10:14 - 15/01/2017
Cách mạng công nghiệp 4.0, cuộc đấu trí lực giữa máy và người
Theo đánh giá của các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ập đến ngay trước mắt doanh nghiệp, vừa là điện tử thông tin, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, tự động hoá… nhưng doanh nghiệp Việt vẫn còn một khoảng cách khá xa, chỉ mới đang ở giai đoạn 2, tức là điện khí hoá.
Điều đầu tiên có thể thấy chính là nguy cơ robot thay thế lao động phổ thông. ILO cảnh báo trong 10 năm tới, 86% lao động Việt Nam trong ngành da giày có thể bị mất việc vì robot. Hiện Việt Nam có khoảng 55,5 triệu người trong độ tuổi lao động, đa số trình độ phổ thông, và đây chính là đối tượng bị robot thay thế công việc nhiều nhất.
Không chỉ vậy, robot, với khả năng học hỏi của trí tuệ nhân tạo, có thể thay thế công việc của rất nhiều chuyên gia trong thời gian tới, từ những công việc của bác sĩ trong ngành y tế, đến các công việc đòi hỏi cả cảm xúc, tình cảm…
Bao cuộc cách mạng là bấy nhiêu lần con người đối diện với sự cạnh tranh của máy móc, nhưng rồi tất cả đều vượt qua, chẳng những không bị mất việc mà còn tận dụng được sức mạnh mới để tăng năng suất, mang lại thêm nhiều giá trị cho xã hội.
Vậy liệu lần này, với cuộc cách mạng 4.0, mối đe doạ mất việc có thành hiện thực, hay con người, sẽ lại đi tìm cho mình những giá trị mới, tiếp tục bắt máy móc làm việc cho mình, và các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng…?
Nhưng các nguy cơ vẫn còn đó. Lao động phổ thông vẫn chiếm phần lớn công việc ở Việt Nam. Năng suất lao động của Việt Nam vẫn quá thấp so với các quốc gia trong khu vực. Số liệu của tổng cục Thống kê cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 4,4% so với Singapore, 17,4% so với Malaysia, 32,5% với Thái Lan, 48,5% với Philippines và 48,8% của Indonesia…
Hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra trong toạ đàm Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng phó của doanh nghiệp trong thời đại đổi thay do báo Thế Giới Tiếp Thị kết hợp với câu lạc bộ Quản trị và Khởi nghiệp tổ chức nhân dịp Xuân 2017.
4.0 không chừa ai
Anh Trần Xuân Hải, CEO công ty Missionier, cho rằng cuộc cách mạng 4.0 ảnh hưởng đến mọi ngành nghề, từ sản xuất đến dịch vụ, gây nguy cơ mất việc làm lớn không chỉ với lao động phổ thông, mà với cả nguồn nhân lực cao cấp.
Khi máy móc hiểu được cảm xúc, cùng với việc học hỏi rất nhanh, lao động phổ thông dường như chịu sự cạnh tranh mất việc. Các cửa hàng ở nhiều nơi hiện đã không cần nhân viên bán hàng. Robot sẽ thay bác sĩ chẩn đoán bệnh…
“Ngay cả những nhà tài phiệt giỏi giang cũng không dự đoán nổi bởi sức mạnh của sự kết nối. Toàn thế giới cũng giống như chúng ta, đang mơ hồ vì sự phối hợp các ngành với nhau. Trong cuộc chạy đua này, kể cả những người đang què quặt vẫn có thể về trước, vấn đề ở đây là tốc độ. Chúng ta nhìn thấy cơ hội và khai thác nhanh hơn thì thắng”, anh Hải nhận định.
Anh Nguyễn Hoàng Văn, CEO công ty MassS Group, lo lắng: “Khi máy móc học được, rút kinh nghiệm được, không phạm sai lầm, thông minh hơn con người… Nếu con người thiếu tư duy, thiếu sáng tạo, thiếu kỹ năng giao tiếp sẽ không đấu được với máy. Nhưng nhược điểm lớn của người lao động Việt Nam xưa giờ vẫn giấu nghề, để thay đổi tư tưởng, phải nghĩ đúng để tiếp cận”.
Anh Đinh Duy Linh, giám đốc trung tâm Đào tạo bưu chính viễn thông 2, học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, nhấn mạnh rằng áp lực lên tất cả các ngành, nhất là dịch vụ, vì hành vi, thói quen của người tiêu dùng liên tục thay đổi. “Ngành đào tạo tưởng chừng ít bị ảnh hưởng nhất lại có thể áp lực nhất. Giá trị xã hội đầu tư vô đào tạo rất lớn nhưng không nằm ở Việt Nam, mà chạy hết ra nước ngoài”.
Tìm cơ trong nguy
Theo lời anh Văn thì trong một thế giới phẳng nhiều lúc không cần phải sáng tạo gì cho ghê gớm mà chỉ cần tổng hợp những thứ thế giới đã làm, cũng đã hụt hơi. Điều cần thiết của mỗi người, nhất là các lao động trẻ, chính là khát vọng và đam mê thay đổi, và đó mới là giá trị sáng tạo.
Anh Nguyễn Tuấn Khởi, CEO VTVcorp.vn, một doanh nghiệp xã hội suốt bảy năm nay đồng hành với chương trình hiến máu nhân đạo và nhiều chương trình ý nghĩa khác, cho biết: “Ngay cả công việc cứu trợ cũng rất cần công nghệ. Chúng tôi đang thiết kế trang SOS Quảng Bình, phát triển cả app với đầy đủ thông tin gợi ý phân vùng, huyện, gợi ý từng hộ cá nhân cho người tham gia cứu trợ nhằm kết nối giúp công tác cứu trợ được thuận lợi, khoa học và minh bạch hơn. Khi công nghệ 4.0 vào rồi, phải tập trung vào trọng tâm giá trị cốt lõi của mình, những gì không thuận tay có thể thuê ngoài”.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, giám đốc công ty Anh Huyên Việt Nam, người theo đuổi việc áp dụng công nghệ vào lĩnh vực y tế, cho biết: “Tôi nghĩ đỉnh cao cuối cùng mà ngành y tế hướng đến là phòng bệnh chứ không phải chữa bệnh, và Nhật Bản hiện đang làm rất tốt điều đó. Công nghệ sẽ giúp chẩn đoán bệnh từ xa với chi phí thấp, không cần mất cả ngày xếp hàng và nhiều triệu đồng cho một lần khám định kỳ như hiện nay. Cách mạng 4.0 sẽ giúp ngành y tế tạo lập chuỗi giá trị, chăm sóc sức khoẻ con người từ tất cả các khía cạnh liên quan như thói quen sinh hoạt, ăn uống, tập luyện, bổ sung các chất thiết yếu, phòng bệnh, chữa bệnh… một cách đơn giản, chuẩn xác và ít tốn kém nhất.
Phạm Anh Tuấn, trưởng phòng đào tạo PNJ, cho biết: một công nghệ mới đang đe doạ ngành kinh doanh kim cương, là kim cương nhân tạo CVD. Công nghệ sản xuất kim cương nhân tạo hiện đã đạt tới trình độ mọi tính chất lý hoá giống y kim cương thiên nhiên, và kim cương nhân tạo đã được đưa vào sản xuất trang sức. Dùng bút thử kim cương cũng không thể phát hiện ra được.
Vậy là, PNJ một mặt cảnh báo, một mặt nghiên cứu và cập nhật các thông tin, và các thiết bị máy móc kiểm định hiện đại. Hãng cũng đã đầu tư những máy tự động chạy 24 giờ/ngày, năm 2016 cán mốc sản lượng trên 2 triệu sản phẩm. Gần như không tăng nhân công, nhập máy móc về, thu nhập nhân công mỗi năm tăng khoảng 10%. PNJ hiện có hơn 200 cửa hàng, nhưng đang nhìn mô hình bán hàng tự động của Amazon để tiến tới.
Chị Nguyễn Lê Dung, giám đốc công ty Định hướng và phát triển tiềm năng KLD: “Sinh trắc học dấu vân tay” là ngành kinh doanh tôi đang theo đuổi, giúp chúng ta hiểu chính bản thân mình, phát triển tiềm năng cá nhân. Ngành này rất tiềm năng nhưng có hạn chế vì phải sử dụng con người đọc và phân tích dấu vân tay, tốn khá nhiều thời gian chờ đợi của khách hàng. Nếu dùng công nghệ đọc dấu vân tay thì độ chính xác sẽ tăng lên, hạn chế độ sai sót do con người, và thời gian rút ngắn từ 7 – 10 ngày xuống còn 10 – 15 phút. Theo đó, giá thành của sản phẩm cũng giảm theo, giúp cho nhiều khách hàng có thể tiếp cận sản phẩm rất giá trị này. Chúng tôi phối hợp theo chuỗi giá trị. Theo tôi nền kinh tế chia sẻ sẽ phân công hoá rất cụ thể cho năng lực của từng người tham gia trong chuỗi, để tạo nên sức mạnh”.
Điều mà các doanh nhân trẻ thống nhất với nhau là các doanh nghiệp chỉ nên làm tốt nhất trong năng lực của mình trên một vài khâu của chuỗi. Nhưng vấn đề là đừng để bị vuột ra khỏi chuỗi đó.
Anh Hải cũng đưa ra cảnh báo: “Ở cách mạng 4.0 không ai nhìn đường xa cả. Nhìn đường gần thì còn thấy đường. Nhìn sang ngành khác là đổ mồ hôi hột, không hình dung nổi. Do đòn bẩy công nghệ rất mạnh, đi một bước, xài tốt một bước mang lại lợi rất nhiều. Cơ hội sẽ đến với công ty dám bước, dám dò đường từng bước, làm tiếp đòn bẩy bước thứ hai sẽ tăng tốc theo cấp số nhân”.
Vượt qua lực cản
Từng là người đi tư vấn công nghệ, anh Linh cho rằng một trong những rào cản khi triển khai cuộc cách mạng này chính là bản thân mình:
“Có ba loại ông chủ. Thứ nhất cản trở hoàn toàn, cứ đưa công nghệ vào là họ đẩy ra. Loại thứ hai là cực kỳ thần tượng công nghệ, cứ nghĩ có công nghệ là giải quyết được tất cả mọi thứ! Kiểu thứ nhất khó nhằn nhất, nhưng kiểu thứ hai… mới để lại hậu quả khủng khiếp nhất, vì đặt hết trách nhiệm vào công nghệ mà quên mất chỉ có những gì quy trình được thì mới lập trình được. Trong khi để ứng dụng công nghệ thành công thì phương pháp triển khai, biện pháp tổ chức thực hiện là quan trọng và ý chí lãnh đạo để trên dưới một lòng là yếu tố then chốt quyết định thành công. Kiểu thứ ba là những ông chủ biết mình cần gì và biết công nghệ chỉ là một công cụ hiệu quả giúp mình đạt được mục tiêu thì sẽ thành công”, Đinh Duy Linh đúc kết sau quá trình đi tư vấn công nghệ của mình.
Theo vị chuyên gia này, nhận định nguồn nhân lực đang là một lực cản lớn. Con số 200.000 cử nhân thất nghiệp mỗi năm, nhiều trong số đó là ngành công nghệ thông tin… là một thực trạng. Dù bất cứ lý do gì nữa, những con người đó “được đẩy” ra trường, ngày tốt nghiệp cũng là ngày thất nghiệp vì không đủ năng lực làm việc. Vậy mà, các công ty công nghệ thông tin lại tiếp tục chuỗi ngày than: không tuyển được người. Giữa lúc đó thì cơn bão cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tràn đến. Nhân lực đào tạo trong nước khó kiếm, lẽ tất yếu là đi tìm nơi khác. Các doanh chủ cũng đổ tiền đi học MBA này nọ, nhưng hiệu quả cũng là một dấu hỏi, trong khi tiền bạc cứ chảy ra nước ngoài.
“Liệu có cách khác để họ có được kiến thức tiêu chuẩn quốc tế mà còn có kỹ năng “tác chiến” theo thực tiễn Việt Nam và khu vực, mà tiền đầu tư cho đào tạo ít chảy ra nước ngoài hơn không?” Câu hỏi đó cũng là một tâm tư, và là động lực để Linh sẽ “làm một cái gì đó”.
Trí khôn máy vs trí khôn người?
“Không ít công ty cứ nghĩ có công nghệ là xong, thực ra phải chuẩn bị từ chiến lược”, anh Phi Long, sáng lập NÂU, chia sẻ. Anh nói: “Dạo gần đây tôi có duyên với mảng nhân sự. Quản lý 50 nhân viên thì đơn giản, nhưng đến 2.000 – 3.000 người thì làm sao tuyển, giữ người? Làm sao truyền thông điệp nhanh nhất? Đó là “Ứng dụng nhân sự để câu kéo và tẩy não”. Trí thông minh nhân tạo có thể đo được khi nào họ sẽ nghỉ, mùa nào họ bắt đầu nhảy việc để chuẩn bị ứng xử kịp thời…”
Anh Hải của Missionier cho biết đang “ủ mưu” cho “Người mang sứ mệnh”: “Là dân lập trình bỏ nghề, nói đến chuyện sáng tạo, đưa ra giá trị mới cho xã hội phải nghĩ đến công nghệ, nhưng đụng đến ông sếp hoặc từ chối ngay, hoặc quá kỳ vọng cũng gãy. Vấn đề con người nặng nề hơn công nghệ. Từ con người mới tạo ra cộng đồng. Nếu không hoặc quá mơ mộng, hoặc bị tẩy chay”.
Hải tâm sự, công ty mới của mình với tên “Người mang sứ mệnh”, chuẩn bị đã bảy năm nay, “mong muốn giúp cho mọi người có được kiến thức chất lượng nhưng giá cực rẻ”. Tham vọng của chàng trai sinh năm 1970 này là “sửa đổi lại cách học, đưa việc học đến mobi, phần mềm công nghệ sẽ giúp cho việc học và cả việc hành, để người dùng có thể học mọi nơi mọi chỗ, với giá cực kỳ rẻ, ‘giống như học MBA bằng giá mua tờ báo Tuổi Trẻ’ ”. Sự xuất hiện của cuộc cách mạng 4.0 sẽ giúp thực hiện được điều đó.
Khởi nghiệp tại Singapore năm 2014, nhưng thất bại, Phi Long trở về làm lại từ đầu vì hai chữ “Việt Nam”. Anh chia sẻ: tôi gặp nhiều người Việt Nam giỏi ở Singapore. Câu hỏi là vì sao ở bển họ giỏi, nhưng về Việt Nam lại khác? Môi trường? Hay tư duy? Lúc đầu, tôi cũng về Việt Nam làm cho vui thôi, không nghĩ phát triển cái gì lớn. Duyên đưa đẩy, công ty ngày càng mạnh. Tôi phát hiện ra một khác biệt lớn về tư duy làm việc giữa người Việt với người nước ngoài. Người Việt Nam cứ làm hết giờ về, còn người ta làm vì chính tên tuổi của họ chứ không phải làm việc để kiếm cơm. Điều thứ hai là các nhân sự thiếu kỹ năng. Nhân sự tuyển vào tôi phải huấn luyện lại hoàn toàn. Bước tiếp theo tạo vườn ươm công nghệ, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng để làm việc với các bạn startup. Phải có nội lực trước, dù “ăn đấm” nhiều nhưng có nội lực mới có sức bật xa hơn. Quay lại con người, chính CEO và nhân viên mới quan trọng. CEO mà không dẫn dắt được mọi người cùng đi theo cũng thua. Cuối cùng vẫn là làm việc với con người.
Ông Lâm Minh Chánh, chủ tịch công ty Đầu tư và thương mại LMC, đồng sáng lập Group và câu lạc bộ Quản trị và Khởi nghiệp: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể đuổi kịp doanh nghiệp các nước khác”
Chúng ta hãy nhìn vào các doanh nghiệp sau của thế giới mà phấn đấu. Agoda là công ty kinh doanh khách sạn lớn nhất mà không sở hữu một khách sạn nào. Hầu hết các khách sạn đều muốn có mặt trong Agoda, để vừa là làm thương hiệu vừa tăng doanh số, vì Agoda có lượng khách hàng khổng lồ. Uber kinh doanh vận chuyển khách, tương tự như taxi nhưng không sở hữu bất kỳ một chiếc xe nào. Phần mềm Uber đã đóng vai trò như một tổng đài taxi, kết nối giữa người có xe và người muốn đi nhờ.
Đối với ba cuộc cách mạng công nghiệp trước, Việt Nam luôn là người đi sau. Chỉ có cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này, dù chậm, nhưng Việt Nam xem như còn có hy vọng, tham gia cuộc đua ngay từ vòng đầu. Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng công nghiệp, suy nghĩ sáng tạo để tạo ra những doanh nghiệp 4.0, những doanh nghiệp sáng tạo, được gọi là “từ zero đến one”. Điều quan trọng nhất là chúng ta, những doanh nghiệp thời đại 4.0 phải có tư tưởng 4.0 và luôn học tập.
Ví dụ, bản thân tôi phải hỏi và học rất nhiều mới biết về Big Data, Fintech, về Blockchain…
Không chỉ tự học, chúng tôi đã tạo ra Group Quản trị và Khởi nghiệp bao gồm 37.000 thành viên là doanh nhân, người mới khởi nghiệp và cấp quản lý để giúp mọi người học hỏi lẫn nhau. Với sự hỗ trợ tương tác của Facebook, Group Quản trị và Khởi nghiệp với 37.000 thành viên thật sự là một tổ chức học (learning organization) của cộng đồng quản lý, doanh nhân và người mới khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Huy, CEO PepsiCo Foods Việt Nam: “Những doanh nghiệp đầu tàu có thể dẫn dắt cuộc chơi”
Hiện tại doanh nghiệp Việt Nam phần nhiều vẫn sử dụng công nghệ cũ đòi hỏi nhiều nhân lực, vốn chỉ phù hợp khi quy mô sản xuất nhỏ, lợi thế giá nhân công thấp và được hỗ trợ với giá năng lượng và xử lý môi trường rẻ (điện/nước). Những lợi thế này sẽ thay đổi khi tỷ lệ tăng lương hàng năm của Việt Nam đang đứng đầu thế giới, áp lực cân đối ngân sách sẽ dần giảm những hỗ trợ về giá năng lượng và môi trường, như đã thấy trong thời gian qua. Đây chính là cái bẫy thu nhập trung bình, xuất phát từ chính bộ phận doanh nghiệp. Khi mất dần lợi thế thì tính cạnh tranh giảm.
Vấn đề thiết yếu đặt ra là một lộ trình thay đổi công nghệ chủ động cũng như tư duy công nghệ phù hợp, với lộ trình tăng lương tương quan với quy mô sản xuất của doanh nghiệp. Rất khó để đòi hỏi doanh nghiệp ngay lập tức đầu tư và sở hữu những công nghệ hiện đại và tự động, vốn đòi hỏi đầu tư ban đầu cao và trình độ lực lượng lao động chất xám cao. Tương tự như câu chuyện công nghệ của Foxcom – hãng sản xuất gia công cho iPhone: họ vẫn phải bắt đầu từ việc sử dụng lợi thế nhân công giá rẻ của Trung Quốc – nhưng đến khi đạt quy mô lớn và bền vững, kết hợp với tiềm lực tài chính mới, họ mạnh dạn chuyển đổi sang tự động hoá để giảm bớt phụ thuộc vào lợi thế nhân công.
Là một quốc gia phát triển sau, chúng ta nên nhấn mạnh rằng chính gia công đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của Việt Nam từ sau Đổi mới cho đến nay, và trong thời gian tới thì đây vẫn sẽ là một thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng để tiếp tục phát triển, phải vươn lên để có thể mang lại những giá trị hiệu quả hơn trong chuỗi cung ứng của các sản phẩm.
Xác định ưu tiên trong việc sở hữu những ưu thế mà Việt Nam có thể đạt được trong những chuỗi giá trị, đòi hỏi vai trò định hướng của Nhà nước và đặc biệt là các hiệp hội ngành nghề. Chúng ta có rất nhiều hiệp hội, nhưng vai trò khá mờ nhạt. Nên chăng các hiệp hội tập trung vào việc nhận diện các giá trị trong chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sở hữu (upward and downward), từ đó có những hỗ trợ và bước đi cụ thể. Những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tàu cũng có thể phát huy và dẫn dắt cuộc chơi.
Ông Đỗ Long, tổng giám đốc công ty Bita’s, chủ tịch câu lạc bộ Quản trị và Khởi nghiệp: “Kinh tế tư nhân là lực lượng chủ yếu để thực hiện cuộc cách mạng 4.0”
Hơn một năm nay chúng tôi đã nghiên cứu, thay thế dần một số công đoạn dính đến hoá chất độc hại và có lộ trình để nói với công nhân. Trong hai năm nay tôi đi dự hội chợ robot ở Thái Lan, Las Vegas, và khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp đi chung với nhau để thấy được chuyển biến của toàn thế giới, biết người ta đã đi đến đâu. Chuẩn bị tinh thần tiếp cận cái mới, tạo cơ chế cho lớp trẻ, liên lạc với FPT, các quỹ khoa học châu Âu, châu Á… để gửi người qua đào tạo.
Hiện tại các giáo sư truyền thống cũng rất khó khăn, vì các công ty tập đoàn lớn đều có viện đào tạo, trực tiếp vào 4.0 luôn. Tương lai chuyện của Việt Nam không phải là các trường đại học nữa, mà là cá biệt hoá giáo dục. Tháng giêng này tôi đưa con vào viện Kỹ thuật cao ở Đài Loan, vì ở đó có nhiều phòng thí nghiệm để tiếp cận với nhiều người trong nhiều quốc gia…
Rất tiếc điều này chỉ xảy ra ở một vài công ty chứ chưa thành xu thế. Nếu không đủ điều kiện khơi dậy doanh nghiệp kiến tạo, cũng phải có cách nào đó cho doanh nghiệp tiếp nhận cuộc cách mạng này.
Theo tôi biết, rất nhiều sinh viên giỏi của Việt Nam qua Singapore khởi nghiệp, đương nhiên sau một thời gian cũng có số quay trở lại. Làm sao nguồn lực quý hiếm của đất nước thấy được ánh sáng? Chính sách Nhà nước mấy năm nay vẫn loay hoay, chưa bộc lộ được sự hỗ trợ tích cực để lực lượng trẻ có tinh thần khởi nghiệp. Cách đây mấy chục năm tại Singapore, cuộc họp nội các nào cũng có ông Lý Quang Diệu tham gia hết. Ông ngồi lắng nghe và cuối cùng đưa ra quyết định ngay. Ở London, một thị trưởng đã bỏ thời gian đi xe điện ngầm cả tháng, để rút kinh nghiệm, rồi mới thay đổi chính sách. Nạn ngập lụt ở TP.HCM cũng vậy, phải có lộ trình và người lãnh đạo phải đứng ra quyết. Nếu người đứng đầu và người trí thức có lòng yêu nước và có chính sách để nhìn xa thì đất nước luôn là thượng đẳng.
Kinh tế tư nhân là lực lượng chủ yếu để thực hiện cuộc cách mạng 4.0. Nhà nước phải có hẳn một chính sách hữu hiệu để lực lượng 4.0 này tự hào, tìm mọi cách tiếp cận nhanh với khu vực. Cuộc cách mạng này không chờ ai, buộc Nhà nước phải trả lại vị trí chủ sở hữu cho doanh nghiệp tư nhân, cho họ tự do hoạt động sáng tạo, tự do cạnh tranh, tự do sở hữu. Xem xét lại vai trò của các hội, trả lại tự do cho các hội ngành nghề để giúp doanh nghiệp nhanh chóng hoà nhập theo cuộc cách mạng 4.0.
Kim Yến ghi
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này