10:40 - 15/09/2019
Chọn nghề của giới trẻ: thực dụng hay đam mê
Nhiều tranh luận về tương lai con cái của cha mẹ, chung quy lại chỉ là: học để kiếm tiền tự nuôi sống được mình hay học để đạt đến khao khát, đam mê và tìm ý nghĩa cuộc sống?
“Mẹ à, nếu con biết đi học tốn tiền như vầy, con xin mẹ mấy tỷ tiền đi học, mua căn nhà cho thuê, hàng tháng lấy tiền đó sống, còn thì làm cái nghề gì nhàn hạ, khỏi phải lo nghĩ gì. Chớ giờ đi học vừa tốn tiền vừa mệt óc quá!”, cô bạn gái kể con của cô gọi điện từ Mỹ về, nói bọn bạn nó người Việt cùng nói với nhau như vậy. Bọn nó thấy hối hận vì phải đi học mệt mỏi, xa nhà mà ra trường chưa chắc kiếm được việc làm có lương cao, trong khi tiền của bố mẹ có sẵn, năm năm học mất 5 tỷ đồng thì xin luôn một căn nhà để cho thuê là xong.
Tôi hỏi: “Vậy cháu không có đam mê gì sao? Nếu không vì mong muốn trở thành và được làm điều mình thích, thì thế nào?”
Anh bạn ngồi cạnh nói: “Anh hiểu ý em, nhưng có những đứa thực dụng. Hồi mới đi háo hức, rồi có khi mệt mỏi, thấy hối hận. Chỉ muốn kiếm một công việc yên ổn, sống đời an phận thủ thường thôi. Đó cũng là một lựa chọn của một phần giới trẻ bây giờ”.
Có những người trưởng thành trong đam mê, có những người lựa chọn sự an phận. Đâu phải ai cũng giống ai, giới hạn của con người là ở đó, trong từng giai đoạn trưởng thành, tôi hiểu như vậy và hỏi cậu con trai 18 tuổi của mình: “Con nghĩ sao về chuyện đó?”
Con cho rằng, cậu nói, đó chỉ là một khía cạnh của tuổi trẻ, giả như con có ước mơ, đam mê của mình, nhưng làm thế nào đạt được thì cũng có lúc con nản lòng muốn kiếm một con đường dễ đi hơn, và tự thấy dễ dàng hơn. Nhưng có khi con lại thấy rằng đó không phải là mình, ngọn lửa của mình đang cháy và đang muốn phát sáng, vậy mình phải làm gì? Câu hỏi đó khiến con tự vực mình dậy, cho con thêm cố gắng để đạt đến mục đích. Mặt khác, con biết rõ mình là ai, mình muốn gì.
Chị ấy có quyền chọn cuộc sống an phận với giới hạn của chị ấy, có thể sống trong một môi trường khác, chị ấy thấy đời sống đó là hợp với mình. Con nghĩ mình không nên phán xét ai mà nên đặt mình vào hoàn cảnh của họ, và chỉ có họ mới biết rõ họ muốn là gì.
Tôi nói tiếp theo những suy nghĩ của cậu con trai mình, mẹ thì cho rằng khi ta lựa chọn một cuộc sống an phận, ta yếu đuối và chấp nhận mình. Còn khi ta lựa chọn cuộc sống dấn thân vì đam mê, thì nói như con, ta luôn muốn thổi ngọn lửa trong mình.
Con đồng ý là có yếu đuối, nhưng cũng có người cho đến một giai đoạn, tự dưng muốn làm điều mình thích, bằng mọi giá phải đạt được, có thể lúc đó có ai đó tác động hay chỉ ra cho họ. Hay cũng có người chỉ thích làm một thứ như một đầu bếp giỏi, họ không quan tâm đến gì khác ngoài việc sáng chế ra một cái bánh thật ngon mà chưa ai từng ăn. Điều này giản dị mà mẹ.
Những đứa trẻ trưởng thành với trí óc chưa chất đầy định kiến, cùng với lối suy nghĩ rất khác cha mẹ chúng: luôn mong cầu cho chúng đạt được điều gì đó… thấu rõ hơn chúng ta, chúng luôn có thể cảm thông cho nhau, dễ dàng thấy mặt trăng hơn là ngón tay chỉ trăng mà cha mẹ chúng mường tượng.
Hy vọng các cha mẹ đọc những dòng này, tự mở thêm tâm trí của mình với con cái, chấp nhận con là một sự tiến bộ vượt bậc của các cha mẹ bây giờ, ở Việt Nam.
Thái Thảo (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này