
11:46 - 24/03/2019
Con bước vào ‘tuổi tin’
“Cái gì mà tuổi dậy thì với tuổi mới lớn? Ba lạc hậu rồi, bọn con gọi là tuổi tin (teen)”, con gái mười ba tuổi vừa ngạc nhiên, vừa có vẻ cáu bẳn vì “chẳng ai hiểu mình”.

Câu chuyện đứa con bỏ nhà đi bụi đời vào tuổi mới lớn, sau khi thấm thía mọi nghịch cảnh quay về nhà đối diện với lòng bao dung của người cha khiến cho người anh không bụi đời ghen tức trở thành đề tài của nhiều họa sĩ. Trong ảnh: tranh của Maximilien Luce (1858 – 1941).
Con trai, con gái tôi đều bước vào tuổi teen từ ba năm nay. Cả hai cách nhau hơn hai tuổi, vì thế tuổi mười lăm con trai trở nên kỳ lạ thì tuổi mười ba, cô em gái của nó cũng dấm dẳng không kém gì anh.Cả hai mới mấy năm trước còn rượt đuổi, đùa giỡn, chia bánh kẹo ăn; thì giờ mỗi đứa về nhà, mở cửa phòng riêng và đóng lại. Ngoài cửa dán một tấm stick có ghi chữ in hoa: Không làm phiền!
Một hôm, cô em chồng hốt hoảng gọi nói: “Chị ơi, em thấy bé Mai chat với bạn bè rằng nó muốn chết và sẽ lập một kế hoạch hoặc bỏ nhà đi, hoặc tự tử” – “Sao em đọc được?” – “Vì lần trước bé ghé nhà chơi mượn điện thoại của em chat mà không thoát ra nên mấy hôm nay em đọc được những gì bé chat với bạn bè. Để em gởi chị”.
Tôi không hoảng hốt, tôi chỉ nhớ lại ngày trước, vào những năm tôi rơi vào trạng thái như vậy, tôi đã làm gì. Tất nhiên, trong hoàn cảnh cha mẹ đi làm cả ngày, các anh chị lo việc học hành và yêu đương, thì tôi, một đứa em út lủi thủi với sách và những câu chuyện trong đó, thế giới ngày càng thu hẹp ngoài đời bao nhiêu thì tôi sống với cõi mộng tưởng nhiều bấy nhiêu. Nhưng sách chỉ là nơi tôi có thể nhận lại mà không hề được cho đi.Cuộc sống thực tế thì khắc nghiệt.Trường học thì nghiêm khắc, nhà vệ sinh hôi thối tởm lợm. Bữa cơm chan nước mắt khi cha mẹ lôi chuyện con cái, điểm số, so sánh với đứa này giỏi, đứa kia tệ, v.v. ra để doạ nạt, la lối.
Tôi tận mắt chứng kiến đám bụi đời đánh đến chết một người ăn xin để cướp tiền. Và tôi cho rằng cuộc đời này thật khủng khiếp, chẳng đáng để sống.Tất nhiên, chẳng ai phân tích cho tôi hiểu rằng nó là như vậy, cách nào để vượt qua.Ai cũng bận rộn chuyện của mình.
Con gái tôi có lẽ cũng thế.
Buổi tối hôm đó, con gái đi học về, tôi rủ con đi ăn kem tươi. Hai mẹ con gọi thêm một dĩa gỏi khô bò, nó thích món gì chua chua. Tôi hỏi dạo này con đi học có vui không? – “Không mẹ à, con nhớ trường cũ, bạn cũ, thầy cô của của con.Trường mới rất chán và nhà vệ sinh thì khủng khiếp!”
Tôi trò chuyện với con gái của mình, kể cho con nghe những gì tôi đã trải qua tuổi teen, ngay cả ý nghĩ bỏ trốn. Con gái lắng nghe rất chăm chú. Rồi nó hỏi: “Vậy mẹ có đi không?” – “Có, đi một đoạn rồi quay về, vì nhớ nhà!” Con gái tôi nhoẻn miệng cười, rồi im lặng.
“Nhưng nếu con có muốn trốn đi đâu đó một thời gian, thì có thể nói với mẹ. Vì mẹ hiểu đó là khao khát mà tuổi mới lớn nào cũng thèm được ở yên một mình, nơi không ai quen biết. Người ta bắt đầu ý thức rõ về sự cô đơn, và tò mò với nhận thức này. Một mình để định hình hơn về bản thân. Để tự nhận ra rằng mình không cần phải phụ thuộc vào gia đình, cha mẹ, xã hội, các mối quan hệ thông thường”.
Con gái tôi bắt đầu kể chuyện của nó, những buổi cùng bạn bè trang lứa kéo nhau vào phòng riêng của một đứa và ôm nhau… khóc.
Chúng ta ai cũng đã từng trải qua tuổi mới lớn, để mở lòng với trẻ ở tuổi này, mà lại là chính con mình, là điều không khó nhưng không phải cha mẹ nào cũng làm điều đó. Đối thoại với con như hai người bạn đồng cảnh. Chia sớt với con những khó khăn mà mình gặp phải cũng là một cách đưa con dần nhận thức về một cõi người nhiều cạm bẫy, trắc trở, đa đoan, gian khổ, đó cũng là cách để con có thể dần nhận ra cách thức đón nhận cuộc sống như nó vốn có, thay vì ra sức chăm bẵm biến con trở thành “kẻ thừa thãi” với chính cuộc đời mình, rồi sau đó, vì một biến cố, vất bỏ con giữa dòng đời đầy hiểm nguy.
Thái Thảo (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này