
10:08 - 23/08/2017
Các chủ trại gà đẻ ở Việt Nam khẳng định: ‘Không xài Fipronil để trừ mạt như nông dân Hà Lan’
Hong Kong phát hiện Fipronil trong trứng gà nhập khẩu từ Hà Lan, nơi gây ra vụ bê bối khi có tới 180 trang trại nuôi gà đẻ bị phát hiện nhiễm chất độc… Hàn Quốc lại phát hiện ngay trên đất mình.
Việt Nam cũng nuôi gà đẻ với số lượng lên đến hàng chục tỉ quả mỗi năm, các vụ trên là lời cảnh báo để người chăn nuôi muốn tồn tại phải đàng hoàng.
Việt Nam cho lưu hành Fipronil
Đến thời điểm này, cơ quan chức năng chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm Fipronil. Fipronil được dùng rộng rãi trong thú y để diệt trừ bọ chét, ve, mạt. Với các trang trại gà đẻ, do tính chất nuôi nhốt mật độ cao nên thường sinh mạt, các chủ trại phải pha Fipronil phun sương trực tiếp vào trại để diệt. Do Fipronil có tính bền vững, không dễ bị phân huỷ và có thể hoà tan trong chất béo, nên khi con gà ăn hoặc uống nước có Fipronil sẽ bị tích tụ trong cơ thể, dẫn đến thịt và trứng bị nhiễm Fipronil.
Từ lâu, châu Âu cấm sử dụng Fipronil trong chăn nuôi. Tuy nhiên, Fipronil được bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho phép sử dụng để trị bọ chét và ve trên chó, mèo chứ không dùng trị mạt cho gà đẻ.
Các chủ trại ở miền Đông và miền Tây đều khẳng định chưa bao giờ sử dụng Fipronil. Ông Nguyễn Ngọc Khoa, chủ trại gà đẻ hơn 500.000 con ở Đồng Nai, nói thời gian gần đây đa số các trại gà đẻ được đầu tư chuồng kín có gắn máy lạnh, môi trường nuôi khá tốt nên dù mật độ thả dày thì cũng không có mạt. Ông Bảy Đoàn, chủ trại gà ở Tiền Giang, cũng khẳng định các trại gà đẻ phòng trừ mạt bằng phương pháp an toàn sinh học. Nghĩa là chủ trại đầu tư trang thiết bị, chuồng trại khá hiện đại. Con gà đẻ ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài, được cho ăn chế độ dinh dưỡng tốt, tiêm phòng bệnh đầy đủ nên sức đề kháng ổn định. Do đó, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ bên ngoài hay phát sinh mạt là hoàn toàn không có.
Bỏ thói quen làm ăn bẩn
Từ vụ bê bối Fipronil ở EU, người chăn nuôi cần rút ra bài học trong bất cứ trường hợp nào cũng phải đặt lợi ích người tiêu dùng – những người nuôi sống họ – lên trên hết.
Còn nhớ cách nay chưa lâu, một đối tác Nhật qua Việt Nam tìm mua trứng cút, đi khắp nơi kiểm tra các trang trại, cuối cùng họ chọn một nơi để hợp tác. Thời gian đầu, đối tác Nhật phải cử nhân viên kỹ thuật qua hướng dẫn tỉ mỉ cách chăn nuôi. Nguyên tắc tuyệt đối không sử dụng kháng sinh hay bất kỳ thứ chất gì có hại cho sức khoẻ con người. Ấy vậy mà, sau vài lô hàng xuất qua đã phát hiện có kháng sinh. Truy ngược lại thì chủ trại khẳng định không xài, công ty bán cám cũng cương quyết nói không. Tuy không bỏ hẳn nhưng từ đó, đối tác Nhật phải kiểm tra ngặt hơn, từ trại nuôi đến khâu chế biến, xuất lô nào kiểm tra lô đó.
Fipronil hay bất cứ loại hoá chất, kháng sinh nào cũng có tính hai mặt, tích cực và tiêu cực. Dù cục Thú y đã ban hành danh mục và ngưỡng sử dụng, nhưng có nhiều thời điểm đã bị “lạc hậu”, không theo kịp với những thay đổi với thế giới. Fipronil là một ví dụ, trong khi EU đã cấm sử dụng, thì Việt Nam vẫn cho lưu hành phổ biến. Ngoài ra, môi trường chăn nuôi quá tệ ở Việt Nam cũng khiến nông dân thường lạm dụng thuốc.
Một chủ trại nuôi cút ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai thừa nhận, hiện nay đa số nông dân nuôi cút dưới dạng nhỏ lẻ, ít tiền, chỉ có thể đầu tư chuồng hở nên không đảm bảo an toàn sinh học. Con cút giống vốn đã thoái hoá, khi nuôi đẻ trong môi trường chuồng hở có sức đề kháng thấp, ngưng xài kháng sinh là chết hoặc giảm đẻ tức thì. Giám đốc một doanh nghiệp ở TP.HCM cũng có ý định xuất khẩu trứng cút sang Singapore và Nhật, nhưng sau khi đi kiểm tra một số trại thì phải ngưng kế hoạch này; vì ông cho rằng, với cách nuôi sử dụng quá nhiều kháng sinh như vậy sẽ không đạt. “Chúng tôi đang xúc tiến đầu tư các trang trại nuôi cút lấy trứng xuất khẩu. Chỉ có cách tự đầu tư chuồng nuôi hiện đại mới kiểm soát được nguy cơ”, ông này nói.
Việt Nam chưa xuất được trứng gà tươi, nên nhiều ý kiến cho rằng chúng ta chưa thể khẳng định hàng chục tỉ quả trứng gà mà người Việt vẫn đang sử dụng đã an toàn tuyệt đối. Kinh nghiệm cho thấy, chỉ khi nào một mặt hàng nào đó đã xuất khẩu, được nước ngoài chứng nhận thì lúc đó mới biết tốt hay xấu. Trứng cút xuất ra khỏi Việt Nam từng bị phát hiện nhiễm kháng sinh. Quả trứng vịt muối cũng bị phát hiện nhiễm chất sudan.
Quả trứng gà chưa xuất chính ngạch được nên chưa thể nói trước điều gì, dù các trang trại gà đẻ nói không xài Fipronil. Có thể, do sản xuất chỉ để tiêu thụ nội địa, hoặc cùng lắm là xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, nên một bộ phận nông dân vẫn có tâm lý làm bẩn, làm kém chất lượng, sử dụng vô tội vạ, vượt mức cho phép các chất cấm, chất độc hại.
bài, ảnh Bảo Ngọc
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này