp nào cũng đều không đem lại lợi ích đồng đều cho mọi người”, tạo ra một nhu cầu xây dựng các chương trình như đào tạo lại, bộ trưởng Năng lượng Mỹ Ernest Moniz nói tại Paris. “Tôi sẽ không bọc đường điều đó”.
Khởi Thức
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này