
09:29 - 27/12/2019
9x bỏ nghề viễn thông, làm nông nghiệp sạch
Kỹ thuật, vốn liếng, kinh nghiệm hay phát triển thị trường, v.v. luôn là rào cản đối với người sản xuất nông nghiệp sạch.
Tuy nhiên, điều này lại không phải qua khó với Đinh Bạt Quy, chàng trai thế hệ 9x hiện là giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Tâm Nông Việt tại xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, Long An.
Khởi nghiệp sau 8 năm ấp ủ
Đến thăm nông trại Tâm Nông Việt, thấy Quy hái những trái dưa leo (giống của Nhật) mời khách dùng thử, chúng tôi thấy ái ngại. Như hiểu được tâm trạng của khách, Quy liền bứt trái dưa leo đưa lên miệng ăn một cách ngon lành. Trong câu chuyện khởi nghiệp của mình, Quy cho biết, cách đây hơn hai năm, khi mới bước chân về xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, để tìm thuê đất mở trang trại, ở đây chưa có bất kỳ nhà lưới nào được dựng lên để trồng rau, củ, quả. Thuê được đất, đầu tư gần 300 triệu đồng để làm khu nhà màng gần 1.500m2 trồng dưa lưới, dưa leo Nhật và một số loại nông sản khác, chàng trai gốc Nghệ An gây không ít tò mò cho người dân và cả chính quyền địa phương. Ban đầu, nhiều người không tin Quy làm được nông nghiệp sạch, an toàn. Ngay cả gia đình cũng đều phản đối kịch liệt, bởi thời điểm đó, chàng trai sinh năm 1991 này đang là một kỹ sư ngành viễn thông, làm việc ở TP.HCM với thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng.
“Là người từng phải sử dụng nguồn nông sản, thực phẩm không rõ nguồn gốc, tôi đã nung nấu ý định sản xuất nông nghiệp sạch trong suốt tám năm, trước khi bắt tay vào khởi nghiệp”, Quy tự hào cho biết.
Khởi đầu với dưa lưới, dưa leo, ngoài đầu tư nhà màng, Quy còn xây dựng hệ thống tưới tự động với nguồn nước sạch thuỷ cục, sử dụng phân trùn quế, xơ dừa để canh tác, sử dụng chế phẩm sinh học để diệt trừ sâu dịch bệnh, qua đó đảm bảo được tiêu chuẩn thấp nhất là VietG.A.P. Để giúp cây thụ phấn, ngoài phương pháp thủ công, nông trại này còn nuôi nhiều thùng ong trong nhà màng để giúp cây thụ phấn.
Sự say mê, chịu khó cùng cách làm khoa học giúp Quy chứng minh được con đường sản xuất sạch không khó và đáng ngại. Chỉ ba tháng sau công trình trồng dưa lưới và dưa leo, Quy đã thu hoạch vụ đầu tiên với gần 4 tấn sản phẩm chất lượng. Mặc dù chỉ bán với giá 50.000 đồng/kg, nhưng lợi nhuận thu được gần 200 triệu đồng/vụ. Đây là động lực, giúp thanh niên này tự tin, thành lập hợp tác xã (HTX) nông nghiệp công nghệ cao mang tên Tâm Nông Việt, với bảy thành viên ban đầu.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xã, ngắm nhìn nhiều khu nhà màng trồng dưa lưới và các loại trái cây, Quy khoe rằng đó là những farm liên kết với HTX Tâm Nông Việt. Khi biết Quy thành công và có lãi từ việc sản xuất sạch, gần 20 thanh niên đã liên hệ học tập, dựng nhà màng để làm nông nghiệp. Quy là người trực tiếp hướng dẫn cách thức sản xuất, cung cấp giống, kiểm soát quá trình canh tác và tìm mối tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm cho các hộ xã viên. Qua đó, sản lượng cung cấp cho thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận, từ 8 – 10 tấn/tháng.
Hiện Quy mở rộng diện tích thêm gần 3.000m2, chuẩn bị cho sản xuất nhiều sản phẩm nông nghiệp khác, như: bí đỏ (bí rợ), bí đao, bồ ngót, cà chua bi, khổ qua, đu đủ xanh, cà trái cây…
Quy cho biết, khi bắt đầu khởi nghiệp đã gặp nhiều khó khăn. Trước đây, khi mới bắt tay vào làm nông nghiệp sạch, bị bố mẹ, vợ, người thân phản ứng; nhưng đến nay, từ những thành quả đạt được, chàng trai này dần thuyết phục được gia đình, tạo được niềm tin đối với các điểm bán cũng như người tiêu dùng.
Tâm sáng của nhà nông trẻ
Xuất thân từ nhà nông ở một huyện giáp ranh TP Vinh, tỉnh Nghệ An, thường xuyên tiếp xúc với các loại rau, củ, quả đã giúp Quy thu nhặt nhiều kinh nghiệm về sản phẩm rau. Những đặc điểm, tính chất, chủng loại, cách bảo quản của từng loại nông sản hay yếu tố thời vụ, nguồn dinh dưỡng… đều được Quy đúc kết, đưa ra những nhận định để mang lại hiệu quả tốt.
Từ hai bàn tay trắng với số vốn vay ban đầu khoảng 500 triệu đồng, sau hai năm, chàng trai 9x này đã tạo dựng được hệ thống sản xuất sạch với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Quy còn hỗ trợ, liên kết với nhiều thanh niên, nông dân mở ra nhiều điểm sản xuất sạch khác, tạo ra được nguồn nông sản sạch, đa dạng về chủng loại, đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn về nguồn rau quả sạch.
Nói về giá trị sản phẩm mang đến cho người tiêu dùng, Đinh Bạt Quy cho rằng, nếu mua sản phẩm ngoài thị trường thì không dám sử dụng, nhưng với sản phẩm tại nông trại Tâm Nông Việt, cũng như những nông trại liên kết, tôi rất tự tin để sử dụng, vì mình đã hiểu rõ được quy trình canh tác. Hiện sản phẩm không chỉ có ở TP.HCM, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; mà còn vươn ra các tỉnh, thành như Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An với khoảng 50% sản lượng. Dung lượng thị trường về nông sản sạch rất lớn, nhưng HTX chưa đủ khả năng sản xuất lớn.
Dù còn nhiều thách thức nhưng, với sự say mê, dám nghĩ, dám làm, đã giúp Quy thực hiện được ấp ủ của một nhà nông mang tâm sáng. Mô hình sản xuất sạch của chàng trai này chính là gợi ý tốt cho những người đam mê, muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
bài và ảnh Anh Tuấn (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Vùng vẫy trước đòn phép của kẻ mạnh
Zuckerberg mất 15 tỷ USD, Facebook bay hơi 120 tỷ do cổ phiếu lao dốc
Đại Sinh – Đèn diệt côn trùng
Yêu – là đừng để phải nói lời hối tiếc
Du học sinh: Ở hay về
Tags:nông nghiệp sạch
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này