12:11 - 17/08/2016
Bất ngờ từ rau quả xuất ngoại
7 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trên 1,37 tỷ USD.
Ông Lê Quốc Doanh, thứ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngày 11 và 12/8, tại hội thảo quốc gia về khoa học cây trồng lần thứ 2, cho rằng điều bất ngờ từ rau quả là tuy nhận được rất ít quan tâm đầu tư, nhưng kết quả xuất khẩu lại hết sức ấn tượng và liên tục tăng trưởng.
Năm 2013, xuất khẩu rau quả chỉ đạt 900 triệu USD. Năm 2014, đã đạt 1,47 tỷ USD và trong năm 2015 đạt 1,85 tỷ USD.
Ngành nông nghiệp Việt Nam có bảy mặt hàng xuất khẩu, giá trị kim ngạch từ 1,26 – 2,9 tỷ USD. Sau chiến tranh, chính nông nghiệp là hình ảnh Việt Nam với thế giới thông qua những dòng sản phẩm xuất khẩu.
Ngành nông được đầu tư không quá 5,8% trong tổng đầu tư ngân sách (tính mức trung bình 30 năm gần đây), nhưng đã đóng góp cho GDP khoảng 18%/năm, theo thứ trưởng Lê Quốc Doanh, cần phải đầu tư nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp nhiều hơn.
Sản phẩm an toàn là tiêu chuẩn đầu tiên khi xuất khẩu, trừ thị trường Trung Quốc. Trò chuyện với bà Nguyễn Thị Hồng Thu, giám đốc công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, ở Chợ Lách, Bến Tre, người trực tiếp đầu tư cho vùng trái cây đạt chuẩn an toàn xuất khẩu sang Mỹ, mới thấy rằng không chỉ dòng vốn, chắt chiu, chắp vá từ khu vực tư nhân đầu tư vào nông nghiệp; mà phải kỳ công chỉnh sửa nhà vườn để có nguồn hàng!
Thanh long, nhãn, chôm chôm đã được công ty Chánh Thu xuất qua Mỹ, những trái cây được trồng, chăm sóc như cách đây 40 – 50 năm.
Trái tươi, thắm màu, vị ngọt và không dư lượng thuốc độc hại. Sau thiên tai, trái cây mất mùa, lại bán được giá. Nhãn đang vô mùa, một ngày mười mấy tấn, một tuần đi Mỹ 50 tấn.
Bà Hồng Thu từng bán buôn với thương lái Trung Quốc, cuộc chơi “dễ tính”, không cần chiếu xạ, xông hơi, không cần test dư lượng… chỉ cần trái đẹp; thậm chí trái xấu cũng mua, thời gian bảo quản ngắn cũng được, 4 – 5 ngày là tiền về.
Thị trường Mỹ, châu Âu “khó tính” hơn, đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng, bảo quản lâu trái không bị xuống cấp, không sử dụng thuốc, thanh toán sau 45 ngày. Giá khá cao so thị trường Trung Quốc.
Năm 2011, công ty Chánh Thu xuất chôm chôm đi Mỹ. Tới đây sẽ xuất vú sữa. Hiện nay, mỗi loại trái cây, công ty Chánh Thu xây dựng vùng nguyên liệu an toàn trên 100ha.
Nhãn xuất hai năm nay, bà Thu cho biết cách gây lòng tin từ vùng nguyên liệu an toàn: mình tự lo vốn cho mô hình chôm chôm ở xã Phú Phụng (28ha), nông dân được tập huấn, kiểm tra, chứng nhận GlobalGAP; tái chứng nhận lần đầu mình lo 50%. Hiện nay, Tiền Giang có hai điểm ở Mỹ Quý, huyện Cai Lậy và một điểm huyện Châu Thành…
Thực ra điều kiện của Mỹ tương tự quy trình an toàn. Họ yêu cầu cam kết đáp ứng chất lượng, số lượng, xây dựng thương hiệu, có vùng nguyên liệu khép kín sau khi tới nơi khảo sát vùng trồng, nhìn thấy cách ghi chép, bao trái, xài thuốc theo danh sách cho phép rồi cấp mã (code), có code vùng trồng, code công ty để xuất.
Nếu vi phạm lần đầu thì cảnh cáo, lần nữa thì họ sẽ huỷ code của mình luôn. Hàng đi Mỹ, chiếu xạ tại Sài Gòn, lúc đầu 1 USD/kg, hiện nay giá đã hạ.
Vận chuyển 1kg nhãn trên tàu biển, giá 50 cent/kg; thanh long 70 cent/kg đường biển và 85 cent/kg đường không.
Tự bà Thu phải tìm kiếm đầu mối, nắm thông tin, tự học hỏi và tự chịu lời lỗ do quyết định của chính mình khi đưa hàng đi nửa vòng trái đất tới Mỹ.
“Nếu sai cam kết, sợ nhất là hàng hoá không an toàn thì không chỉ hàng tới cảng mà hàng đang lênh đênh trên tàu phải quay về, không phải chỉ tổn thất trước mắt mà uy tín cũng sẽ mất. Những tình huống đó bà con mình không hiểu được”, bà Thu cho biết gặp những tình huống đó, doanh nghiệp lỗ hàng tỉ đồng.
Hoàng Lan
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này