09:33 - 18/08/2017
An toàn cho trẻ em – mối lo của gia đình
Tuần qua, cái chết của bé gái bảy tuổi bị xâm hại tình dục và những giọt nước mắt lẫn trong tiếng kêu gào thống thiết của cha em đã làm rúng động tất cả những trái tim của các bậc làm cha mẹ.
Bên cạnh tôi là một người cha có duy nhất đứa con trai nay đã đi học xa, nghe câu chuyện, anh nói: “Đó là lý do mà tôi không dám sinh con nữa, tôi sợ sinh con gái mà mình không bảo vệ được nó, có chuyện gì mình sẽ chết cùng nó chứ sống làm sao nổi”. Tôi tin anh bạn mình nói thật.
Hỏi một nhà báo đi tìm sự thật về những đứa trẻ bị xâm hại tình dục, những đứa trẻ bị bỏ rơi và những đứa trẻ bị thương tật vĩnh viễn vì sự bất cẩn của người lớn, cô đã nghĩ gì khi gặp những đứa trẻ ấy, cô nói: “Lúc gặp tôi không nghĩ gì hết, tôi cũng không hề có tư tưởng đến thăm các em để viết bài, chỉ là tôi muốn chơi với chúng. Còn viết thì tôi phải nghĩ khá lâu mới quyết định viết.
Tôi viết vì nghĩ rằng các em cần sự cảm thông, chia sẻ và đồng hành. Không chỉ thế, tôi muốn cảnh tỉnh những phụ huynh hời hợt, chủ quan, xã hội sẽ cùng quan tâm đến vấn đề này”.
Tuy vậy, ở những vùng nông thôn, vẫn còn rất nhiều trường hợp những cha mẹ ứng xử với việc con cái gặp nạn thường bối rối và không biết ứng xử thế nào nên cuối cùng đổ lên đầu con cái. Nhà báo M.N kể: “Những cha mẹ có con bị hại và cả kẻ xâm hại, họ thường có ba cách xử lý. 1. Chửi, đánh con mình xối xả vì cảm thấy xấu hổ hoặc tự bản thân họ có những mặc cảm tội lỗi, nhưng không giải toả được; 2. Họ đau đớn, thù hận đối phương (thậm chí muốn giết kẻ gây ra vụ việc) nhưng cuối cùng lại chọn cách im lặng, họ nghĩ càng ít người biết càng tốt. Họ tránh, hoặc tuyệt đối không nói gì hết, xem như không có chuyện gì xảy ra. Điều này vô tình khiến đứa bé phải tự mình vượt qua nỗi đau đớn và sợ hãi, người gây ra tội có thể sẽ tái phạm với chính bé gái đó hoặc những đứa khác; 3. Ba mẹ một mực đòi lại công bằng cho con mình nhưng vô tình không nghĩ đến cảm giác của bé, không nâng đỡ cảm xúc con mình. Việc họ tung lên Facebook cầu cứu hiển nhiên vì họ hết cách, nhưng mãi cầu cứu, họ lại vô tình khiến trẻ bị tổn thương khi tin tức tràn lan nhưng đa số sự việc cũng không đến đâu”.
Thông thường, những trường hợp 1, và 2 xảy ra tức thời và nhiều nhất. Tâm lý của phụ huynh là bị tổn thương sâu sắc khi con bị xâm hại hoặc bị gặp nạn. Họ chỉ biết “kêu trời” mà không biết dựa vào đâu để bảo vệ con cái (và cho chính họ).
Tranh thủ “tám” để truyền cách bảo vệ con cái
“Gia đình tôi thuở trước nhà có mười anh chị em, đời sống vất vả, mẹ cha đi làm hết nên mấy anh chị em ở nhà trông coi nhau. Nhưng trẻ con ham chơi, nên cuối cùng tai nạn thương tâm cũng xảy ra. Đứa em nhỏ ba tuổi do tôi trông tha thẩn đến cái giếng nước. Một lúc sau mải chơi nhảy dây với mấy đứa trong xóm, tôi đi tìm em, gọi khan cả giọng. Cả nhà đi tìm mới thấy em đã bị chết đuối dưới giếng. Đó là một ký ức kinh hoàng với tôi mà tới giờ, về nhà hễ nhìn thấy con thì không sao, mà không thấy là muốn hoảng loạn”, cô T.H kể. Là một nhà giáo, cô rất ý thức về sự an toàn cho trẻ em. Mỗi lần lên lớp, cô đều dặn dò học sinh mình về việc tự bảo vệ. Với học sinh cấp 2, cô hiểu các em rất mê chơi và đã hình thành nhân cách từ lúc này, vì thế cô luôn tìm cách gần gũi và chơi cùng các em trong các giờ ra chơi, bày những trò chơi liên quan đến bài học về đuối nước, cứu nạn hoả hoạn hay những vở kịch về xâm hại tình dục. Là cô giáo dạy văn, làm chủ nhiệm, cô T.H còn thường xuyên trò chuyện với phụ huynh kể chuyện thời sự và cùng “tám” với cha mẹ để mọi người hào hứng về kể cho nhau trong chòm xóm, đó cũng là một cách giúp mọi người cùng bảo vệ con cái của mình, không chỉ tránh “yêu râu xanh” mà còn tránh được rất nhiều tai nạn khác cho trẻ em. Cô T.H nói: “Đừng nghĩ rằng thời gian ngồi tám của phụ nữ là rảnh rỗi, thật ra đó là lúc mọi người truyền kinh nghiệm cho nhau rất nhiều”.
Tại TP.HCM, hiện nay cũng có một số các nhóm cộng đồng do những bà mẹ, ông bố lập ra để cùng tuyên truyền, hướng dẫn phòng ngừa và giúp đỡ nhau khi con cái gặp nạn. Những chuyên đề họ cùng nhau thảo luận rất thiết thực: Làm sao dụ con học bơi?; Đi chơi để biết giúp người bị thương; Tìm cách kéo nhau khỏi vực thẳm khi bị trầm cảm; Em tự bảo vệ mình bằng quy luật của một bàn tay; Trái tim tan vỡ tuổi 13, v.v.
Cha mẹ nào cũng muốn bảo vệ con, chính vì vậy chia sẻ kinh nghiệm và tìm hiểu giúp con tự bảo vệ mình chính là tìm ra cách an toàn cho trẻ. Đó là những bài học lớn cho một đời người, không phải chuyện nhỏ như thấy trẻ chơi đánh nhau mà bỏ qua. Có khi nhìn cách chúng chơi, biết rõ tính cách của chúng để giúp cho trẻ trưởng thành trong sự chăm sóc của cha mẹ, hơn là chỉ biết ngồi lo âu.
Thái Thảo
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này