
09:08 - 10/06/2020
Chọn đồ chơi hay sách?
Đối với cha mẹ, nuôi con dễ hay khó không tuỳ thuộc vào đứa trẻ, mà tuỳ thuộc vào sự quan tâm, chăm sóc, nhận diện những thuộc tính của con mình.
Để từ đó, không chỉ giúp cho trẻ dần hoàn thiện bản thân, mà còn kiến tạo tương lai cho con hạnh phúc khi con tự ý thức về mình thông qua sự thấu hiểu và thông cảm, tình yêu thương của cha mẹ dành cho.
Nhận diện con qua trải nghiệm về trò chơi
Lâu nay, chúng ta vẫn thường thấy đồ chơi nói chung dựa theo giới tính của trẻ, từ màu sắc đến các loại đồ chơi mang đặc tính riêng. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu hành vi tâm lý trẻ cho rằng chính vì điều này nó cũng ảnh hưởng đến sự phân biệt giới tính và từ đó dẫn tới kỳ thị giới tính hay không, dẫn tới định kiến về xã hội hay không, tỷ dụ như từ những đồ chơi lắp ráp máy móc sẽ đại diện một số nghề mà chỉ có đàn ông hay làm, và cũng có một số nghề vốn được “quy định” là của phụ nữ như nấu nướng, chăm sóc búp bê (em nhỏ), v.v.
Nhưng có lẽ thời đó cũng đã lùi dần vào quá khứ, hiện nay, hầu hết các đứa trẻ đều mê một trò game, mê những nhân vật bước ra từ game, và vì thế mà không hề có phân biệt giới tính khi cùng chung một mối quan tâm đóng vai anh hùng diệt gian ác. Đứa trẻ nào cũng có thể vào vai anh hùng, cho nên chẳng ai phân biệt giới tính nào ở đây cả.
Vậy thì làm thế nào để có thể quan sát con mình từ một trò chơi mà bé thích?
Ngay cả các quan niệm về phát triển con người cũng đã khác. Với thuyết đa trí tuệ, khai thác các khả năng tiềm ẩn của con người, nhiều hãng đồ chơi đã tìm cách tạo ra các sản phẩm kích thích những năng lực tiềm ẩn của trẻ em, giúp cho cha mẹ một cách tích cực hơn trong việc nuôi con, hiểu con và góp phần vào giáo dục cho trẻ trở thành con người là chính nó.
Ở một mặt khác, đồ chơi cũng ảnh hưởng đến tư duy, trí tuệ, hành vi của trẻ gần như toàn diện. Vì vậy, người ta liệt kê những sản phẩm đồ chơi “nghèo nàn” kiểu có sẵn mọi thứ từ âm thanh đến ánh sáng, di chuyển bằng công tắc, v.v., khiến cho sự phát triển về mặt sáng tạo của trẻ bị giới hạn. Ngược lại, hiện nay ngày càng có những loại đồ chơi kích thích trí tưởng tượng, tạo không gian và khoảng trống cho trẻ có thể sáng tạo… dù có khi chỉ với một vài khúc gỗ.
Ngoài ra, cho trẻ chơi đồ chơi hay các trò chơi cũng là một cách để trẻ tiếp cận với các kỹ năng ứng xử xã hội, tìm hiểu về vạn vật chung quanh, đời sống con người. Đặc biệt, còn có những đồ chơi làm tăng khả năng điều hoà những cảm xúc của trẻ khi trẻ gặp vấn đề về tâm sinh lý. Và khi phụ huynh chọn lọc các đồ chơi cho trẻ, sẽ giúp cho việc giáo dục con cái theo hướng tích cực, văn minh.
Vậy nên, chọn đồ chơi cho con, nên đi cùng con. Khi con chơi, hãy chơi cùng con và không chỉ có con mới thắc mắc, mà chính cha mẹ cũng cần hỏi con về món đồ chơi đó nếu mình thắc mắc. Chơi đúng luật, nghĩa là công bằng cho tất cả, chứ không phải vì mình là “cha mẹ” nên có quyền… ăn gian!
Cùng con mua sách
Bạn tôi kể làm sách cho thiếu nhi thật không dễ, cách đây ba năm, khi cô ấy hồ hởi tính làm tủ sách triết học trẻ em, tập trung đầy đủ các dịch giả, biên tập, nhà xuất bản và cả tự bỏ ra một khoản tiền để đầu tư mua bản quyền một số cuốn sách của tác giả nổi tiếng ở Mỹ… nhưng cuối cùng bạn tôi phải buông, vì cứ ì à ì ạch mãi mới cho ra mắt được vài ba cuốn mà chưa tái bản lần nào.
Hiện nay thị trường sách cho thiếu nhi muôn hình vạn trạng, thể loại nào cũng có, từ lịch sử đến khoa học, thần thoại đến tiểu thuyết, kể cả sách hướng dẫn phương pháp học cũng rất phong phú cho các cấp. Việc lựa chọn sách làm món quà cho con không còn là hiếm. Và việc chọn sách cho con cũng thể hiện sự quan tâm thật sự của cha mẹdành cho con mình.
Chính vì có quan tâm đến con, bạn sẽ biết tính cách của con mình để lựa chọn sách cho phù hợp, tuỳ lứa tuổi, tuỳ thời điểm. Việc này không hề dễ dàng. Thông thường có rất nhiều bạn bè hỏi tôi làm thế nào để chọn sách cho con mình. Tôi có quen biết một số facebooker hiện nay chọn sách cho thiếu nhi rất uy tín, đặc biệt là hai dịch giả Nguyễn Bích Lan và Nguyễn Quốc Vương, những facebooker miệt mài với sách và sách. Kiên trì theo đuổi con đường viết sách, dịch sách và cả chọn sách cho thiếu nhi, rất đáng để các bạn chọn làm kênh tham khảo, giúp việc chọn sách cho con dễ dàng và phù hợp hơn.
Thêm một thiếu sót là hiện nay ở các nhà sách, nhân viên bán sách chỉ tính tiền ở quầy là chủ yếu, còn nhân viên giới thiệu sách cho khách thường không có. Theo tôi, đây là một trong những yếu kém của ngành phát hành sách ở Việt Nam. Tất nhiên thế giới cũng vậy, nhưng xét theo yếu tố tâm lý và sự cần kíp cho việc khuyến đọc của người Việt, rất cần những nhân viên bán sách giỏi chịu khó đọc sách và giới thiệu sách, hướng dẫn cho người đọc, nhất là những phụ huynh đi mua sách cho con vẫn luôn thắc mắc: “Sao tôi chọn sách này mà con lại chọn sách kia?”.
Ngày trước, gia đình tôi cũng có tiệm sách, và thường rất đông vì mấy chị em tôi phụ ba đứng bán, đứa nào cũng đọc sách nên khách đến phần lớn là “hoang mang” khi chọn, chỉ cần chị em tôi nói về nội dung cuốn sách và mô tả sự hấp dẫn của nó, độc giả mua ngay. Tôi cho rằng, các tiệm sách nhỏ ở Sài Gòn hiện nay nên tuyển nhân viên bán hàng có đọc sách, sẽ là một cách cạnh tranh rất hiệu quả với các nhà sách lớn, tạo một thị phần khách hàng riêng, muốn chọn sách cho mình và cho con.
Chân Triết (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này