21:44 - 29/09/2017
Art Labor: những nhà ‘phục hưng’ văn hoá bản địa
Năm 2015, nhóm Art Labor được thành lập bởi ba thành viên đều học ngành mỹ thuật. Họ là Trương Công Tùng, Phan Thảo Nguyên học về thực hành mỹ thuật; Trần Quỳnh Anh về triết học và lịch sử nghệ thuật…
Lý do đơn giản của việc lập nhóm là tìm quỹ tài trợ những dự án về nghệ thuật cộng đồng văn hoá Việt, đang dần bị mai một… Họ muốn lưu giữ nó tồn tại theo kiểu khác. Trương Công Tùng trao đổi với TGTT…
– Mang những tác phẩm rất Tây Nguyên như tượng nhà mồ đến đặt ở một không gian khác (ở Đài Loan từ 30/9/2017 – 25/2/2018), bạn có sợ là tác phẩm sẽ không còn có sức truyền cảm khi nó mất đi “hệ sinh thái” của nó không?
– Các tác phẩm của cộng đồng người J’rai ở Chư Sê đem ra nước ngoài, cũng giống như một cách mà chúng ta đem văn hoá của mình ra với thế giới, cả tác phẩm lẫn nghệ nhân đều có cơ hội tiếp xúc ở những không gian khác biệt. Ngay cả bản thân tôi khi được mời mang những tác phẩm của mình đi tham dự triển lãm quốc tế cũng mang cảm giác tiếng nói của mình đã được công nhận. Những nghệ nhân ở đây sau đó khi quay trở lại quê nhà, có thể họ sẽ truyền lại những cảm xúc mà họ được chứng thực về tiếng nói của cộng đồng mình ra bên ngoài thế nào, sẽ thúc đẩy hơn nữa để họ quyết tâm gìn giữ những giá trị văn hoá mà cộng đồng họ có thể đang mai một dần. Đi ra ngoài để trở về chăm sóc kỹ lưỡng lại (văn hoá) mình, đó là một sự vận động tự nhiên về tính văn hoá của con người. Nếu những người đi trước không gìn giữ, không trao truyền thì lớp trẻ đi sau sẽ không còn gì để tiếp nối. Chúng tôi đang suy nghĩ cách làm sao để mở rộng ra những vùng xa hơn, đến những vùng khác nữa chứ không dừng lại ở đây.
Làm thế nào để chính các nghệ nhân ở những cộng đồng thiểu số tại đây nhận ra rằng họ đang gìn giữ những giá trị văn hoá gốc của cộng đồng họ đang gần như biến mất trước sự thay đổi khốc liệt hiện tại. Có như vậy mới mong nó sẽ bền vững hơn.
– Giá mà các bạn không phải quá vất vả để đi tìm kinh phí ở các tổ chức nước ngoài, thay vào đó nhà chức trách ý thức về những giá trị văn hoá cộng đồng này để cùng các bạn đồng hành. Các bạn nghĩ sao về điều này?
– Tôi nghĩ, có thể Nhà nước cũng nghĩ tới nhưng cái cách mà Nhà nước làm chưa thực tiễn. Chẳng hạn, hàng năm Nhà nước vẫn tài trợ cho các chuyến đi, trại sáng tác cho các nghệ sĩ… hay tổ chức những chuyến đi kiểu “về nguồn” như tổ chức làm tượng, hay biểu diễn cồng chiêng, nhưng mang tính du lịch trình diễn nhiều hơn. Chúng tôi thì tiếp cận cách khác. Chúng tôi đi sâu vào những cộng đồng nhỏ và làm việc trực tiếp (ăn – ở – ngủ – nghỉ – nói chuyện, v.v.) với dân làng và các nghệ nhân. Thuyết phục họ làm tượng trong một không gian cộng đồng của chính họ, nơi đó trong lúc họ đang say sưa thì những đứa trẻ của cộng đồng cũng đến ngồi xem và có đứa ngồi hàng giờ, thích thú với những hình hài được tạo tác từ những khúc gỗ kỳ thú. Chúng thắc mắc và nhìn những hành vi, thậm chí ngắm nhìn cả gương mặt biểu cảm của các nghệ nhân đang làm say mê. Đó chính là lúc chúng được truyền thụ cảm xúc về vẻ đẹp văn hoá của cộng đồng mình.
Cũng có khi chúng tôi sắp nản lòng vì việc… xin giấy phép để có thể tổ chức một buổi trưng bày tượng ở làng cho chính cộng đồng và những nghệ sĩ, cũng như các bạn bè làm nghệ thuật được thưởng thức thì chỉ cần nhớ đến gương mặt háo hức của bọn trẻ và tương lai của chúng, là chúng tôi gắng bỏ qua hết những nhiêu khê, khó khăn và có khi là cả những bắt bẻ, hạch hỏi, rồi ngày tháng chờ đợi để được cấp phép.
– Điều gì khiến cho các bạn kiên trì đến vậy?
– Tôi may mắn có gia đình sống ở đây (làng Papet) cũng trên 20 năm nay. Vì thế mối quan hệ của gia đình và cả tôi với cộng đồng và chính quyền xã ở đây khá tốt. Dự án đầu tiên chúng tôi là làm tại chính ngôi làng mà tôi sinh ra. Lúc đầu đi tìm nghệ nhân rất khó vì không có ai còn làm tượng nhà mồ nữa. Họ bỏ gần hết rồi. Không phải là họ không biết làm. Nhưng khi họ theo đạo thì những tập tục cũ họ bỏ hết. Vì thế làm lại tượng nhà mồ (mang tính tâm linh của ông cha họ để lại) thì họ ngại và sợ. Điều này cũng khá thú vị khi dự án được làm ở ngôi làng này. Khi các tượng được trưng bày trong làng, rất nhiều người đã xúc động khi được nhìn lại những bức tượng mang dấu ấn ký ức rất nhiều, hôm nay được xuất hiện trở lại trong một bối cảnh thời đại khác hoàn toàn với truyền thống ngày xưa. Tôi nhờ một vài các anh trong làng đi tìm các nghệ nhân khác ở các làng chung quanh…
Triển lãm lần hai ở làng Blut Grieng (12/2016), lúc đầu chúng tôi gặp chút trở ngại ở làng này khi mời các bác làm tượng. Lúc bày ra, một số người đã phản đối vì cho rằng những nghệ nhân này đã làm tượng trái với tập tục. Họ cho rằng việc tạc tượng chỉ phục vụ cho nghi lễ chứ không để cho việc trưng bày bình thường được. Vì thế nếu làm điều này mà làng xảy ra những biến cố hay tai nạn thì những người tạc tượng này phải chịu trách nhiệm, vì đã xúc phạm thần linh.
Ngoài ra, trong dự án “Giọt sương J’rai”, chúng tôi cũng muốn nói thêm về một vấn đề khác của Tây Nguyên. Các tác phẩm của nghệ nhân phần lớn làm từ chất liệu là cây công nghiệp: cây cao su, cây càphê… đối với chúng tôi, đó là những cái cây đến từ bên ngoài Tây Nguyên xưa. Nó tạo ra những xung đột ở đây. Chúng tôi muốn thế hệ hôm nay nhận thấy chính những cây công nghiệp này với sự xâm lấn của nó đã tác động đến môi trường, văn hoá như thế nào và chính những nghệ nhân nơi này sẽ cùng kể câu chuyện đang xảy ra trên vùng đất của họ hiện tại.
Tất cả các dự án chúng tôi làm kinh phí từ một quỹ tài trợ các dự án làng nghề thủ công ở địa phương của một tổ chức nước ngoài dành cho các nước phát triển. Mục đích của họ là giúp giữ làng nghề thủ công, phát triển ngành nghề để dân trong vùng có thể sống được bằng nghề và từ đó giữ lại văn hoá bản địa. Họ có thể tạo ra những đồ thủ công, từ đồ chơi bằng các vật dụng tre trúc lá cây quanh vùng; cho đến những bức tượng tạo hình ra các con thú, máy bay tạo thành những món quà cho du khách và cả con nít trong vùng đều có giá trị kinh tế, để mang lại cho họ một nghề kiếm sống.
Ngân Hà thực hiện
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này