
12:40 - 11/07/2016
107 học giả đoạt giải Nobel phản đối chiến dịch chống cây trồng biến đổi gen
Một quan điểm khoa học được thống nhất là công nghệ chỉnh sửa gen trong phòng thí nghiệm “không hề nguy hiểm hơn thay đổi thông qua phương pháp nhân giống truyền thống”.
Trong lúc nhiều nơi trên thế giới biểu tình chống thực phẩm biến đổi gen thì hơn 100 học giả đoạt giải Nobel cùng ký bức thư ngỏ kêu gọi tổ chức Greenpeace (Hòa bình xanh) thay đổi quan điểm phản đối thực phẩm biến đổi gen.
“Chúng tôi kêu gọi Greenpeace nhanh chóng tái đánh giá những trải nghiệm của nông dân và người tiêu dùng trên toàn thế giới về cây trồng, thực phẩm được cải tiến bởi công nghệ sinh học; công nhận những phát hiện nghiên cứu của các tổ chức khoa học có thẩm quyền và cơ quan chức năng; ngưng chiến dịch chống lại cây trồng biến đổi gen (GMO) nói chung và giống lúa/gạo vàng (golden rice) nói riêng”.
Chiến dịch phản đối quan điểm của Greenpeace được khởi xướng bởi Richard Roberts, Giám đốc Khoa học của Viện Nghiên cứu New England Biolabs và Phillip Sharp, chủ nhân giải Nobel Sinh lý học và Y khoa cho công trình khám phá ra chuỗi gen intron.
Nhóm các nhà khoa học ủng hộ chiến dịch này tổ chức buổi họp báo tại Câu lạc bộ Báo chí quốc gia ở thủ đô Washington, Hoa Kỳ.
“Chúng tôi là những nhà khoa học. Chúng tôi hiểu tính logic của khoa học”.
Roberts cho biết thêm, ngoại trừ vấn đề này, ông vẫn ủng hộ nhiều hoạt động khác của Greenpeace.
Theo nhà Sinh học tế bào Randy Schekman, Đại học California tại Berkeley, đoạt giải Nobel Sinh lý học và Y khoa năm 2013, một quan điểm khoa học được thống nhất là công nghệ chỉnh sửa gen trong phòng thí nghiệm “không hề nguy hiểm hơn thay đổi thông qua phương pháp nhân giống truyền thống”.
Danh sách chữ ký trong thư là 107 người, trong số khoảng 296 người đoạt giải Nobel còn sống.
Theo SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này