12:37 - 03/03/2019
Chuyện học đường: Cuộc chia tay của những con búp bê
Những ngày này, tự nhiên tôi nhớ ghê gớm một tiết học văn cách đây gần hai năm của học sinh ở một trường mà tôi từng làm quản lý.
Đây là lần đầu tiên, các em học sinh ở đó được học một tiết học ngữ văn theo hình thức sống động như vậy.
Thay vì chỉ đọc và tìm hiểu truyện ngắn Cuộc chia tay của những con búp bê theo cách thông thường như lâu nay các em vẫn làm: đọc bài, nghe giáo viên hỏi, trả lời v.v. Thì các em đã nhập vai vào các nhân vật trong câu truyện, khóc cười cùng những nhân vật trong truyện hiển hiện trước mắt các em.
Khi thực hiện tiết dạy này, Cô N. M. Loan và tôi phải chịu áp lực rất lớn từ sự nghi ngờ của các giáo viên khác với các lập luận: học sinh trường mình không làm được đâu; học như vậy học sinh sẽ không nắm được bài đâu; học như vậy chắc chắn học sinh sẽ không thích đâu, v.v.
Cô Loan lo lắng lắm và đã dự định không thực hiện, vì sợ nếu thất bại sẽ làm cho các em thất vọng sau bao háo hức chờ đợi.
Tôi phải động viên: “Làm đi, tôi tin học sinh của mình sẽ làm được, các em có năng lực thực sự, chỉ có điều trước giờ người ta không tin các em, nên không dám để các em làm, cô làm đi, tôi chịu trách nhiệm”.
Lúc bắt đầu tiết học, các em có vẻ lúng túng, ngượng ngập với cách học mới này.Tôi hiểu tâm trạng “lần đầu làm chuyện ấy”.Nhưng càng vào tiết học, các em càng hứng khởi, càng say sưa với bài học, các em mạnh dạn trình bày ý tưởng của mình, v.v.
Ấn tượng nhất với tôi, đó là những giọt nước mắt xót xa của cô bé đóng vai bà mẹ khi chứng kiến cảnh hai đứa con chia nhau những con búp bê để đứa về với bố, đứa đi theo mẹ.
Những ngày này, phương tiện truyền thông lùm xùm cuộc chia tay của vợ chồng doanh nhân thương hiệu Trung Nguyên. Chợt thấy, sao đời thực giống cảnh diễn của các em theo câu chuyện mà các em đã đọc và trình bày lại: người bố, người mẹ, người thẩm phán, v.v.
Sau tiết học đó, thái độ học văn của học sinh không chỉ lớp đó mà cả những lớp khác thay đổi rõ rệt, giờ văn không còn là cực hình với bọn nhỏ nữa mà trở thành sự say mê, sự thú vị. Giờ đây, không còn ở đó nữa, cô Loan cũng không còn ở đó, bọn nhỏ cũng có đứa còn học ở trường, có đứa chuyển trường, có đứa đi du học…
Nhưng với bọn nhỏ, những giờ học văn năm đó, những giờ phút lên phòng hiệu trưởng ngồi bệt dưới sàn để làm các poster dự án môn văn, những giờ học theo hình thức lớp học không tường… luôn là những kỷ niệm đẹp, khó quên và luôn là sự tự hào của các em vì mình đã được học môn văn một cách thật sinh động.
Chỉ tiếc rằng, bây giờ các em phải quay trở lại với cách học “truyền thống”, vì những giáo viên khác không muốn thay đổi do quá mệt khi dạy theo cách mới, vì áp lực thành tích, v.v.
Phú Thi (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này