
14:01 - 27/05/2016
Chuyện chiếc đùi gà ở Trại hè Đại sứ Hàng Việt tí hon
Một chiếc đùi gà trong bữa ăn thật là chuyện quá dễ với nhiều người, nhưng lại là cả một ước mơ của không ít mảnh đời tuổi thơ cơ cực. Bạn có sẵn lòng giúp một chiếc đùi gà, giúp các em nhỏ có một trại hè ý nghĩa?
Đà Lạt, một ngày hè, vào buổi trưa. Cô bé ngồi trước dĩa cơm đùi gà mà vẫn mãi chưa chịu ăn. Xung quanh, mọi người ai nấy đang hăm hở nạp lại năng lượng sau một buổi vui chơi.
“Con ơi, vì sao con không ăn thịt gà đi?”, cô phụ trách lên tiếng.
“Cái này bao nhiêu hả cô?”, cô bé hỏi thay cho lời đáp.
“Con ăn đi, lo chi. Cô chú đã trả tiền rồi mà!”
“Nhưng con muốn biết cái đùi gà này bao nhiêu tiền?”
“À, ừ… chắc cỡ vài ba chục ngàn thôi”.
“Hớ. Vậy là bằng tiền đi chợ của cả nhà con một ngày. Vậy con không ăn đâu, để dành lại cho mẹ và em!”…
Buổi tối, cô bé ngại ngần, rồi ngập ngừng với cô phụ trách.
“Cô ơi! Cho con mượn điện thoại chút”.
“Để chi vậy con”?
“Dạ, con gọi về cho mẹ… Mẹ ơi. Hôm nay con ăn được nguyên cái đùi gà rồi nhé. … Mà ăn thiệt đấy, đùi gà thiệt đấy nhé!”…
Đó không hề là một cuộc diễn trong bất kỳ bộ phim nào cả, cũng chẳng phải là một cảnh tưởng tượng trong tác phẩm văn học.
Đó là một trong vô vàn những câu chuyện cảm động được ghi lại trong trái tim của những người tổ chức chương trình Trại hè Đại sứ hàng Việt tí hon, do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức.
Không có một người chiếc máy quay phim hay ống kính nào bắt lại được khoảng khắc đó cả nhưng tất cả đều đọng mãi trong ký ức của bao người.
Những khoảng lặng chen vào rồi ùa chiếm lấy cả không gian, tan chảy thành những giọt nước mắt lăn dài trên má cùng với cảm giác lành lạnh chạy dọc sống lưng.
Những cảm xúc mừng mừng tủi tủi cứ đến và đi một cách thật tự nhiên. Bao nhiêu lần tổ chức là bấy nhiêu cảm xúc cứ bị dồn nén, rồi lại bùng phát, vỡ òa ra thành những nụ cười, hòa theonhững giọt nước mắt mừng mừng tủi tủi…
– “Cô ơi, con chỉ muốn được gặp mẹ con một lần. Lâu lắm rồi con không được gặp mẹ”.
– “Cô ơi, con thấy cô giống mẹ con lắm. Cô cho con ôm một cái nhé!…
– “Vậy điều ước của con là gì?” – “Con ước nhà con được trúng số”.
“Con chỉ muốn được sờ anh Quyền Linh một cái”.
“Vì sao?”
“Dạ ngoại con bảo anh Quyền Linh hồi đó cũng nghèo lắm lắm, nhưng nay anh ấy giàu có. Con ước chi được sờ anh ấy một cái đặng để được như anh ấy”.
Những cô bé, cậu bé đương tuổi học trò mới lớn, ở các vùng quê miệt vườn miền Tây, chưa một lần đi ra khỏi tỉnh, không biết đến du lịch là gì, đang được hưởng những trải nghiệm thật tuyệt mà cũng thật nao lòng.
Bà Lê Hồng Tâm, phụ trách Câu lạc bộ Đại sứ hàng Việt thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) không cầm nổi xúc động khi kể về những ký ức của các trại hè mà mình đã tổ chức.
Bà Tâm là người phải lặn lội đi tìm và tuyển các ứng viên từ các tỉnh, đến tận nơi kiểm tra để chắc chắn rằng những cô bé, cậu bé được chọn phải là những người nghèo, khó khăn thật sự.
Một lần, bà Tâm kể, sau khi gặp được một cô bé, chuyện trò rồi hỏi thăm nhà, cô bé hăm hở: “Cô lội ruộng đi với con nhé”.
Ừ thì lội. Và rồi, băng qua những mãnh ruộng sung nước, cô bé chỉ: “Đấy, nhà con đấy đấy”.
Ở giữa cánh đồng ngút ngàn ở Đồng Tháp Mười, bà Tâm nhìn mãi chẳng thấy gì cả, ngoài hai ngôi mộ mọc lên phía vùng đất cao.
Một thoáng lạnh người, bà Tâm nắm chặt lấy tay cô bé. Định thần lại, nhìn kỹ hơn, giữa hai ngôi mộ là một chiếc chòi xiêu vẹo…
“Ừ, nhà con đấy”.“Nhưng… chỗ đó thì sao con học bài được?”. “Dạ, được, con thu mình lại như vầy nè…”.
Rồi trò chuyện, rồi …
“Nhưng cô ơi, có nhà bạn kia còn nghèo hơn cả con nữa đấy. Cô mời bạn ấy đi đi”?
Trời đất quỷ thần ơi! Lại còn cả chuyện đó nữa chứ!
Thế rồi, cô bé bỏ xấp vé số vào trong túi, nắm tay … dẫn đi phăng phăng.
Rồi Trại hè Đại sứ hàng Việt tí hon lần thứ 5 đang chuẩn bị được tổ chức. Bỗng nhiên một đoạn phim ngắn xuất hiện và gây nóng sốt có tựa đề “Thì sông cứ chảy”.
Bà Tâm “nhận lệnh” khảo sát và mời một số em ở trong đoạn phim trên tham gia. Và thế là lại lặn lội về Long Xuyên, đến tận nơi để tìm hiểu.
Bà kể mình lại tìm được đến nhà một cô bé và hỏi: “Thế đồ con đâu mà không bận?”
Cô bé chỉ vào người em: “Thì đó, khi nào nó cởi ra giặt đi thì đến lượt con mặc”.
Hỏi ra thì mới biết, cả nhà có ba chị em nhưng chỉ có mỗi hai bộ đồ còn lành lặn.
Thuyết phục bà mẹ trẻ cho con mình đi tham dự trại hè không dễ, không phải vì sợ lạ lẫm mà là vì cô bé đang phụ mẹ làm việc rất được, đi rồi biết lấy ai làm. Mãi rồi mới chịu đồng ý.
Mới đó mà đã một năm, và mùa hè lại đến, Trại hè Đại sứ Hàng Việt tí hon lần thứ 6 lại được tổ chức.
Bà Tâm lại lặn lội đi đến những vùng xa “tuyển quân” là các đại sứ nhí. Mỗi lần đi đó bà lại gặp những cảnh đời mới có các số phận cũ với những câu chuyện khắc khoải của các tỉnh miền Tây.
Đấy là cô bé Cẩm Hằng, học trò giỏi của trường Kế Sách ở Sóc Trăng, có “nụ cười trong veo” nhưng bàn tay sần sù, chai lại đầy những vết cắt.
“Tại con kết cườm phụ mẹ nên kim đâm nát luôn!”.
“Kim đâm sao mà có những vết cứa dài vậy con?”
“… Dạ! Những vết này là con gỡ cá trong lưới ra đó…”
Thế mà Cẩm Hằng vẫn chăm chỉ học, và ráng học cho giỏi để sau này bớt khổ. “Trên vách nhà bằng gạch không tô gồ ghề như rực sáng với chi chít giấy khen dán vội”, bà Tâm kể.
Và Hằng là một trong cả trăm “đại sứ nhí” của trại hè năm nay – 2016, được tổ chức tại Đà Lạt từ ngày 6-10 tháng 6 năm nay.
Mỗi “tấm vé” mang lại tuổi thơ cho các em có trị giá 4,5 triệu đồng, bao gồm tất cả chi phí di chuyển, ăn ở, vui chơi, tham quan, quà cáp… cho các em, và chỉ riêng các em mà thôi. Các nghệ sĩ sẽ đến tham gia hoàn toàn bằng tiến túi của họ.
Bạn có muốn giúp một tấm vé quay về tuổi thơ hay không?
Không cần nhiều nhặn, bạn có thể chia sẻ với tinh thần của ít lòng nhiều. 100.000, 1 triệu đồng, tùy vào khả năng của bạn.
Bạn có thể truy cập vào Facebook Trại hè Đại sứ Hàng Việt tí hon để biết thêm chi tiết!
Trần Phi Tuấn
Theo BSA
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này