
12:33 - 30/06/2019
Chuyện học đường: Mùa hè, mùa các thầy cô về làng
Cách đây khoảng hai thập niên, khi còn là học sinh, mỗi ngày đi học chúng tôi đều đi bộ đến trường làng.
Ăn sáng thì có bữa ăn khoai lang, có bữa để dành bát cơm tối hôm trước nén lại cho đông cứng rồi chấm nước mắm… Trưa đi học về có những hôm cái đói bao trùm lấy những đứa trẻ như tôi, mỗi bước đi thất thểu trên đường đất lô nhô. Vào mùa đông chúng tôi hay nhảy xuống ruộng moi trộm vài củ khoai lang ăn đỡ đói, mùa lúa đang làm đòng chuẩn bị trổ bông, trẻ con chúng tôi cũng không lường được hậu quả của việc rút ngọn lúa đang làm đòng để ăn, mặc dù thừa biết cây lúa không còn đòng thì không thể trổ bông ra hạt…
Những đứa trẻ như chúng tôi dần lớn với những mông muội thiếu hiểu biết đó, hàng ngày mỗi buổi tới trường như một nghĩa vụ tìm con chữ. Rồi khi mùa hè về chúng tôi đi tắm con kênh ngoài đồng ruộng, những trưa nắng mò tôm trong ngách đá của những con sông nhỏ, đi móc dam (thò tay vô lỗ trên bờ ruộng để bắt cua đồng) để về có một bữa ăn cho gia đình…
Cứ ngỡ rồi cuộc đời chỉ có thế! Rồi vào một mùa hè, được linh mục nhà thờ thông báo có thầy cô giáo dạy thêm các môn văn hoá dịp hè. Bao nhiêu háo hức đến với người dân trong làng và bọn trẻ chúng tôi, vì lúc đó dạy thêm chưa tràn lan, chỉ những đứa trẻ con nhà có điều kiện mới đủ tiền học thêm. Khi đó, chúng tôi được các anh chị sinh viên dạy thêm một vài tháng trong hè.Những sinh viên hồi đó được chúng tôi gọi là thầy cô, dù họ chưa tốt nghiệp và cũng đang ngồi trên ghế giảng đường. Tuy nhiên, những bài học, những trải nghiệm và kể cả những thay đổi trong phương pháp giảng dạy làm thế hệ học sinh như tôi thích thú, nó khác với những ngày học chính khoá trên trường. Nhiều người trong làng tôi vẫn giữ cách xưng hô thầy – trò như mùa hè năm nao, mặc dù tuổi tác giữa thầy và trò không hơn nhau bao nhiêu, và nhiều sinh viên dạy hè ngày ấy cũng không là nhà giáo mà họ làm việc ngoài ngành sư phạm.
Lớn lên chúng tôi trân trọng sự dấn thân của những thầy cô đó, vẫn gọi họ là thầy, coi họ như những người truyền cảm hứng cho việc tìm con chữ để khám phá chân trời mới.Rất nhiều bạn trong làng tôi hồi đó đã trưởng thành và phát triển nhờ sự khơi mở hiểu biết
từ các khoá học hè năm xưa.
Để đáp lại ơn tình các thầy cô đã khơi mở cho bao thế hệ trong làng trước đây, chúng tôi tri ân họ bằng cách nối tiếp chương trình hè dạy các môn toán, văn, tiếng Anh khi bước vào giảng đường đại học. Hơn chục năm trước mỗi khi hè về, sinh viên cùng nhau xin phép dạy một vài lớp để bổ sung kiến thức cho các em trong làng, bao nhiêu con chữ ấy là bấy nhiêu nguồn cảm hứng để các em vững tin bước đi vào đời. Và, không dừng lại ở việc dạy kiến thức sách vở mà mỗi buổi học là các em học sinh được nghe những câu chuyện về cuộc sống, về những điều đầy thú vị ở đâu đó khi bước ra khỏi “luỹ tre làng”, suốt nhiều năm nay chúng tôi vẫn kiên trì khơi dậy sự tò mò để có thể bồi đắp sự hứng khởi ra đi – tìm về ở người trẻ trong làng. Chúng tôi khuyến khích các em đi đây đó sau khi học phổ thông để tìm khung trời mới muôn màu muôn vẻ, cũng như tổ chức các chương trình hè để các bạn trẻtrở về phục vụ quê hương.
Tình yêu quê hương, niềm tin về một cộng đồng nhân ái, khát khao vươn lên của các em nhỏ là sự thôi thúc để những người thầy chưa rời ghế giảng đường hy sinh quỹ thời gian hè để mà trở về làng quê, thật đáng trân trọng biết bao. Hy vọng mỗi làng quê đều có nhiều thế hệ ra đi để trở về giúp ích cho quê hương xứ sởngày một tươi sáng hơn.
Nguyễn Minh Thanh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này