
11:20 - 05/08/2018
Cà phê sáng thứ tư: Người đàn bà nhẫn nhịn
Tháng 8/2016, đang lao động tha hương, chị L. nhận được điện thoại của con khóc kể bị hàng xóm tên B. hãm hiếp, đe doạ.
Chạy về với con gái 13 tuổi, chị L. gửi đơn tố giác, để ba tháng sau nhận được thông báo công an không khởi tố vụ án với lý do: thiếu chứng cứ, chỉ có lời khai trẻ con. Tình cờ đọc được tờ thông báo, bé K. uất ức tự sát. Sau hơn bảy tháng bé K. qua đời, sau ý kiến yêu cầu điều tra khẩn trương của Thủ tướng, công an Cà Mau mới khởi tố, bắt tạm giam B. Nghe nói ngày nghi can bị tạm giam, bị tuyên án tù bảy năm; người mẹ hàn vi đã ra mộ thủ thỉ với con về công lý.
Ta chợt nhớ câu chuyện này khi xem phim Người đàn bà nhẫn nhịn của đạo diễn Sergei Loznitsa. Người đàn bà nhẫn nhịn trùng tên truyện ngắn của Dostoievski, nhưng không phải tác phẩm chuyển thể. Tốt nghiệp đạo diễn trường điện ảnh Matxcơva, Loznitsa mới làm ba phim truyện, nhưng cả ba đều được Cannes tuyển thi.Nhân vật chính – không tên – của phim có chồng bị tù oan, bị bưu điện vô cớ trả lại kiện quà bà gửi cho chồng. Nhất quyết làm ra lẽ, người phụ nữ lặn lội đi đến nơi giam giữ…
Loznitsa xác định nội dung phim ông khá xa truyện Dostoievski: “Dostoievski quan tâm khát vọng bị tổn thương, lòng tự ái bị hạ nhục và các mối quan hệ cá nhân đưa tới thảm hoạ. Tôi không đi vào nội tâm hay nội quan, thay vì đề cập đến đớn đau tâm lý riêng tư của nhân vật, phim mô tả không gian trong đó con người buộc phải tồn tại”. Lặng lẽ, chai lì, người đàn bà của Loznitsa không biểu hiện cảm xúc trước mọi hành vi miệt thị hay lừa bịp, vì muốn có cơ hội gặp chồng. Cuối phim, bà rơi vào bữa tiệc nơi có mặt tất cả nhân vật đã tiếp xúc, bị xâm hại tập thể.Bà thức giấc trong phòng chờ một nhà ga, không rõ đó là ác mộng hay tương lai sắp đến. Người đàn bà nhẫn nhịn của Loznitsa làm ta nhớ bức ảnh dáng đứng chơ vơ của L. trước mộ con. Nhưng người phụ nữ Cà Mau đó không câm lặng, chị ôm đơn đi khắp nơi kêu lớn: “Cái ác phải bị trừng trị!”.
Không im lặng bất tín như người đàn bà điện ảnh, những người đàn bà thực thể xứ ta như L., như những bà, những chị, những em bị bức hiếp khắp nơi đã gào khóc bao năm vì vẫn tin công lý. Phim của Loznitsa kết bằng cảnh ai đó đến khều tay nhân vật đang thiếp ngủ, người đàn bà đứng dậy đi theo, vô định. Những người đàn bà nhẫn nhịn xứ ta, tỉnh táo và bao dung, vẫn đi, dù sức đã dần tàn…
Việt Linh (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này