12:40 - 24/11/2019
Câu chuyện của cô giáo trường làng
Trường làng không còn là hình ảnh thơ mộng cũ xưa xuất hiện trong văn học. Trường làng nay đáng được xếp hạng “nghèo”, nhưng vẫn gượng sống “cận nghèo”…
Năm nay, gặp cô giáo Thanh Yến, là giáo viên cấp 2 một trường trung học cơ sở ở Vạn Giã, cô nói: “Nhà trường nói sở không cho tổ chức ngày nhà giáo vào năm lẻ, chỉ cho tổ chức ở năm chẵn. Nhưng nhà trường vẫn dành một buổi cho các em với thầy cô gặp gỡ, thi cắm hoa, có văn nghệ ở sân trường vào đầu tuần. Đúng ngày nhà giáo thì thầy cô lên trường dự hội thảo, các em học sinh được nghỉ học. Bây giờ, ngày nhà giáo thầy cô sợ gặp học sinh đến nhà vì… ngại. Còn ở trường thì các em cũng mang hoa đến, nhưng hoa nhựa của cửa hàng bán đồ dụng cụ học tập trước cổng. Bà bán hàng cũng bỏ cây hoa nhựa vô cái bao ni lông đàng hoàng. Mỗi đứa mua một cây hoa nhựa đó vô tặng cô giáo”.
Khi tôi hỏi cô, làm thế nào để các thầy cô giáo chịu đựng được sức ép từ trên xuống (bộ, sở… giáo dục), và từ dưới lên (nhà trường, phụ huynh)? Cô nói, đơn giản lắm, tất cả là do… hiệu trưởng.
Ngày trước, trường có cô hiệu trưởng quá nghiêm khắc, giáo điều mà lại không công bằng (khen chê theo cảm tính), nên giáo viên đi dạy đều mang tâm lý… khó thở. Các thầy cô nói: “Ngán nhất là lúc bước vô cổng trường, vui nhất là lúc được ra về”. Những năm đó, học sinh cũng bị lây, các em học hành cũng nản, càng ngày học sinh học càng… tệ.
Mấy năm gần đây, trường có hiệu trưởng mới, tuổi bốn mươi, là nam, cũng còn trẻ trung nên thoáng hơn, giáo viên cũng dễ thở hơn, họ được thoải mái trong phương pháp giảng dạy, cho nên trường trở nên sinh động. Ngay bản thân cô cũng đã nghĩ làm thế nào để lớp học của cô được vui tươi. Cô còn tìm hiểu các lớp học ở Mỹ qua internet để cùng với học sinh trang trí và bàn thảo. Khi tôi nói liệu có có thể đặt một kệ sách nhỏ trong lớp cho các em học sinh được không, cô mừng lắm. Cô nói các em học sinh ở trường làng tội nghiệp lắm, đã không có sách để đọc, mà thư viện trường gặp cô thủ thư khó tính, hay nhăn nhó nên dù có phát thẻ thư viện từ đầu năm, nhưng không có đứa nào… can đảm lên đọc sách, huống chi là “dụ” các em đọc. Ngay cả cô cũng ngại, nên đi mua sách công cụ ở bên ngoài chứ không vào thư viện trường để mượn.
Cô cũng nói, ở trường là vậy, còn đối với phụ huynh bây giờ, cô… lo lắm. Lớp của cô có 37 em, nhưng có đến gần nửa lớp là cha mẹ ly dị, các em ở với ông bà, chú bác. Phần lớn các em đều không được quan tâm đến chuyện học hành. Có em nghỉ mười mấy ngày, cô đến nhà báo thì cha mẹ tỉnh bơ: “Thấy nó đi học mà, đâu biết nó nghỉ. Cô đi kiếm nó về giùm để nó về tui đánh chết nó”. Nghe vậy, cô giáo không dám nói gì nữa. Lòng buồn lắm mà không làm gì được.
“Nếu học sinh bị đuổi học hoặc ở lại lớp, cô có sợ bị ảnh hưởng thành tích không?” – “Chuyện đó ở trường làng nhiều mà, thầy cô nào thích thành tích mới sợ, chớ mình thì không. Mình chỉ lo làm sao để động viên em đó đi học được ngày nào hay ngày đó. Dù làm gì thì em ấy cũng phải tối thiểu học hết lớp 9 để còn đi học nghề, sau này còn có tương lai. Dù phải học lại mấy năm lớp 6 thì cũng phải học. Nhà trường có ép mình cho em lên lớp cũng không được. Nhưng phụ huynh thì khác. Chính phụ huynh là người đến năn nỉ, có khi còn doạ nạt để cho con họ được lên lớp, không thì họ… xấu hổ với chòm xóm. Họ còn nói chỉ cần nó lên lớp chớ không cần con họ… biết chữ”.
Ở đây, không chỉ học sinh nghèo, mà giáo viên cũng nghèo không kém. Cô Yến không chỉ đi dạy, năm ngoái cô cũng muốn làm thêm để kiếm thu nhập bèn bán hoa sen đất và hoa kiểng loại mini, cô cũng bán online, rồi cả quần áo cũ. “Nhiều người đặt hàng mà không đến lấy, thế nên chỉ có nửa năm mà lỗ vài chục triệu. Hết sạch tiền để dành, may mà ông xã thương thiệt, không phàn nàn nên cũng đỡ căng thẳng chuyện gia đình, giờ tôi nghỉ bán luôn rồi. Coi như tiền dành dụm đi hết, lại phải đi dạy thêm. Lịch dạy thêm kín cả tuần, mệt lắm, nhưng cũng không thể kiếm tiền bằng cách khác. Lương giáo viên ở đây thì chị biết rồi đấy. Nhất là mấy thầy cô không dạy môn chính, không dạy thêm được, sống chật vật lắm, phần lớn đều phải tìm cách buôn bán để sống, vậy nên tâm lý đi dạy của họ cũng rất… thờ ơ. Đến trường dạy cho xong để về nhà làm việc khác. Học sinh muốn học thì học, không học thì thôi, họ cũng không quan tâm lắm”.
Chuyện với cô giáo nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2019, các bạn nghe có thấy quen quen không, ví như chuyện của cách đây mười năm, hai mươi năm trước?
Thái Thảo (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Tài nguyên bản địa và chuyện của chúng ta
‘Tiếng lúa’ và ‘Dinh heo’ bắt tay với Cỏ May
TP.HCM phát triển trong ngập lụt
TP.HCM: Sẽ áp giá thị trường làm cơ sở cho đền bù giải phóng mặt bằng?
TPHCM: Từ 1/9, giá gas tăng 500 đồng/kg
Tags:cô giáo trường làng
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này