
09:01 - 16/01/2017
Cần cái đầu ‘hữu cơ’ để trồng rau hữu cơ
Cho đến nay, Organica vẫn là một trong năm trang trại rau tại Việt Nam đạt được chứng nhận hữu cơ của bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Liên minh châu Âu (EU) vào cuối năm 2015.

Trang trại rau hữu cơ Organica rộng 2 ha, nhưng nhìn giống một cánh đồng thu nhỏ. Chỗ này là nông dân dùng máy cày nhỏ để xới đất. Chỗ kia hai phụ nữ đang tỉa luống rau cải để trồng sang luống bên cạnh. Ảnh: HB.
Organica bắt đầu làm nông nghiệp hữu cơ từ năm 2013, và phải mất hơn hai năm trang trại của họ mới đạt chuẩn hữu cơ quốc tế. Nhưng theo bà Phạm Phương Thảo, chủ nhãn hiệu rau hữu cơ Organica, Đồng Nai, đó vẫn là may mắn vì khu đất làm trang trại ở Long Thành đã được bỏ không gần mười năm, nên đáp ứng gần như đủ các điều kiện ban đầu của một trang trại hữu cơ.
Nếu mảnh đất đang được canh tác theo phương thức hiện nay là dùng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu, trừ cỏ thì nhiều khả năng, sẽ không thể làm hữu cơ được, hoặc tốn thêm nhiều thời gian và công sức. Trước khi trồng trọt, công ty cũng phải lấy mẫu đất, mẫu nước để đem đi phân tích các chỉ tiêu lý hoá xem có đủ điều kiện để trồng rau hay không.
Làm nông dân hữu cơ
Từng bỏ ngang nghề xây dựng để làm nông dân hữu cơ, ông Lê Toàn, quản lý trang trại Organica, kể lại thời điểm mới nhận đất, cỏ mọc cao quá đầu người. Làm hữu cơ tốn kém nhất là giai đoạn cải tạo đất ban đầu. Phải cho máy cày cỡ lớn cày đi cày lại ba lần mới hết cỏ và lật được lớp đất cứng lên.
Hơn một năm sau, trang trại chủ yếu dùng phân gà ủ hoai để rải lên đất làm tăng chất mùn, chất dinh dưỡng, trồng các loại đậu để cải tạo đất. Việc trồng rau phải làm từ từ vì vừa làm vừa học, cũng như làm ra nhiều không biết bán đi đâu.
Ông Toàn kể, ban đầu ông thuê hơn chục người đang trồng rau ở quận 12 và Hóc Môn (TP.HCM) về làm, vì nghĩ rằng họ kinh nghiệm. Tuy nhiên, làm hữu cơ và trồng rau thường khác nhau. “Trồng rau thường thì dùng phân bón với hoá chất kiểu gì cũng được nên khá nhàn. Còn làm rau hữu cơ cực khổ hơn nên nhiều người chỉ ở một thời gian ngắn rồi xin nghỉ”, ông Toàn cho biết.
Nhiều nông dân được thuê về làm thắc mắc tại sao công ty này cứ để cỏ mọc um tùm, lấn át cả rau, rồi lại phải nhổ cỏ bằng tay, tốn thời gian. Trước đây, họ chỉ cần phun một hai đợt thuốc trừ cỏ trước khi làm đất là vườn rau sạch bóng không còn cây cỏ nào.
Ông Nguyễn Văn Cường, quê ở Nam Trực, Nam Định, một trong số ít những công nhân còn gắn bó với vườn từ ngày đầu, cho biết, ban đầu ông rất ngạc nhiên vì trồng rau ở đây dùng quá ít phân bón. Toàn bộ nguồn dinh dưỡng cho cây đều lấy từ nguồn phân gà ủ hoai thành phân hữu cơ, và đến mùa mưa có thêm một loại phân bón lá nhập khẩu từ Mỹ.
“Nếu so với rau chúng tôi trồng trước đây ở quận 12 thì cây rau hữu cơ nhỏ hơn và không đẹp bằng, năng suất rất thấp”, ông Cường nói.
Xử lý sâu bệnh cũng làm cho nông dân mới đến không khỏi thắc mắc. Thông thường, với cách làm của họ, thuốc trừ sâu trừ cỏ được phun định kỳ theo kiểu phòng ngừa dù có sâu bệnh hay là không. Và khi phát hiện sâu bệnh, họ lại dễ dàng mua thêm thuốc từ các điểm bán hoá chất bảo vệ thực vật ngay gần đó để xử lý.
“Đó là lý do vì sao người ta gọi cách làm nông nghiệp hiện nay là nông nghiệp tiện lợi. Chỉ cần ra hiệu thuốc là vấn đề của nông dân sẽ được xử lý nhanh chóng. Còn làm nông nghiệp hữu cơ thì khác hẳn. Vấn đề nếu có xảy ra thì rất khó giải quyết, tốt nhất là phòng tránh chúng”, ông Toàn chia sẻ.
Sự khác biệt không dễ nhận biết
Nông nghiệp hữu cơ tuân thủ theo các nguyên tắc cơ bản là không sử dụng phân bón hoá học, không thuốc trừ cỏ, trừ sâu hoá học, không sử dụng chất kích thích hay hormone tăng trưởng, không chất bảo quản hay phụ gia hoá học, và không dùng giống hay thành phần có nguồn gốc biến đổi gene (GMO).
Có sự tương đồng rất lớn giữa làm nông nghiệp hữu cơ ngày nay với cách làm nông nghiệp của người Việt Nam cách đây trên 50 năm. Khi đó, người dân chưa biết đến phân đạm, phân lân hay thuốc trừ sâu, trừ cỏ. Toàn bộ dinh dưỡng đưa vào là các loại phân xanh, là bèo hoa dâu, là rơm rạ, tro trấu… và sâu bệnh sẽ được xử lý bằng các biện pháp thủ công như làm ngập nước, rải vôi bột, còn lại để tự nhiên quyết định.
Nông nghiệp hữu cơ ngày nay cũng dựa vào nền tảng không hoá chất nhưng có kiểm soát hơn. Có thêm nhiều “công nghệ” được sử dụng như hệ thống nhà lưới để tránh côn trùng, giảm tác hại của mưa, hệ thống tưới tự động giúp giảm công tưới. Nhưng, những nguyên tắc như làm đất kỹ trước vụ mới, trồng luân canh và xen canh để giảm thiểu sâu bệnh vẫn được áp dụng và gần như là bắt buộc.
Người nông dân hữu cơ hiện đại có thể sáng chế ra các loại thuốc đuổi sâu và côn trùng từ những thảo dược quanh vườn như dung dịch tỏi, ớt, rượu, hạt neem, men vi sinh… để hạn chế tác hại. Tuy nhiên, theo ông Lê Toàn, những biện pháp đó để phòng ngừa hay xua đuổi là chính chứ không thể loại bỏ sâu bệnh.
Và cho đến tận bây giờ, vẫn còn có những thời điểm trong năm nông dân tại trang trại hữu cơ Organica phải cắt bỏ toàn bộ những luống rau sắp đến thời điểm thu hoạch để chôn lấp hoặc cho heo ăn, vì sâu bệnh vượt ngưỡng kiểm soát.
Bà Thảo cho hay, những lần đầu tiên thì nông dân không hiểu sao lại lãng phí như vậy. Họ nghĩ đơn giản rằng, chỉ cần mua thuốc về xịt là có thể cứu được cả vườn rau. Nhưng: “Nếu tặc lưỡi và thoả hiệp với chính mình rằng chỉ một lần rồi thôi, toàn bộ công sức và thời gian bỏ ra cũng sẽ mất. Làm nông nghiệp hữu cơ bắt đầu bằng một triết lý bền vững, và bền vững đầu tiên bắt đầu bằng sự trung thực và minh bạch”, bà Thảo nói.
Đó là lý do tại sao toàn bộ quy trình từ ủ phân, làm đất, trồng rau, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói, vận chuyển và bán tại cửa hàng của Organica đều được ghi chép thành hồ sơ, số hoá trên phần mềm truy xuất nguồn gốc để khách hàng dễ dàng tiếp cận.
Trên mỗi bó rau của Organica, đều có một mã QR code, khách hàng chỉ cần dùng điện thoại đọc mã này là biết toàn bộ thông tin về bó rau đó từ lúc trồng đến lúc bán. Toàn bộ quy trình và thông tin này sẽ được đơn vị chứng nhận đến kiểm tra và kiểm toán hàng năm. Nếu không đạt, trang trại sẽ bị mất chứng nhận.
Bảo Anh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này