15:50 - 23/08/2016
Ba trụ cột của nền kinh tế ĐBSCL
Ba trụ cột của nền kinh tế ĐBSCL vẫn dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên là dịch vụ, thủy sản và nông nghiệp.
Ngày 21/8, tại tỉnh Bến Tre, lãnh đạo 4 tỉnh thành ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp) có buổi làm việc bàn về công tác chuẩn bị cho Mekong Connect – CEO Forum 2016, đồng thời nghe PGS TS Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện Biến đổi khí hậu – trường ĐH Cần Thơ thông tin về biến đổi khí hậu, nguy cơ từ các đập thủy điện trên thượng nguồn.
Nguy cơ thiếu nước vào mùa khô
ĐBSCL là vùng trồng lúa lớn nhất Việt Nam, diện tích canh tác lúa vào khoảng 1,60 – 1,75 triệu ha, sản lượng lúa có xu hướng tăng liên tục qua các năm. Lượng nước sử dụng cho canh tác lúa chiếm tới 60-70%.
Áp lực đảm bảo an ninh lương thực, gia tăng năng suất, diện tích đất canh tác nông nghiệp… làm cho việc gia tăng các kênh thủy lợi, đập ngày càng nhiều.
PGS TS Lê Anh Tuấn cho biết, tổng chiều dài các con kênh các loại đã được đào ở ĐBSCL là 91.064 km. Con số này lớn hơn 2 lần đường xích đạo Trái đất (chu vi là 40.075 km).
Ở vùng ĐBSCL, mùa nước nổi ngày xưa đã thật sự trở thành mùa nước lũ, với sự gia tăng bất thường về cường suất và thời điểm. Lũ năm 2011 thấp hơn cơn lũ lịch sử 2000 nhưng gây thiệt hại cao hơn, mức ngập cao hơn và thời gian ngập kéo dài.
Do thiếu nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất, việc khai thác nước dưới đất ở các vùng ven biển đang ở mức báo động, tạo hệ quả sụt giảm tầng nước ngầm, gây tình trạng sụt lún đất mặt và xâm nhập mặn vào các tầng nước dưới đất.
Dòng chảy trên sông Mekong về đến ĐBSCL đang có xu thế giảm kể từ năm 2000 đến nay. Đỉnh lũ ở Tân Châu suốt 90 năm qua, thấp nhất vào năm 2015. Mùa khô năm 2015-2016, ĐBSCL đối mặt với tình hình khô hạn và xâm nhập mặn mang tính lịch sử.
Hiện tượng El Nino và việc trữ nước ở các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong được xem là lý do chính cho tình hình khô hạn nghiêm trọng hiện nay.
Thái Lan gia tăng việc lấy nước trên sông Mekong
Dự án Kong–Loei–Chi-Mun của Thái Lan có mục tiêu chuyển nước từ sông Mekong bằng cách nạo vét sông Loei (một nhánh của sông Mekong) sâu thêm 5m và mở rộng cửa sông Loei rộng thêm 250 m.
Ngoài ra, dự án sẽ làm 24 hầm chuyển nước qua sông Loei nối với sông Chi và sông Mun. Dự án sẽ tưới cho 113 huyện của 17 tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan vào mùa khô.
PGS TS Lê Anh Tuấn nói thêm, các dự án chuyển nước vùng Đông Bắc của Thái Lan có dự án Pakchom – Ubolrat. Lưu lượng trung bình dòng chảy sông Mekong là 2.500 m3/giây
Đại dự án chuyển nước này sẽ lấy gần một nửa lưu lượng dòng chảy sông. Dự án Kong-Loei-Chi-Mun sẽ gia tăng diện tích tưới đến 1,8 triệu ha vào mùa mưa và 900.000 ha vào mùa khô. Dự án sẽ có nhu cầu bơm một lưu lượng nước lên đến 1.200 m3/giây.
PGS TS Lê Anh Tuấn đưa ra một phép tính về lưu lượng sông Mekong vào mùa khô: Tổng lưu lượng nước chảy từ thượng nguồn về là 2.500 m3/giây. Trong đó, các dự án tưới của các nước sẽ lấy đi nguồn nước này: 1/Dự án tưới Khong-Loei-Chi-Mun của Thái Lan sẽ lấy 1.200m3/s; 2/ Dự án Tưới Bắc Vientaine của Lào 20.000ha lấy 240 m3/s; 3/Dự án Tưới VAICO 100.000 ha của Campuchia lấy 500 m3/s.
“Vậy lượng nước về Việt Nam còn được bao nhiêu? Chắc chắn chúng ta sẽ bị thiếu nước trầm trọng vào mùa khô. Đây là một mối nguy cần phải được tính toán lại, trong đó có việc xem lại quy hoạch sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt cho người dân”. PGS TS Lê Anh Tuấn cảnh báo.
Phát triển bền vững trên cơ sở 3 nền tháp an ninh
Từ giữa tháng 5 đến nay, nước trên sông Hậu có hiện tượng trong xanh khác thường. Nguyên nhân do sự suy giảm phù sa và gia tăng nhiễm phèn. So sánh sự thay đổi tải lượng phù sa trung bình ở các trạm đo trên trục chính sông Mekong trước (1962-1992) và sau (1993-2000) khi có đập thủy điện Manwan của Trung Quốc thì thấy lượng nước, phù sa giảm hẳn.
Hiện tượng sạt lở ven sông và bờ biển đang diễn ra nghiêm trọng. Quá trình kiến tạo đồng bằng đã dừng lại và đang thay thế bằng quá trình tan rã.
6 thách thức nguồn nước ở ĐBSCL:
Biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Gia tăng dân số và di dân.
Khai thác tài nguyên quá mức.
Sự suy giảm chất lượng đất – nước.
Thay đổi mục đích sử dụng đất.
Sự phát triển chuỗi đập thủy điện ở thượng nguồn.
“Trong 6 thách thức này thì 5 thách thức đầu tự bản thân chúng ta có thể hạn chế, ứng phó, điều chỉnh, cải thiện. Nhưng với thách thức thứ 6, nặng nề nhất thì chúng ta không thể kiểm soát được”, PGS TS Lê Anh Tuấn nói thêm.
Trong lịch sử, có lúc lượng nước đến ĐBSCL chỉ có 1.500 m3/s nhưng ranh mặn không đi quá 60 km từ bờ biển.
Năm 2016, lượng nước đến đồng bằng ít nhất là 2.600 m3/s nhưng ranh mặn đã đến 70 – 75 km. Có lý do xuất phát từ việc vùng này đã bị mất đi 2 túi trữ nước ngọt ở Tứ giác Long Xuyên (480.000 ha) và Đồng Tháp Mười (680.000 ha) để làm 630.000 ha diện tích lúa vụ 3 (có đê bao khép kín).
3 trụ cột của nền kinh tế ĐBSCL vẫn dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên là dịch vụ, thủy sản và nông nghiệp.
Muốn phát triển bền vững, theo PGS TS Lê Anh Tuấn, cả 3 tiêu chí (an ninh nguồn nước, an ninh lượng thực và an ninh xã hội) phải được quan tâm đúng mức, song hành cùng 3 trụ cột trên.
Từ các nội dung chia sẻ PGS TS Lê Anh Tuấn gợi ý các đề xuất: Chính sách ứng phó với BĐKH của chính phủ; Tìm cách thích nghi nào là hợp lý về kinh tế – môi trường – xã hội cho ĐBSCL.
Thay đổi chiến lược và tư duy duy trì an ninh lương thực; xem xét lại có cần tiếp tục là quốc gia hàng đầu trong xuất khẩu lúa trên thế giới không?
Liệu ĐBSCL sẽ tồn tại lâu dài với chuỗi đập thuỷ điện và các dự án chuyển nước ở các quốc gia thượng nguồn?
Tính bền vững trong chính sách “an ninh lương thực” sẽ không bảo đảm khi “an ninh nguồn nước” bị đe doạ.
Ngọc Bích
Theo BSA.org.vn
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này