13:46 - 05/09/2019
Chính sách dành cho khởi nghiệp ở các nước láng giềng
Thái Lan đã có nhiều sáng kiến để cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp.
Thái Lan: Như thế nào là startup thành công
Hồi tháng 2/2019, cơ quan đổi mới sáng tạo quốc gia (NIA) ra đời là một trong những phát kiến đó. Cơ quan bổ sung chương trình hỗ trợ tài chính cho các startup để giúp họ đẩy nhanh tiến độ, tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn 44 tỷ baht (khoảng 1,4 tỷ USD) tạo lập từ nhiều nguồn khác nhau và nhằm vào mục tiêu 1 – 2 kỳ lân trong vòng năm năm.
Chiến lược này nhằm xây dựng 3.000 startup dựa trên đổi mới trong vòng mười năm tới, và chương trình sẽ huấn luyện và kết nối với các sinh viên cao học và tiến sĩ, để giúp tạo ra những doanh nhân hiểu sâu về công nghệ. Đó không phải là giải pháp duy nhất để lập ra một hệ sinh thái khởi nghiệp. Các hệ sinh thái được tạo lập bởi con người, các startup khác nhau thuộc các giai đoạn khác nhau, và các tổ chức khác nhau, với các vai trò khác nhau và tại các địa phương (vật lý hay ảo) khác nhau, tất cả cùng vận hành như là một hệ thống để tạo ra các startup mới.
Các cá nhân có tài được kêu gọi trở thành doanh nhân, lập ra các startup và phát triển qua từng giai đoạn, từ việc được tư vấn trong các chương trình ươm tạo, đến được các nhà đầu tư tài trợ. Cuộc hành trình biến ý tưởng thành doanh nghiệp và đội ngũ thành các tổ chức. Xuyên qua cuộc hành trình này, nhiều tổ chức và dịch vụ hỗ trợ tham gia. Các tổ chức giáo dục đại học là nơi hỗ trợ đầu tiên trong hành trình. Đổi mới sáng tạo thường được sinh ra, và các tài năng được nhận diện trong các trường đại học.
Sau khi startup hình thành, các tổ chức tư vấn tham gia cùng với các cơ sở ươm tạo, tăng tốc và các không gian làm việc chung. Trong giai đoạn lớn lên, đến lượt các mạng đầu tư, các công ty vốn mạo hiểm, các cổng tài trợ quần chúng và các hình thức cung cấp tài chính khác (cho vay, bảo kê, v.v.).Những công ty lớn thường đến sau cùng vào những giai đoạn muộn hơn, để giúp tạo lập các công ty tăng trưởng thành công từ startup.
Đạo luật hỗ trợ startup của Philippines
Tổng thống Rodrigo Duterte đã ký một đạo luật nhằm khuyến khích và thực hiện các chương trình dành cho các startup trong nước hồi tháng 7/2019.
Theo luật Cộng hoà 11337, được ký vào ngày 26.4 năm nay, chương trình phát triển khởi nghiệp của Philippines được xây dựng như là một phần trong nỗ lực của ông Duterte, nhằm thúc đẩy tăng trưởng thông qua một nền kinh tế đổi mới. Chương trình bao gồm các lợi ích và khuyến khích dành cho các công ty startup và người startup, được ban hành thông qua các nhiệm vụ tương ứng của các cơ quan nhà nước và mở rộng bởi các tổ chức phi chính phủ.
Các bộ Công Thương (DTI), bộ Khoa học và công nghệ (DOST), và bộ Công nghệ thông tin và truyền thông (DICT) là những cơ quan chủ trì để hỗ trợ, giám sát, phát triển và khuếch trương chương trình.
Các công ty startup hoặc người khởi nghiệp qua được quá trình tuyển lựa và ứng dụng được trợ cấp toàn bộ hoặc một phần chi phí, để đăng ký và sử dụng các cơ sở hoặc thiết bị do nhà nước cung cấp.
DTI là cơ quan khởi xướng và phối hợp với các cơ quan chính quyền địa phương liên quan đến việc đăng ký, cấp phép, chứng nhận, kể cả cơ quan thu lệ phí, hỗ trợ cho startup.
Để hỗ trợ các startup tham gia các sự kiện hoặc các kỳ thi địa phương và quốc tế, họ sẽ nhận được chứng thực để tham gia, được trợ cấp toàn bộ hoặc một phần chi phí, vé máy bay khứ hồi, cước hành lý.
Đạo luật cũng thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm (SVF) trực thuộc DTI, để phối hợp các nhà đầu tư được chọn lựa đầu tư cho các startup ở Philippines. DTI và công ty phát triển quốc gia (NDC) sẽ phối hợp và ban hành các quy định phù hợp với việc chọn lựa nhà đầu tư và quản lý cùng sử dụng hiệu quả SVF.
Kỳ lân trở thành đề tài thời sự ở Indonesia
Trong cuộc tranh luận trên truyền hình hồi đầu năm, ứng cử viên Prabowo Subianto chùn bước sau khi Tổng thống Joko Widodo hỏi ông về các chính sách hỗ trợ các công ty khởi nghiệp, trong đó có một câu hỏi sử dụng một thuật ngữ công nghệ: kỳ lân. Một cái nhìn bối rối lướt qua khuôn mặt cựu tướng quân, sau đó ông hỏi lại: “Kỳ lân là gì? Ý ngài muốn nói các thứ trực tuyến?”Rồi ứng cử viên này ba hoa chích choè để dấu dốt.Nhưng là một bàn thua trông thấy.Kỳ lân là thuật ngữ để chỉ những startup trị giá trên 1 tỷ USD.
Indonesia, hồi tháng 5 vừa qua cũng đã khai mạc hội nghị cấp cao quốc tế Nexticorn ở Nusa, Bali. Một hội nghị hai ngày nối kết các công ty khởi nghiệp số với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.Hội nghị một lần nữa có liên quan đến từ “kỳ lân”. Quốc gia này hiện có đến bốn kỳ lân: Tokopedia, Gojek – công ty đang điều hành GoViet ở Việt Nam, Traveloka và Bukalapak. Họ được xem là một quốc gia hàng tiên tiến ở Đông Nam Á, xét trên số kỳ lân. Chuyện kỳ lân bắt đầu được chú ý sau cuộc tranh luận thứ hai giữa hai ứng cử viên tổng thống trên truyền hình.
Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani cho biết, bộ này đang chuẩn bị hỗ trợ các chính sách để cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, và tạo điều kiện cho sự ra đời của nhiều kỳ lân hơn, thông qua sự cải thiện nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và phân bổ ngân sách phù hợp, nhằm hỗ trợ nghiên cứu.
Bà bộ trưởng Tài chính cho rằng, sự tồn tại của các kỳ lân không thể tách rời vai trò của những đại học tốt trong việc nuôi dưỡng tài năng, vì các sáng lập viên của các kỳ lân được giáo dục tốt. Chính phủ sẽ hỗ trợ các đại học và viện nghiên cứu về tài chính.Ngoài ra, phát triển cơ sở hạ tầng cũng quan trọng không kém, để nền kinh tế số có thể đem lại lợi ích cho toàn dân.
C. Khanh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này