08:45 - 22/08/2019
Bắc cầu với ‘lái’ gạo quốc tế
“Giá lúa từ 3.800 đồng/kg lên tới 4.400 – 5.000 đồng/kg là tin vui với nông dân, nhưng nhiều nông hộ còn lúa đâu mà bán”, ông Phan Văn Đời, 89 tuổi, ở hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Giang, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn, An Giang, nói.
Nông dân gặt xong phải bán lúa ngay lấy tiền thanh toán các khoản vật tư, thuê máy gặt…
Hiện nay, nông dân tiếp tục dọn đất làm vụ thu đông, chuyện xuất khẩu thuộc về tài nghệ của doanh nghiệp, nông dân không thể làm gì hơn, dù đã chịu khổ vì giá thấp suốt hai năm nay rồi..
Lắm thương nhân, lúa vẫn ế
Mới đây, bộ Công Thương công bố danh sách (đến cuối tháng 7/2019) 42 đơn vị đủ điều kiện xuất khẩu theo nghị định 107/ NĐ-CP (trong tổng số 176 thương nhân được xác định đủ điều kiện kinh doanh gạo). Tuy nhiên, dù nghị định 107 ra đời, cơ bản đáp ứng được lòng mong mỏi của số đông doanh nghiệp, cho họ được quyền tự do kinh doanh, mua bán, xuất khẩu gạo, nhưng còn với nông dân, không phải cứ có nhiều “ông” mua lúa gạo là họ bán được hàng nhanh gọn.
“Thực sự, hiện nay chúng tôi không biết nên đặt lòng tin vào đâu?”, nhiều nông dân ở Châu Thành, Thoại Sơn, tỉnh An Giang, gặp những tình huống khó xử rất giống nhau, nói: “Các công ty nói phải làm lúa sạch mới có thể xuất khẩu, chúng tôi làm theo. Nhưng tới ngày gặt, chúng tôi gọi điện mời cán bộ xuống, thì công ty nói gặt rộ nên không đủ người xuống và chưa có ghe chở lúa. Cán bộ biết lúa gặt qua 24 giờ, chất lượng xuống cấp, nông dân sẽ bất lợi khi tính giá theo chất lượng. Hơn nữa, công ty thường yêu cầu giao lúa tươi tại nhà máy, trong khi thương lái nhận lúa tươi tại ruộng”.
Theo nông dân trồng lúa, thông thường, giá lúa thị trường cao hơn của công ty 150 đồng, nhưng họ chỉ cần công ty điều chỉnh giá thêm 100 đồng, là bán nếu như được trả tiền liền.Nhưng ngặt nỗi, công ty lấy mẫu lúa, đo ẩm độ rồi tính ra tiền; và một tuần sau nông dân phải tới công ty nhận tiền, nên bắt buộc phải chọn cách nào thuận lợi nhất, tức là bán cho thương lái.
Ngoài ra, mấy mùa vụ qua có trường hợp công ty hô hào liên kết sản xuất – tiêu thụ, khi thực hiện thì yêu cầu nông dân phải xài “bộ thuốc” (nhiều loại) của công ty, trong khi cùng loại thuốc đó, đại lý bán rẻ hơn.Khi dân thắc mắc, cán bộ công ty thường giải thích lòng vòng, nói thuốc bên ngoài chất lượng không bảo đảm, nông dân làm sao biết được? “Chẳng lẽ Nhà nước cho bán đồ dỏm, đồ giả để lừa nông dân thiệt thà như tụi tui?”, một nông dân thắc mắc.
Thay đổi đối tác chiến lược
Khác với nhiều doanh nghiệp đang tìm cách khó dễ với nông dân, công ty ADC có cánh đồng mơ ước; và họ đã làm rất tốt việc hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hạ giá thành, giữ giá mua ổn định.Còn với Gentraco, tuy thanh toán tiền thưởng chất lượng chậm, nhưng cách hợp tác thông hiểu tình cảnh nông dân.Nhiều nông dân lại muốn có mô hình hợp tác như Angimex-Kitoku, hay những cánh đồng liên doanh khác ở Đồng Tháp.
Điển hình là công ty TNHH lương thực Phương Đông xây dựng nhà máy chế biến gạo chất lượng cao, công suất chế biến 200.000 tấn gạo 5% tấm tại Đồng Tháp; 100% gạo chất lượng cao sẽ được xuất khẩu sang các quốc gia trên thế giới. Hợp đồng liên kết đầu tiên là vùng nguyên liệu 400ha tại huyện Tháp Mười.
Đối tác mà Phương Đông nhắm tới tập đoàn Louis Dreyfus Commodities (LDC), có mối liên kết với Archer Daniels Midland (ADM), một công ty toàn cầu của Mỹ về chế biến nông sản, có trụ sở chính tại Decatur, Illinois, chuyên cung cấp dịch vụ thu mua, lưu trữ, vận chuyển nông sản. Được thành lập từ năm 1902, ADM đã mở rộng các hoạt động và trở thành nhà kinh doanh quốc tế rất thành công khi khai thác nhu cầu gia tăng tại Trung Quốc, hướng đến các sản phẩm giá trị gia tăng, hơn là các sản phẩm hàng hoá truyền thống. Cả ADM, Bunge (thành lập tại Amsterdam 200 năm trước), Cargill và Louis Dreyfus nổi tiếng với tên gọi “ABCD” đang chi phối thương mại ngũ cốc toàn cầu, đều có mặt tại Việt Nam.
Thực ra đó là phần nổi của tảng băng, vì đây là liên doanh giữa Vinafood I với LDC, sau những thương vụ lên tới trên 700.000 tấn gạo (năm 2012).LDC là thương nhân quốc tế với 165 năm kinh nghiệm trên thương trường gạo, hoạt động tại Việt Nam từ năm 2007.Sự hiện diện của tập đoàn này, cũng như việc hợp tác với tập đoàn SunRice, sẽ có cách tiếp cận khác so với những doanh nghiệp Việt Nam đang làm.
Một liên doanh khác cũng đã hình thành, đó là tập đoàn Lộc Trời, liên kết với Phoenix Group, là nhà doanh nghiệp kinh doanh gạo lớn thứ hai thế giới, đăng ký tại trung tâm Đa hàng hoá Dubai (DMCC) ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), được xem là đối tác quan trọng trong tiêu thụ gạo tại Việt Nam. Tháng 12/2018, tập đoàn Phoenix và tập đoàn Lộc Trời ký kết thoả thuận hỗ trợ cho khoảng 10.000 nông hộ nhỏ Việt Nam, mở rộng canh tác lúa gạo bền vững trên 10.000ha.
Phoenix có kinh nghiệm và có nhiều sáng kiến, đặc biệt ở châu Phi, Cộng đồng Các quốc gia độc lập (CIS), Trung Đông, Ấn Độ, Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác, nhằm giải quyết các thách thức về việc phát triển bền vững trong chuỗi giá trị từ sản xuất tới kinh doanh nông nghiệp.
Phoenix điều hành mười ngành kinh doanh theo chiều dọc tại 22 quốc gia, từ trung tâm ở Dubai theo hiệp ước toàn cầu của Liên hiệp quốc. Đó là một hệ thống lương thực và nông nghiệp toàn cầu bền vững, nhằm tạo ra giá trị kinh tế mới hơn 2.000 tỷ USD vào năm 2030.
Trong khi đó, tập đoàn SunRice cũng dự định đầu tư bổ sung thêm 50 – 100 triệu USD vào sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng từ gạo Japonica. Tỉnh Đồng Tháp có 2.500ha canh tác giống lúa Japonica, tập trung ở các huyện Thanh Bình, Tam Nông… Đồng Tháp đã cam kết đáp ứng diện tích để nâng sản lượng gạo lên 300.000 tấn lúa Japonica/năm.
Trong tháng 7, Việt Nam xuất khẩu 651.000 tấn gạo, cao hơn dự báo, nâng tổng số gạo xuất khẩu trong bảy tháng đầu năm 2019 lên hơn 4,1 triệu tấn, kim ngạch 1,73 tỷ USD. Tuy chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm ở thị trường Trung Quốc, nhưng trong 103.000 tấn gạo chất lên tàu tại các cảng của TP.HCM trong các ngày từ 2 – ngày 10/8, có 42% xuất khẩu sang Tây Phi, 29% sang Iraq, và phần còn lại cho Philippines và Malaysia… đã chứng minh không chỉ liên kết – thay đổi cách sản xuất – tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân, mà xu hướng liên doanh với các “tên tuổi quốc tế” để thoát khỏi tình trạng đình đốn, phụ thuộc vào thị trường “sớm nắng, chiều mưa”, là giải pháp căn cơ hơn, sớm đưa sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long trở lại thế cân bằng.
bài và ảnh Hoàng Lan (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này