
12:03 - 28/04/2016
Chuyện con mọt thời nay
Mong muốn ăn thực phẩm sạch và thói quen ngon mắt đối với thực phẩm hiện nay đang rất mâu thuẫn nhau. Chọn thực phẩm và ăn bằng nghe-ngửi-nhìn-sờ chính là những hạn chế của người tiêu dùng.
Những quan niệm sai
Chẳng hạn như rau củ phải tươi bóng thay cho việc chọn một bó rau thực chất không phun hay ngâm thuốc để giữ rau trông đẹp lâu hơn, hay chọn gà thì phải gà vàng da có khi sẽ bị ăn phải gà bôi chất độc (màu công nghiệp).
Cụm từ “gạo chà dối” vừa trở lại với thị trường gần đây vẫn không thuyết phục được những người có thói quen thích nhìn nồi cơm trắng phau (vì đã bị chà bóng hết mức không còn chút cám – là thành phần bổ dưỡng nhất của hạt gạo).
Vợ chồng chị Yến đã suýt bỏ nhau chỉ vì ông chồng một ngày nọ càm ràm sao mấy ngày gần đây cho ổng ăn cơm có mọt.
“Ông nói sao vậy, gạo có mọt mới là gạo sạch, ông không thích ăn thì để mẹ con tôi ăn, mai tôi mua chục ký gạo trắng nấu cho ông ăn riêng” – “Cô nói vậy là ý sao? Cô muốn ra riêng thì ra luôn”…
Chuyện con mọt gạo thời nay, thật oan cho con mọt, lại là nguyên nhân ly dị của đôi vợ chồng thì thật là vô lý.
Nhưng cái sự vô lý ấy vẫn diễn ra hàng ngày trên đất nước. Một nhà báo chuyên viết về nông nghiệp tìm được giống gạo ngon, đem tặng một chuyên gia kinh tế khá nổi tiếng, nhưng sau đó bị mắng vốn vì sao lại cho cái gạo vàng ệch, nhìn thấy kinh mà ăn cái gì.
Nhà báo phải giải thích: gạo của người trồng lúa không phân hoá học, không thuốc sâu… sẽ không đẹp mắt nhưng bổ dưỡng và thơm ngon, lúc đó ông mới chịu ăn thử.
Người đi chợ hỏi luôn nhà báo ấy về chuyện mua thịt ở đâu là an toàn.
Thông thường thói quen mới hiện nay là mua thịt siêu thị vì thấy trong ngăn lạnh sạch sẽ, có biết đâu có những quy trình của một số siêu thị để lạnh như sau: thịt gà được nhà cung cấp giết mổ từ rất sớm và giao đến siêu thị vào lúc 5, 6 giờ sáng. Nhưng bỏ nằm đó cho đến 8 giờ mới nhập kho lạnh.
Chỉ cần mấy tiếng đồng hồ như thế thịt đã nhiễm vi sinh quá giới hạn. Vì thế, những người đi chợ sớm mua thịt tươi là an toàn nhất.
Minh bạch quy trình
Chị Lan Hương kể, khi chị ra nước ngoài, ở những cửa hàng bán thực phẩm O đều có những màn hình rất lớn trình chiếu quy trình nuôi trồng và sản xuất lần lượt từng sản phẩm để người tiêu dùng thấy rõ những sản phẩm họ mua đã được làm an toàn ra sao.
Nhưng ở Việt Nam thì chưa thấy cửa hàng nào làm vậy.
Cách đây vài tháng, khi chúng tôi đi viết về sản vật địa phương, tìm đến các cơ sở sản xuất lạp xưởng ở Long An, nhưng không có nhà sản xuất nào cho phép mình vào chụp hình các công đoạn chế biến, chỉ với hành vi khuất tất đó, nhà báo có thể đưa ra kết luận: sản xuất lạp xưởng ở Long An có vấn đề.
Ông Đoàn Hữu Đức, người thực hiện tủ sách Tiếp thị địa phương, có lần kể ông nói với anh chàng Thuận sản xuất trà khổ qua rừng: từ khâu trồng nhà kiếng đến khâu thu hoạch bảo rằng sạch là tạm tin được.
Nhưng vào đến nhà máy nó được chế biến như thế nào, ai chứng nhận?
Việc các thực phẩm chăn nuôi và chế biến theo một quy trình sạch cần được công khai, minh bạch và truyền thông rộng rãi chính là xây dựng “niềm tin” mà chị Lan Hương nói đến.
Cho đến giờ, người tiêu dùng tuy vẫn phải dựa vào thứ “niềm tin” mơ hồ mà các nhà sản xuất đưa ra với những lời quảng cáo “Sạch”, “An toàn” vô căn cứ; nhưng tin rằng chính những doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân hiện nay đang từng bước chuyển đổi sang nuôi trồng và sản xuất sản phẩm sạch – xanh minh bạch, công khai sẽ dần thay đổi thói quen ham rẻ của người tiêu dùng, và quan trọng hơn cả là xây dựng niềm tin đích thực đang dần bị xói mòn trong lòng dân.
Hồ Trần
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này