12:17 - 03/03/2019
Còn bao nhiêu phần trăm giáo viên dùng sách giáo khoa?
Ngày 22/2/2019, báo Tuổi Trẻ điện tử đăng một bài viết với tiêu đề Trước mắt chỉ thống nhất một bộ sách giáo khoa
Nội dung chính của bài báo phản ánh hai ý kiến có tính kết luận của Chủ tịch (CT) và phó Chủ tịch Quốc hội (PCT), cơ quan dân cử có quyền lực cao nhất (theo Hiến pháp), về vấn đề có mấy bộ sách giáo khoa (SGK) cho chương trình phổ thông mới, sắp áp dụng từ năm 2020.
PCT Uông Chu Lưu phát biểu: “Quan điểm của tôi thiên về có chương trình và SGK thống nhất, chứ nếu sách mà ai cũng viết, ai cũng phát hành được và nhà trường lựa chọn thì e rằng khó đảm bảo chất lượng”. Còn theo CT Nguyễn Thị Kim Ngân thì “Hiện nay điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước chưa cho phép, nên trước mắt vẫn thống nhất chỉ một bộ SGK, đến khi nào điều kiện đất nước phát triển đảm bảo các điều kiện cần thiết thì sẽ thực hiện chủ trương nêu trên”.
Thực tế, trong khoảng năm năm trở lại đây, kể từ khi từ khi bộ Giáo dục và đào tạo cho phép dạy học theo chủ đề, dạy học theo dự án, việc quy định số tiết thực hiện cho các đơn vị kiến thức trong SGK không còn ràng buộc chặt chẽ chính xác như mười năm trước – đặc biệt là đẩy mạnh việc dạy học theo hướng phát huy năng lực người học – thì có thể nói, đa phần đối với giáo viên (GV) giỏi thật sự, GV có kinh nghiệm lâu năm đã coi SGK như một loại sách… tham khảo.
Có nghĩa là, dựa trên khung phân phối chương trình, dựa trên chuẩn kiến thức kỹ năng quy định… GV sẽ tự biên soạn ra một tập bài giảng (course) bao gồm lý thuyết + bài tập phù hợp nhất với đối tượng học sinh mình đang dạy (khuynh hướng dạy học cá thể).Trong đó có đủ các ký hiệu (hình 2) được sử dụng như hệ thống quy ước công việc học sinh cần làm gì khi đến đoạn đó, mà GV không cần nhắc nhở (hình 3). Phần bài tập luyện tập được soạn theo hình thức nâng dần từ dễ đến khó (theo bốn mức độ: nhận biết – thấu hiểu – vận dụng thấp – vận dụng cao).
Giá thành hoàn chỉnh cho một tập bài giảng như vậy chỉ khoảng 15.000 đồng (GV in bản chính, sau đó học sinh tự photo), được sử dụng thay cho SGK, vở ghi bài học, học sinh chỉ tốn thêm một quyển vở bài tập nữa là xong.
Điểm hay của cách làm này chính là bài giảng được GV cập nhật hàng năm (rút kinh nghiệm qua các tiết dạy tại lớp), học sinh được xác định rõ yêu cầu học tập, các vấn đề cần giải quyết, các vấn đề cần tư duy mở rộng thêm, v.v.
Điểm dở của cách làm này ở chỗ, hiện nay vẫn được xem là cách làm “chui”, mỗi khi có thanh tra cấp trên về, GV không dám khoe thành tích này ra vì sợ bị thanh tra (bảo thủ) phê phán là làm trái quy định. Vì thế, trong một trường, trong một thành phố có thể có nhiều bài giảng như thế: giống nhau về nội dung kiến thức, nhưng khác nhau về cách trình bày. Học sinh có cơ hội tham khảo thêm bài giảng của các “cao thủ võ lâm” khác nhau, từ đó có được cái nhìn nhiều góc độ cho cùng một đơn vị kiến thức.
Cách làm này, có thể thấy ở các trường lớn, ở các thành phố lớn đang được GV lặng lẽ âm thầm làm, có thể tới 80% GV đã từng làm nhiều lần, thế nên nhiều khi SGK học sinh mua rồi, cuối năm vẫn còn mới keng vì rất ít sử dụng đến, hoặc chỉ sử dụng vài lần trong năm học.
Cách làm này cũng không có gì là mới. Giáo dục miền Nam xưa (trước 1975), người ta đã làm rồi, hồi đó mỗi GV dạy có thể chọn giới thiệu cho học sinh quyển sách GV sẽ sử dụng để dạy, và cùng một chương trình toán – lớp 10 chẳng hạn – sẽ có nhiều nhóm khác nhau viết sách (không gọi là SGK) – và nhóm nào viết hay thì bán được nhiều sách, thế thôi. Vậy nên, chúng ta đã bước qua thế kỷ 21 rồi, đã 50 năm so với thời đó rồi, mà chúng ta vẫn còn cứ loay hoay bàn luận mãi chuyện một bộ SGK hay mấy bộ SGK là vừa, thì có vẻ lạc hậu và không hiểu gì vềdòng chảy ngầm trong thế giới GV về việc này.
Nên chăng, trách nhiệm quản lý nhà nước chỉ cần xây dựng hệ thống chương trình khoa học, chuẩn kiến thức kỹ năng chi tiết rõ ràng (để đảm bảo mọi GV đều hiểu giống nhau) và cách hiệu quả đào tạo sao cho chính xác, gọn nhẹ và công bằng.
Còn chuyện biến các nội dung đó thành SGK, vui lòng cứ để GV lo là đủ.
Phạm Phúc Thịnh (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này