
10:54 - 15/09/2016
Châu Phi trồng lúa, gạo Việt giá rẻ hết thời?
Đã có doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Việt Nam nói rằng gạo Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi, hình ảnh và thương hiệu gắn với thị trường giá rẻ, người thu nhập thấp, tầm che phủ tới đâu là dấu ấn thương hiệu tới đó. Có thật thế?

Châu Phi đang thúc đẩy an ninh lương thực và dinh dưỡng, tiến đến nông nghiệp bền vững qua vai trò của đổi mới sáng tạo. Ảnh: TL.
Có làm gạo Việt ế?
TS Phạm Văn Tấn, phó giám đốc viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (SIAEP), tham gia đội hình chuyên gia dự án Sáng kiến cạnh tranh lúa gạo châu Phi (CARI).
CARI được bộ Hợp tác kinh tế và phát triển của Đức (BMZ) và quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ để Tanzania (Đông Phi), Nigeria, Ghana, Burkina Faso (Tây Phi) gia tăng sản xuất, cải thiện thu nhập nông hộ, thúc đẩy các tác nhân tham gia chuỗi giá trị.
Theo TS Tấn, với sự trợ giúp quốc tế các nước này đang trỗi dậy, không chỉ tự túc lương thực mà họ còn muốn xuất khẩu lúa gạo.
TS Tấn nói: “Thế giới phẳng. Mình không làm, Thái Lan, Trung Quốc cũng sẽ làm”. Trung Quốc làm sân bay, đường cao tốc nối các vùng ven biển Tây Phi, đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị vào ngành nông nghiệp và thương lái của họ tới nông thôn, trực tiếp mua nông sản cũng như ở Việt Nam”.
Chọn mặt gởi vàng
Châu Phi từng mời chuyên gia từ châu Âu, châu Á và nhận xét của họ là phải mời người giải bài toán trồng lúa từ những quốc gia sản xuất và xuất khẩu gạo mạnh trên thế giới.
Các cán bộ bộ nông nghiệp của các quốc gia như Nigeria, Ghana ra nước ngoài tuy chưa nhiều nhưng họ đã tới Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan và đồng bằng sông Cửu Long.
Các chuyên gia của Nigeria, Ghana, Burkina Faso, nhận xét đặc điểm sinh thái, thổ nhưỡng miền Nam Việt Nam gần giống với họ, cũng hai mùa nắng mưa, đất đai màu mỡ, chỉ khó do thiếu nước.
Một số ít bang ở Nigeria có hệ thống thuỷ lợi, nhưng hầu hết thiếu nước nên hiệu quả canh tác lúa thấp.
Ghana giống Biển Hồ Campuchia nhờ có hồ Volta, sinh thái hồ thuận lợi trồng lúa, đang được đẩy mạnh cơ giới hoá, nhập thiết bị chế biến lúa gạo.
Nước này đã đầu tư đồng bộ máy móc từ các khâu canh tác, xay xát lúa gạo tới lấy dầu cám… làm sản phẩm giá trị gia tăng.
Giai đoạn đầu, nhà nước hỗ trợ từ 30 – 70% cho các ý tưởng cơ giới hoá và khuyến khích lập Nhóm dịch vụ cơ giới.
Do đặc điểm bình quân đất đai nông hộ từ 0,3 – 3ha/hộ, diện tích trồng lúa bình quân khoảng 1ha/hộ, nên đầu tư từng hộ sẽ không hiệu quả so đầu tư nhóm dịch vụ.
Với hơn 195 triệu người, Nigeria là nước sản xuất lúa nhiều nhất châu Phi và cũng là nơi nhập khẩu gạo lớn nhất. Theo TS Tấn, diện tích nước này gấp hai lần Việt Nam, đất rất tốt, “khoai đậu không cần phân bón gì cả”.
Giá gạo thường tại Nigeria khoảng 30.000đ/kg, giới trung lưu mua gạo và thường chỉ ăn bữa tối. Gạo ngon (gạo thơm) có giá bán tương đương 80.000 – 90.000đ/kg, phần lớn là gạo trắng, gạo đồ nhập từ Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan. Hiện nay, mỗi năm, Nigeria có khả năng nhập khẩu từ 2,2 – 2,6 triệu tấn gạo.
Ghana rộng 239.460km2, dân số 27,4 triệu người, nông nghiệp chiếm 23% tổng sản phẩm quốc nội, 80% lúa gạo sản xuất ở khu vực phía bắc, phía đông và khu vực hồ Volta.
Mức tiêu dùng mỗi năm 2014 là 831.000 tấn, mỗi năm họ phải nhập khoảng 400.000 tấn gạo. Dự kiến mức tiêu thụ sẽ lên 1,4 – 1,6 triệu tấn/năm vào năm 2018.
Mục tiêu của Nigeria, Ghana là năm năm nữa sẽ tự túc lương thực và khoảng 7 – 10 năm tới sẽ bán gạo sang các nước châu Phi khác.
Với 5 triệu ha chưa được khai thác (78% diện tích đất trồng trọt) và bài toán tương lai của Ghana nhiều tham vọng với sự trợ giúp quốc tế, dù đi chậm nhưng họ sẽ làm được.
Chỗ đứng của gạo thường
Ghana không có chiến tranh, phát triển kinh tế thuận lợi hơn Nigeria. Hiện nay, tuy chỉ có nhà máy xay xát với công suất từ 3 – 20 tấn/ngày, nhưng máy móc nhập từ Ấn, Hàn, châu Âu… khá hiện đại.
Các máy Buller có mặt ở Tây Phi, giá bán máy đắt gấp 2 – 2,5 lần so giá của các nhà sản xuất của Việt Nam như công ty Bùi Văn Ngọ.
Quỹ Bill Gates và GIZ hỗ trợ tài chính rất mạnh cho hoạt động cơ giới hoá, nhờ đó các nước có điều kiện hoàn thiện chuỗi thiết bị với công nghệ hiện đại.
Điểm khác biệt của các quốc gia Tây Phi với Việt Nam trong ngành gạo là ở chỗ các nước này đang hoàn thiện công nghệ, thiết bị, chủ động vươn ra thị trường chứ không dựa vào chính phủ để tìm nguồn cung ứng như ở Việt Nam.
Còn điểm trùng hợp “chết người” giữa các nước Tây Phi và Việt Nam là ở chỗ các quốc gia này muốn tự túc lương thực từ điểm xuất phát là làm gạo thường để đủ ăn, nhưng loại gạo đó lại đạt chất lượng cao như chính loại các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu.
Trong khi thế giới gạo thơm còn rộng, nhưng lâu nay các doanh nghiệp Việt Nam dường như chỉ lo tập trung thị trường dễ tính, không tập trung làm thị trường. Vì thế, hệ quả, đến lúc nào đó sẽ không có chỗ đứng ở cả thị trường gạo thường lẫn gạo thơm.
“Nguy cơ đã là hiện thực rồi. Tái cơ cấu nông nghiệp là hiểu thị trường, đánh giá được các tác động, tính bao nhiêu triệu ha trồng lúa đủ sức nuôi dân mình, bảo đảm an ninh lương thực trong nước, còn lại chuyển sang trồng cây khác, giải quyết bài toán nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi thay vì phải nhập khẩu, nuôi thuỷ sản…
“Cả hệ thống chuyển động trong đó công nghệ, thiết bị được đầu tư đúng mức. Công nghệ, thiết bị, cơ giới hoá là cái mà hồi nào tới giờ mình không tập trung, làm không đồng bộ”, TS Tấn trăn trở.
Hoàng Lan
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này