13:18 - 05/09/2019
Chuyện về những con ‘kỳ lân’ Việt
Đã bốn năm liên tục BSA tổ chức cuộc thi khởi nghiệp, có hàng ngàn bạn trẻ đem đến ý tưởng, dự án và hàng trăm trong số đó đạt giải, tiếp tục tổ chức sản xuất, gắn bó với dự án và gặt hái thành công.
“Tháng 4 triển khai, tháng 8 chấm vòng bán kết, để đến tháng 9 đi tập huấn cho các dự án được xét vào vòng bán kết cuộc thi. Tháng 9 cũng là tháng tụi mình đi khắp mọi miền đất nước để gặp những chủ dự án khởi nghiệp xanh, nghe họ chia sẻ những câu chuyện khởi nghiệp”, trích nhật ký của một người trong BSA.
Câu chuyện của những bạn trẻ khởi nghiệp bền chí, quyết tâm thực hiện ước mơ làm giàu cho mình, cho gia đình và cộng đồng xã hội là đề tài chưa bao giờ là nhàm chán. Trên khắp đất nước hình chữ S, ở đâu cũng có những mô hình khởi nghiệp từ tấm lòng, từ suy nghĩ của nhiều bạn trẻ ý thức tạo và giữ cuộc sống xanh, phát huy được giá trị cuộc sống, khai thác và gìn giữ phát triển tài nguyên bản địa. Nhân sự kiện chương trình khởi nghiệp 5 năm do trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) khởi xướng trong lĩnh vực nông nghiệp, TGHN nêu lên một số mô hình khởi nghiệp thành công, như là chất xúc tác để các bạn trẻ tham khảo.
Như câu chuyện của Nguyễn Thị Thu ở Hà Nội, một bạn trẻ khởi nghiệp bằng ý tưởng sản xuất xanh. Gặp và nghe Thu chia sẻ những giải pháp làm cho đất hồi sinh, bằng cách tự sản xuất phân bón, chế phẩm sinh học, các loại thiên địch bèo cái, vịt để làm sao giảm giá đầu vào sản xuất xuống ít nhất 1/2 lần; tận thu tất cả các sản phẩm rơm, rạ, gạo, cám, trấu để tăng giá trị gia tăng trên một sào ruộng, bằng cách nâng giá trị sản phẩm lên; hay câu chuyện Thu tâm niệm làm nông tử tế, minh bạch, không lừa đối khách hàng để họ thấy họ không bị lừa dối… mới thấy ý chí và suy nghĩ làm nông của giới trẻ bây giờ đã thay đổi nhiều, so với cách làm truyền thống sử dụng vô tội vạ thuốc và phân hoá học.
Câu chuyện của Lý Tà Giàng. Nếu có dịp đi Hà Giang đến cổng trời Quản Bạ, hãy vào cửa hàng của hợp tác xã (HTX) Năm Đăm để được uống ly cà phê ngon, uống ly trà gừng mật ong, ngắm toàn cảnh núi đồi, và nhất là để gặp và nói chuyện với Lý Tà Giàng. Chàng trai tuy mới 24 tuổi, nhưng thể hiện vai trò thủ lĩnh, tính tình bộc trực, thẳng thắn, đảm nhiệm giám đốc kinh doanh HTX dược liệu Năm Đăm rất tốt, hiệu quả doanh số ổn định và phát triển. Rời cổng trời Quản Bạ nhớ đem theo những lọ cao bổ khí ích não, cao atisô đỏ, trà gừng núi Hà Giang, thuốc ngậm sâu răng ủng hộ cho bà con người dân tộc Mông, ngày ngày cùng với xã viên vào rừng tìm lá thuốc, trồng cây thuốc quý… để sản xuất ra các loại cao, dược liệu có tính năng bổ dưỡng sức khoẻ này.
Đặc biệt hơn là Nguyễn Văn Chung, một chàng trai rất thông minh và đầy nghị lực, có nụ cười sảng khoái, là vận động viên bộ môn bơi lội thành viên đội tuyển bơi lội người khuyết tật TP Hà Nội. Ngoài những lúc tham gia đi thi đấu, nghề nuôi sống bản thân Chung là nấu xà bông thảo dược. Chung mày mò làm ra những miếng xà bông chanh, cam, sả, than, chùm ngây, cám gạo… với những hình bông hoa xinh xắn, chất lượng tự nhiên được nấu, sản xuất ngay tại chỗ, đã trở thành sản phẩm hot tại các kỳ hội chợ, triển lãm.
Hết miền Bắc về miền Trung, để gặp Phạm Chí Công ở Đà Nẵng, kể chuyện sản xuất ra máng thức ăn tự động có định lượng cho heo ăn, hay nghe Phạm Quỳnh Anh ở Huế, kể về đam mê làm ra những sản phẩm mỹ thuật chạm khắc mỹ thuật trên guốc. Ở Huế, cũng không thể không nhắc đến câu chuyện khởi nghiệp thành công nhanh của Nguyễn Thị Kim Hằng cùng chồng là Tôn Thất Tử Mỹ, làm món gia vị bún bò Huế chuẩn vị Huế. Khởi nghiệp vào đầu năm 2017 với một loại sản phẩm, đến 2019 cả hai vợ chồng Hằng đã đưa ra thị trường thêm nhiều loại sản phẩm gia vị rất đặc trưng của Huế như ruốc sả, sa tế sả ớt, phở Huế… Năm 2018, gia vị bún bò Huế của Hằng đã vào hệ thống Big C toàn quốc, xuất khẩu chính ngạch sang Hoa Kỳ, bán được trong siêu thị tại Washington D.C và Colorado, chuẩn bị xâm nhập vào Florida và California. Ngoài ra, còn tham gia quảng bá tại hội chợ ẩm thực Hoa Kỳ.
Về đến đồng bằng sông Cửu Long sẽ thấy hằng hà các dự án khởi nghiệp tận dụng tài nguyên bản địa. Bắt đầu từ Đồng Tháp, các dự án khởi nghiệp gắn liền với sen, ấu, bưởi, xoài… Hay Nguyễn Thị Các Thuỷ, cô kỹ sư công nghệ thông tin kể chuyện làm mứt chuối phồng Tư Bông ở Lai Vung. Thuỷ nổi tiếng với câu nói với công nhân: “Mình có vui thì làm ra chiếc bánh sẽ vui và người ăn nó cũng vui”. Cũng ở Đồng Tháp, Huỳnh Ngọc Như lại đam mê với câu chuyện muốn khôi phục nghề dệt khăn choàng của bà, của mẹ, thích khám phá năng động làm ra được nhiều sản phẩm từ chiếc khăn choàng của làng nghề Long Khánh, hay đến cô giáo Nguyễn Anh Thy vừa dạy học, vừa khởi nghiệp bằng sản phẩm củ ấu tách vỏ, trà lá sen. Còn anh chàng Ngô Chí Công, thạc sĩ chuyên ngành hoá học tại Pháp, cũng về quê hương Đồng Tháp lập ra doanh nghiệp Ecolotus, với những sản phẩm từ sen như hoa sen tươi sấy khô, nón lá sen, tranh sen, sổ sen, khay lá sen, viết sen… Gần đây nhất, Công ra mắt bộ sưu tập áo dài sen thật tinh tế. Đầu tháng 9 này, Công tiết lộ sẽ đi Pháp để ra mắt công ty Ecolotus France tại Paris, mở rộng cơ hội đem sản phẩm sen tài nguyên bản địa của Đồng Tháp chinh phục các thị trường châu Âu, như: Pháp, Ba Lan, Đức, Ý, Tây Ban Nha…
Ở Đồng Tháp còn có tràm chanh, tràm gió, cam, quýt, buởi…, đó chính là nguồn cảm hứng để Đoàn Ngọc Minh Thuỳ, cử nhân khoa sinh, trường ĐH Khoa học tự nhiên, đem hết kiến thức đã học làm ra gần 100 loại tinh dầu, trong đó phải nói đến bộ sưu tập 50 loại tinh dầu gia vị. Để có bộ sưu tập 50 loại tinh dầu, Minh Thuỳ chỉ mất 30 ngày kỳ công nghiên cứu, cô sử dụng nguyên liêu khắp ba miền Nam, Trung, Bắc. Trong hội chợ quốc tê Nông sản thực phẩm và đồ uống 2017 tại Thái Lan (ThaiFex 2017), tinh dầu Hương Đồng Tháp của Thuỳ đã thuyết phục được khách tham quan. Thuỳ là cô gái luôn sáng tạo và có kiến thức nền khoa học khá vững, gần nhất Thuỳ làm ra loại xà bông được chiết xuất từ dầu ăn đã qua sử dụng.
Đi du lịch, thú nhất là được nghe, được trải nghiệm cuộc sống của dân bản địa, được tát ao bắt cá, hay được xem đom đóm “múa hát trong đêm”… Muốn vậy, hãy đến với mô hình phát triển du lịch dựa vào tài nguyên bản địa của công ty truyền thông du lịch C2T (Võ Văn Phong – Bến Tre, giải nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp 2018 do BSA tổ chức ). Đây là dự án phát triển đặc thù nằm trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch. Ngoài hoạt động chính về du lịch (lữ hành – lưu trú), C2T còn xây dựng cửa hàng kinh doanh đặc sản, tiêu thụ hàng hoá của các doanh nghiệp khởi nghiệp khác.
Câu chuyện biến cây hoang, cây không giá trị thành cây có giá trị giúp phát triển kinh tế hộ gia đình, dự án Nhang sinh học Thiên Phúc từ cây quao của cô giáo Ngô Song Đào, giải nhì cuộc thi Dự án khởi nghiệp lần 3 (2017 – BSA) cũng khá thú vị. Là cô giáo dạy trường chuyên về sinh học ở huyện Thạnh Phú, Bến Tre, với kinh nghiệm dân gian và kiến thức chuyên môn đã có, cô giáo Song Đào đã tận dụng cây quao, là loại cây dại mọc ở ven kênh, rạch làm thành nhang sinh học không khói, còn có tác dụng xua muỗi. Hiện Đào vừa dạy học vừa là chủ chuỗi cửa hàng thu mua nguyên liệu từ cây quao của bà con, thành lập nhóm sản xuất nhang, hướng dẫn mọi người chăm sóc, phát triển cây quao để giữ vùng nguyên liệu làm sản phẩm, biến cây hoang thành cây có giá trị. Nhang sinh học Thiên Phúc của cô giáo Song Đào bán khá chạy. Tháng 7.2019, cô đã được cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng Độc quyền sáng chế với giá trị 20 năm.
Còn quá nhiều những câu chuyện khởi nghiệp thành công và cũng còn nhiều mô hình khởi nghiệp khó khăn, trắc trở, kể cả thất bại; nhưng không vì thế mà tinh thần khởi nghiệp của bạn trẻ vơi đi. Năm năm theo đưổi chương trình khởi nghiệp, những người tổ chức BSA tiếp cận được rất rất nhiều mô hình khởi nghiệp, ở đâu cũng có dự án xuất phát từ tấm lòng, từ suy nghĩ của nhiều bạn trẻ, ý thức tạo và giữ cuộc sống xanh, phát huy được giá trị cuộc sống, khai thác và gìn giữ phát triển tài nguyên bản địa. Và những câu chuyện khởi nghiệp còn dài…
bài và ảnh Kim Anh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này