10:12 - 22/08/2018
Bán lẻ trên smartphone chưa nhạy!
Theo Nielsen Việt Nam (NV), hiện Việt Nam có khoảng 63 triệu thiết bị di động đang hoạt động, trong đó 80% là smartphone.
Nhiều chuyên gia cho rằng, dù thị trường này có gần 50 triệu khách hàng “mua sắm năng động”, nhưng nhiều nhà bán lẻ vẫn “mù” cách bán hàng!
Thế hệ “Gen Z”
Bà Huỳnh Bích Trân, phó giám đốc NV, nhắc các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến nên quan tâm nhiều hơn, đặc biệt hơn đến thế hệ “Gen Z” (còn được gọi là iGen, sinh từ năm 1995 trở về sau này). Bà nói: “Gen Z là thế hệ tiêu dùng tương lai tại Việt Nam và smartphone là công cụ thiết yếu trong cuộc sống của họ”.
Theo dự báo của NV, vào năm 2025, Gen Z ở Việt Nam có độ tuổi từ 20 – 29 tuổi, sử dụng 14,7 triệu thuê bao di động, chiếm 21% nhân lực lao động quốc gia… 45% thành viên của thế hệ này sử dụng các dịch vụ trên nền tảng di động với lượng thời gian “sống trên mạng” ngày càng tăng.
NV đã có một cuộc khảo sát về thời gian sử dụng di động để truy cập internet của giới trẻ Gen Z hiện nay: thời gian kết nối vào mạng: quán cà phê là 51%, 48% ở nhà, 41% nói chuyện với người thân, 36% ở trường học, 33% du lịch, đi trên đường là 31%, ở nơi công cộng 28%, trung tâm thương mại 24%; công cụ được giới trẻ tìm đến nhiều nhất là Facebook – 99%, Zalo 77%, YouTube 64%; 24% có ít nhất một tài khoản Instagram. Về hành vi mua sắm, theo bà Trân, giới trẻ quyết định mua hàng nhanh hơn, bằng chứng là 48% quyết định mua hàng sau khi đọc thông tin trên một thiết bị, so với tỷ lệ 32% đọc trên hai thiết bị, và là 16% đọc trên ba thiết bị.
Tăng lượng nhưng… giá trị thấp
Theo thống kê của Sapo Web (Việt Nam) vào tháng 7/2018, tại 33.000 website bán hàng, có khoảng 60% lượng truy cập vào website là từ smartphone. Báo cáo đầu năm 2018 của trang bán hàng online iPrice (Malaysia) cũng xác nhận mức độ tăng trưởng của lượng truy cập từ smartphone vào các trang web bán hàng, đã chiếm 72% tổng lượt truy cập của các trang thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam.
Nhưng trên thực tế, theo ông Trần Trọng Tuyến, giám đốc điều hành Sapo.vn, dù lượng truy cập từ smartphone tăng mạnh, giá trị đơn hàng thua xa so với mua sắm trên máy tính để bàn (hay còn gọi là PC) hoặc laptop. Cũng dẫn theo số liệu của iPrice công bố vào dịp đầu năm 2018, tại Việt Nam, giá trị giỏ hàng trên PC và laptop cao hơn giá trị đơn hàng trên smartphone từ 8 – 20%.
Trong một khảo sát gần đây của Sapo, vài dữ liệu mà nhà bán lẻ cần chú ý: 73% những người đang xài smartphone dùng thiết bị này để kiểm tra mức độ ưu đãi của các nhà bán lẻ, 70% dùng smartphone để kiểm tra danh tiếng và chất lượng của thương hiệu, 64% xác nhận có coi quảng cáo… Còn theo khảo sát của Zalo Business trong tháng 6/2018, với nhóm khách hàng đang xài smartphone, có 70% thời gian xem thông tin trước khi mua hàng, 60% thích tư vấn trước khi mua hàng… Ông Tuyến nhận xét: “Các doanh nghiệp chưa thực sự hiểu đúng và làm chuẩn trong phân khúc bán hàng trên smartphone. Họ đang đánh mất khoản doanh thu đáng kể hàng ngày chỉ vì chưa chú trọng, hoặc không biết cần phải làm gì để cải thiện tốt hơn trải nghiệm mua sắm trên chiếc smartphone”.
Làm như thế nào?
So với những công cụ khác, “điểm yếu” của smartphone hiện nay là: độ phủ, vị trí, kết nối và công nghệ. Nghĩa là, người kinh doanh trực tuyến sẽ hiểu khách hàng đang ở đâu, đang làm gì trên internet, đã và đang mua sắm hoặc coi gì trên các kênh bán hàng để từ đó “lôi kéo” khách hàng đến với kênh mua sắm của mình nhanh nhất.
Bà Nguyễn Trà My (Zalo Business) cho rằng, các nhà bán lẻ muốn kinh doanh trên smartphone cần khai thác yếu tố di động để bán hàng. Bà My nói: “Tại sao các nhà bán lẻ không tặng hoặc mồi khách hàng smartphone bằng phiếu mua hàng, để họ đến cửa hàng trực tiếp hoặc mua sắm trên chiếc smartphone đó? Chiếc smartphone cho phép người tiêu dùng dễ dàng truy cập thông tin sản phẩm và so sánh giá cả, để đi đến quyết định mua hàng một cách nhanh nhất.Họ vừa uống cà phê vừa ra lệnh đặt hàng”.Câu chuyện thiết kế ứng dụng (app) bán hàng trên smartphone cũng được nhiều doanh nghiệp bàn thảo. Theo bà Bích Trân, muốn khách hàng xài app của mình, doanh nghiệp phải tạo ra app hấp dẫn và thuận lợi cho khách hàng trong việc mua sắm và trả tiền, kèm theo tính bảo mật cao, an toàn cho tài khoản của khách.
Bà Trà My cho biết, trên Zalo shop, những nhóm hàng về công nghệ, mẹ và bé, thời trang, sức khoẻ, gia dụng… có sức mua lớn hơn nhóm hàng còn lại. Lý do chính là nhà bán lẻ biết cách tiếp cận khách hàng bằng cách “bắn” tin nhắn quảng cáo, thông tin sản phẩm vào các tài khoản Zalo.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, giám đốc Sapo chi nhánh miền Nam, với nhà bán hàng đa kênh dù nhỏ, nên cần có nền tảng quản lý hàng hoá toàn diện, từ nguồn hàng đang có trong kho để đáp ứng nhu cầu và thời gian mua sắm của khách hàng; quản lý dòng tiền chính xác và tức thời, thời gian giao hàng… “Với các chủ shop nhỏ, chỉ cần một chiếc smartphone và một máy in có công nghệ bluetooth là có đủ công cụ để bán hàng, quản lý…”, bà Hương nói.
bài, ảnh Trọng Hiền (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này