
16:30 - 26/07/2016
Chuyện Chiếc Thìa Vàng ở… Địa Trung Hải
Từ vùng đất hứa Israel xa xôi bên bờ Địa Trung Hải, Á hậu Hoàng My – đại sứ chương trình Chiếc Thìa Vàng gởi về những câu chuyện ngập tràn cảm hứng, mà theo lời cô gái tài năng này, là “nhớ Chiếc Thìa Vàng quá chừng chừng!”
– Xin chào Hoàng My, dù ở xứ xa, đại sứ của chúng ta vẫn theo dõi Chiếc Thìa Vàng đầy đủ chứ?
– Tất nhiên rồi. My luôn theo dõi chương trình để biết thí sinh của mình như thế nào chứ! My tải phần mềm ứng dụng (apps) của chiếc thìa vàng (Golden Spoon) để theo dõi cuộc thi. Món ăn bản thân nó đã có sự hấp dẫn riêng.
My thấy hứng thú với những món ăn lạ hoắc chưa bao giờ nghe đến hoặc những nguyên liệu mà các đầu bếp sử dụng chưa bao giờ nghĩ mình có thể ăn được. Bên cạnh đó cũng tò mò đội nào sẽ bước vào vòng trong.
My cũng thường xuyên sử dụng phần mềm của chiếc thìa vàng để học hỏi thêm cách chế tạo món ăn và cách mình có thể kết hợp các gia vị với nhau. Mình nghĩ nếu ai nắm được cách sử dụng các giác vị thì người đó nắm được tuyệt chiêu nấu ăn. Giờ đang chờ đến trận tranh tài miền Trung sắp diễn ra tại Đà Nẵng đây…
– Cho đến giờ, tức là 3 tháng chính thức làm Đại sứ của Chiếc Thìa Vàng rồi, Hoàng My có thể làm một cái “tổng kết” nho nhỏ những việc mình đã làm và những dự định của những tháng tới không?
– Ba tháng mà như một cái chớp mắt nhỉ. My đã ghi hình cùng hướng dẫn nấu bốn món ăn độc đáo cùng với những quán quân của Chiếc Thìa Vàng các năm trước. Chương trình sẽ sớm phát sóng.
Bên cạnh đó My cũng cập nhật tin tức hoạt động đồng hành cùng chiếc thìa vàng của mình trên Facebook Vu Hoang My cho bạn bè đồng nghiệp và những người theo dõi mình như họp báo, các show nấu ăn và vòng sơ kết miền Nam.
Sắp tới My sẽ chia sẽ đi sâu hơn vào chuyên môn, chia sẽ những bí kíp của Chiếc Thìa Vàng trong cách sử dụng gia vị trong các món ăn.
– My từng bảo, chỉ từ khi du học, cảm hứng và tài năng nấu nướng của mình mới được bộc lộ. Bạn có thể kể chi tiết hơn về quá trình này không?
– Có câu “thời thế tạo anh hùng”. My sang Mỹ du học không được mẹ nấu ăn cho nữa, mà ăn ở ngoài suốt chắc sẽ chết sớm. Vào đúng cái thế đó nên anh hùng múa chảo phải xuất hiện thôi. Mới đầu My cũng chỉ ăn những thứ đơn giản nhàm chán như ức gà hấp, rau hấp, trái cây,…
Cho đến một ngày My phải lòng một anh chàng ở Israel. Thấy anh ấy suốt ngày cứ ăn bánh mì với phô mai, ớt chuông và bamba (snack đặc trưng của Israel) nên My thắc mắc lắm.
Hỏi ra mới biết là vì từ xưa mẹ anh ấy nấu ăn không ngon nên anh ấy kén ăn, mấy chục năm rồi chỉ ăn cơ bản và đơn giản thế thôi.
My thấy tội nghiệp quá nên nấu thử cho anh ấy mấy món. Không ngờ anh ấy thích món ăn Việt Nam thật. Kể từ đó My nấu hai người ăn chung cho vui.
My cũng tìm hiểu thêm rất nhiều món trên mạng, cộng với về nhà học thêm của mẹ, của bác, của anh (toàn những chủ nhà hàng) cho nên tay nghề lên chút chút và biết làm nhiều món hơn.
Ẩm thực Địa Trung Hải là một trong những ẩm thực có chất lượng dinh dưỡng rất cao bởi vì họ sử dụng nhiều loại đậu (cheakpie), hạt (vừng) và dầu olive, dầu hạnh nhân.
Việc sử dụng công nghệ để trồng trọt khiến cho chất lượng trái cây của họ cũng rất ngon. Tel Aviv nơi My đang sống là thành phố chính (cùng với Jerusalem) có một nền ẩm thực đa dạng vì nơi đây tập trung nhiều nền văn hóa khác nhau từ những người Do Thái trở về cố quốc.
Ngoài những món ăn đặc trưng của Trung Đông như hummus, falafel, shawama,… Họ còn có những món Âu (pizza, hamburger) và Á (Thái, Nhật).
Thức ăn ở đây rất ngon và khá lạ so với những gì My từng thưởng thức trên khắp thế giới.
“Có dịp sống ở Mỹ và Israel, tôi thấy rằng những món ăn châu Á thực ra rất thu hút và khi mở được quán ngon thì khách đông nghẹt không có chỗ ngồi mà đứng đầu là Nhật, Thái và Việt Nam. Đặc điểm mà người ta nhớ nhất về thức ăn Việt chính là hương vị đậm đà. Ẩm thực Việt Nam đã rất thu hút thực khách quốc tế đặt chân đến nước mình.
Chúng ta đã nhận được những lời suýt xoa khen ngợi không ngớt. Tuy nhiên Việt Nam cần mở rộng thị trường đến các nước khác trên thế giới bằng cách mở các nhà hàng Việt Nam và suất khẩu các nguyên liệu, gia vị từ Việt Nam, clip dạy cách làm món ăn Việt Nam để họ có thể thưởng thức món ăn Việt Nam tại ngay nước họ.
Những nhà hàng đông khách nhất là những nhà hàng có phong cách thân thiện, nhắm tới thực khách trung lưu và khách du lịch một mình. Chính họ là những người thường xuyên viết những phản hồi (review) trên các phần mềm (app) du lịch mà ai cũng nên có du lịch như TripAdvisor, Yelp…”
Á hậu Hoàng My
– Hoàng My là vận động viên chuyên nghiệp, nên nhu cầu dinh dưỡng rất phức tạp. Vậy làm thế nào để vừa đủ dinh dưỡng vừa có bữa ăn ngon nhỉ?
– Thật ra không phức tạp lắm. Mọi thứ cao lương mỹ vị khi vào cơ thể của mình thì cơ bản chỉ quy thành 3 thứ chính để hấp thụ là protein, tinh bột, dầu mỡ, ngoài ra còn có các vi lượng như vitamin và chất khoáng.
Ăn cân bằng đủ 3 protein-tinh bột-dầu mỡ theo tỉ lệ 40% protein-40% tinh bột-20% dầu mỡ hoặc 50-30-20 cộng với bổ sung đầy đủ vitamin là được.
Protein ưu tiên cá, lòng trắng trứng và thịt trắng, tinh bột ưu tiên nhiều chất xơ như gạo lứt, khoai lang trái cây, rau củ đa dạng còn dầu mỡ thì ưu tiên dầu olive, dầu hạnh nhân có chứa nhiều omega 3.
Đặt hết những thứ mà mình có thể ăn tốt cho sức khỏe lên bàn thì sẽ thấy mình có thể làm rất nhiều món ngon.
– My có lời khuyên nào cho các bạn trẻ về chế độ dinh dưỡng để vừa khoẻ vừa đẹp không?
– Nếu không phải là một người mẫu, các bạn nên tập thể dục khoảng 1 giờ một ngày, ba ngày một tuần, tốt nhất là tập yoga và đừng chằm chằm vào việc ăn kiêng mà hãy tạo một thói quen ăn uống vận động.
Ăn vừa đủ, tránh các thức ăn có hại như bột ngọt, rượu mạnh, thuốc lá. Không ăn nhiều đường, thịt đỏ và các thức ăn chế biến sẵn như mì gói, snack, xúc xích, thịt xông khói… nên sử dụng muối hạt và ăn chậm nhai kỹ. Ngủ đủ giấc, lạc quan và sống có ước mơ.
– Đã tham gia nhiều hành trình khám phá ẩm thực Việt Nam, My nhớ nhất là món ăn gì trên những cung đường ấy?
– My thích mấy món ăn dân dã như gỏi củ hủ dừa, cá kho tộ, tôm rim nước dừa. Thưởng thức những món ăn đó trong vườn dừa nữa thì đúng điệu.
Lúc đó chú Yan và My uống một phát hết luôn quầy dừa Bến Tre. Đi xa quê hương kiếm một cái tộ để kho cá thật khó. Mà cũng thật là dừa ở mỗi nơi có mỗi vị khác nhau nên chỉ có làm ở Việt Nam mới ra đúng mùi vị đó.
– My có định học nấu ăn chuyên nghiệp luôn không?
– (Cười lớn) My dự định sẽ ăn chuyên nghiệp, còn nấu thì để My suy nghĩ thêm. Nếu có một cuộc thi nấu ăn cho người nổi tiếng ở Việt Nam thì My sẽ khăn gói tham gia.
– Khi tham gia chấm thi vòng chung kết, giám khảo Hoàng My sẽ quan tâm đến những yếu tố nào nhất của bài thi?
– Xếp từ trên xuống dưới: mùi vị, sự sáng tạo, tốt cho sức khỏe, mùi hương, xúc giác khi chạm lưỡi, và tính thẩm mỹ.
– Chúng tôi có quên hỏi điều gì mà Hoàng My muốn chia sẻ không ạ?
– My muốn nhắn nhủ đến độc giả rằng ẩm thực Việt Nam chính là cái vốn sẽ tạo ra của cải cho chúng ta và cho con cháu chúng ta. Vậy nên mỗi người khi ăn ở đâu ngon nên viết một cái review bằng tiếng Anh trong các phần mềm cho dân du lịch.
Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho tương lai chúng ta. Và cập nhật chương trình Chiếc Thìa Vàng để xem các đầu bếp chế tạo món gì mới nhé!
– Xin cảm ơn bạn.
T.Nguyên thực hiện
Theo BSA.org.vn
Mọi thông tin chính thức về Chiếc Thìa Vàng 2016 vui lòng truy cập:
Fanpage: https://www.facebook.com/chiecthiavang
Ứng dụng Chiếc Thìa Vàng (App Chiếc Thìa Vàng): Độc giả có thể tải miễn phí ứng dụng Chiếc Thìa Vàng về các thiết bị cầm tay chạy hệ điều hành iOS, Android, Windows Phone thông qua App Store, Google Play hoặc Microsoft Store.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này