
10:56 - 27/09/2022
Cái nhãn gây lãng phí thực phẩm
Thế giới lãng phí khoảng 1,4 tỷ tấn lương thực mỗi năm. Chỉ riêng Mỹ thải bỏ lượng lương thực nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới với gần 40 triệu tấn mỗi năm, tương đương là 30 – 40% sản lượng nguồn cung cấp thực phẩm của Mỹ.
Tính theo đầu người, dân Mỹ quăng bỏ hay lãng phí gần 100 ký thực phẩm mỗi năm.
Nhưng ít ai biết rằng hiểu biết của người tiêu dùng về cách ghi nhãn chi tiết và đa dạng ở Mỹ “đóng góp” đến 50% vào lượng rác thải thực phẩm hàng năm ở nước này.
Muôn chuyện tại cái nhãn
Từ khi qua Mỹ định cư, tôi phải làm quen với cách ghi nhãn các loại thực phẩm của người Mỹ. Cách ghi nhãn của họ khá đa dạng.
Use by date (UB): Sử dụng đến ngày. Người dùng nên sử dụng thực phẩm trước ngày ghi trên bao bì. Best before date / Best before (BB): Sử dụng tốt nhất đến ngày. Sản phẩm có thể để đến ngày cuối cùng mà vẫn đảm bảo đạt chất lượng tốt nhất. Còn sau đó, chất lượng sản phẩm sẽ giảm dần. Đối với thực phẩm có hạn BB thì sau thời điểm này thực phẩm vẫn được phép bán ra thị trường nếu nhà sản xuất chứng minh được độ an toàn với cơ quan có thẩm quyền.
Sell by / Sell by date / Display until: Chỉ bày bán đến ngày. Người tiêu dùng có thể sử dụng sau ngày quy định, nhưng chất lượng không còn được đảm bảo.
Expiry date (EXP): Ngày hết hạn. Đến ngày này, chất dinh dưỡng, công dụng hay chất lượng sản phẩm sẽ không còn được đảm bảo.
Manufacture date: Đây là code mà nhà sản xuất dùng để check lô hàng sản xuất, đi kèm với đó là các thông tin về nơi sản xuất, ngày tháng năm sản xuất. Đối với những loại sản phẩm có hạn sử dụng trên 30 tháng không cần ghi hạn sử dụng trên bao bì. Tuy nhiên, các loại thực phẩm chức năng này luôn luôn có mã “batch code”.
PAO (Period After Opening): Hạn sử dụng sau khi mở sản phẩm. Các loại sản phẩm này được ghi rõ hạn sử dụng sau khi mở nắp. Chú ý thông tin này trên bao bì với các ký hiệu quen thuộc như M (month, tháng). Nếu ghi 12M tức là 12 tháng hay 1 năm. Những sản phẩm không ghi PAO thường hạn sử dụng sau khi mở nắp là 3 năm
Daniel Kurzrock, đồng sáng lập của công ty thực phẩm ReGrained và là thành viên Hội đồng quản trị của Hiệp hội Thực phẩm Upcycled, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào việc giảm lãng phí thực phẩm cho rằng: Những lo ngại về ngày tháng ghi trên nhãn hoặc không hiểu rõ về sự liên quan giữa chất lượng thực phẩm và cách ghi nhãn chiếm một nửa tổng số rác thải thực phẩm ở khâu bán lẻ và tiêu dùng.
Lãng phí thực phẩm không chỉ là lãng phí tiền bạc mà còn khiến các bãi chôn lấp tràn ngập, rác thối rữa tạo khí methan – loại khí nhà kính phổ biến thứ hai sau CO2. Nói cách khác, người tiêu dùng góp phần làm khí hậu biến đổi.
Lãng phí thực phẩm là nguyên nhân gây lãng phí nước – nguồn tài nguyên quý giá của Trái đất. Theo Việt Tài nguyên thế giới. Hàng năm thực phẩm thừa đã khiến 24% tổng lượng nước sử dụng cho nông nghiệp (45.000 tỷ gallon, tức 170.000 tỷ lít) “bốc hơi”.

Hai hệ thống Price Chopper và Adam lúc nào cũng có quầy giảm giá trong ngày, có khi là hàng cận date hoặc hàng nông trại kết hợp với chợ giảm giá. Ảnh: Khánh Mai.
Chợ và siêu thị vào cuộc
Chợ Price Chopper / Market 32 có 131 cửa hàng ở khu vực Đông Bắc nước Mỹ. Họ đã cam kết và cùng với hãng bán lẻ Invafresh giảm lượng rác thải thực phẩm tươi sống 20 tấn mỗi tuần. Họ sẽ nâng con số này lên hàng chục lần, dự kiến sẽ giảm hơn 3.000 tấn rác thải thực phẩm trong ba năm tới. “Chúng tôi cùng Invafresh tiếp tục cải tiến trong việc cung cấp các sản phẩm tươi ngon đồng thời hạn chế sự hư hỏng và đổ bỏ thực phẩm ở bãi chôn lấp. Invafresh đã giúp Price Chopper sản xuất số lượng sản phẩm chính xác để đáp ứng nhu cầu khách hàng, giảm nguy cơ lãng phí”, Giám đốc hoạt động bán lẻ Patrick Iannotti của Price Chopper cho biết.
Công nghệ quản lý mặt hàng tươi sống của Invafresh cho phép Price Chopper tích hợp lượng lớn dữ liệu sản xuất tại cửa hàng vào các thuật toán để dự báo thông minh và chính xác, bổ sung đơn đặt hàng, lập kế hoạch sản xuất, quản lý hàng tồn kho, công thức nấu ăn, loại bỏ tình trạng thiếu hàng tồn kho và hỗ trợ hàng lên kệ, tạo điều kiện cung cấp đúng số lượng sản phẩm tươi nhất vào đúng thời điểm.
“Để giành chiến thắng trong cuộc chiến lãng phí thực phẩm tươi sống, phải dự báo chính xác thực phẩm tươi sống bằng công nghệ và dữ liệu, hiểu biết sâu sắc về điều gì làm cho thực phẩm tươi sống trở nên khác biệt ”, Tim Spencer, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Invafresh, cho biết.
Ngày thế giới chống lãng phí thực phẩm
Khi Covid bùng phát, các hãng bán lẻ tại Mỹ phải đối phó với tình trạng nhu cầu tăng vọt. Họ kết nối tất cả các điểm trong chuỗi cung ứng, tìm nguồn cung ứng trực tiếp từ các trang trại và nhà sản xuất và đưa người tiêu dùng đến cửa hàng của họ để mua sản phẩm. Việc thay đổi sinh hoạt của người tiêu dùng đã khiến nhiều nhà bán lẻ thử nghiệm việc giao – nhận hàng ở lề đường.
Tuy nhiên, gần 10,5 triệu tấn thực phẩm dư thừa do chuỗi cung ứng đứt gãy, khoảng 35% trong số đó được đem đi chôn lấp hoặc đốt thành chất thải. Hầu hết là nông sản (32,6%), trong đó sữa và trứng (29,3%) và hàng khô (14,8%). Gần một nửa trong số này là do lo ngại hoặc nhầm lẫn về hạn sử dụng.
FAO elearning Academy đã mở lớp tập huấn và đưa ra Chỉ số thất thoát lương thực trong chuỗi sản xuất và cung ứng cũng như những bài học bao gồm hướng dẫn để thu thập, tích hợp và mô hình hóa dữ liệu cần thiết từ nhiều nguồn khác nhau để giảm thất thoát, chia sẻ tầm nhìn chiến lược ngừng lãng phí thực phẩm khi rác thải thực phẩm đã trở thành đại dịch nghiêm trọng trên toàn thế giới do thiếu hiểu biết về cách sử dụng hiệu quả và bảo tồn thực phẩm. Trước tình trạng lãng phí thực phẩm như vậy, Liên hiệp quốc chọn ngày 29.9 là Ngày thế giới nâng cao nhận thức và hành động chống thất thoát và lãng phí thực phẩm.
Năm 2017, Tập đoàn Compass – dẫn đầu toàn cầu về dịch vụ thực phẩm phục vụ các nhà hàng, quán cà phê, bệnh viện, trường học… với 9,8 triệu bữa ăn hàng ngày – chỉ riêng ở Bắc Mỹ- đã vận động Stop Food Waste Day trên toàn nước Mỹ. Đến nay 40 quốc gia cùng hợp tác để nâng cao nhận thức về vấn đề lãng phí thực phẩm và truyền cảm hứng cho sự thay đổi. Tập đoàn Compass đã cam kết giảm 25% chất thải thực phẩm vào năm 2020 và quyên góp hơn 250.000 pound thực phẩm mỗi năm cho các ngân hàng thực phẩm địa phương.
Nếu chúng ta dừng lãng phí thực phẩm, ít nhất 3 tỷ người có thể nuôi sống. Con số này cao hơn rất nhiều so với con số 925 triệu người được ước tính sẽ đói ngày nay.
Nhưng có lẽ, công cuộc chống lãng phí thực phẩm đều nên bắt đầu từ người tiêu dùng, từ chuyện đầu tiên là đọc hiểu nhãn ghi trên thực phẩm.
Khánh Mai (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Xe công nghệ ‘húc nhau’, người dùng hưởng lợi?
Rau xanh tăng giá những ngày cận tết
Aeon muốn mở 100 siêu thị tại Việt Nam
Người ÊĐê trở lại phiên chợ Xanh – Tử tế
Giá gà công nghiệp rớt thê thảm
Tags:lãng phí thực phẩm
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này