
10:41 - 06/07/2020
Ví điện tử VietJet và thị trường fintech ở Việt Nam
VietJet Air tham gia thị trường ví điện tử không phải là tin quá bất ngờ. Thị trường ví điện tử tại Việt Nam thêm sôi động khi có thành viên thứ 33.

Khuyến mãi hậu hĩnh của các ví điện tử thời gian đầu sẽ tăng người dùng, sau đó chúng sẽ bị xóa không thương tiếc nếu không có khuyến mãi mới.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đặt câu hỏi: Ví điện tử mới có đủ sức cạnh tranh, trở thành siêu ứng dụng đa dịch vụ và tạo chuyển biến trên thị trường công nghệ tài chính (fintech) tại Việt Nam?
Hàng không tiêu dùng đến siêu ứng dụng
Quyết định của hãng hàng không VietJet Air về việc thành lập công ty con cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian – ví điện tử – được công bố hôm 15.6. Công ty có vốn điều lệ 50 tỷ đồng với VietJet Air chiếm tỷ lệ 51%. Tuy nhiên, ý định này đã được “tiết lộ” một cách gián tiếp trước đó hơn ba tháng tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và doanh nghiệp Việt Nam vượt khó trong mùa dịch ở Hà Nội.
Tại cuộc họp, phó Tổng giám đốc Hồ Ngọc Yến Phương nói doanh thu hàng năm của hãng trên dưới 2 tỷ USD với tỷ lệ thu hộ bằng tiền mặt cao. “Việc hạn chế thanh toán tiền mặt giúp giảm ngay nguy cơ lây lan dịch bệnh”, bà Yến Phương phát biểu và mong rằng kế hoạch ví điện tửcủa VietJet được ủng hộ.
Trăm hoa đua nở
Nếu VietJet sớm hoàn tất giới thiệu ví điện tử trong năm nay thì sản phẩm mới – VietJet Pay hay Jet Pay hay VJ Pay – sẽ là thành viên thứ 33 của thị trường trăm hoa đua nở.
Tuy nhiên, cuộc đua giành thị phần phần lớn diễn ra GrabPay by Moca và Momo với các chương trình khuyến mãi khủng và liên tục. Theo công ty nghiên cứu thị trường Cimigo, hiện ba ví điện tử Moca, ZaloPay và Momo chiếm đến 90%.
Grab đổ thêm 500 triệu USD cho kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam, phần lớn tập trung mảng thanh toán. Quỹ đầu tư SoftBank của Nhật Bản và công ty đầu tư GIC của chính phủ Singapore cùng góp 300 triệu USD cho ví điện tử của VNPAY vào tháng 7.2019. Ví Momo cũng huy động được 100 triệu USD từ quỹ đầu tư Warburg Pincus. Rồi NextPay cũng huy động được số tiền khiêm tốn 30 triệu USD để tham gia đường đua khốc liệt.
Thị trường ví điện tử có biến động vào cuối năm 2019 khi Ant Financial của gã khổng lồ Alibaba mua lại lượng lớn cổ phần của ví eMonkey. Thương vụ này được xem sẽ tác động đến hướng đi eMonkey và cạnh tranh thị trường trong thời gian tới.
Những tháng cuối năm 2019, mọi người cũng trông chờ vào sự bứt phá của ví VinID khi Nguyễn Tuấn Anh – một trong những những nhân vật trụ cột của Grab Vietnam và phụ trách về kinh doanh tài chính của hãng – đã đầu quân về Vin. Nhưng rất nhanh chóng, VinID trở thành OneID khi Vin sang tay cho Ngân hàng Techcombank. Vai trò của Nguyễn Tuấn Anh mờ nhạt và không được nhắc đến.
Các chuyển biến mới
Hồi tháng 2 vừa rồi, đại ngân hàng Nhật Bản MUFG công bố sẽ đầu tư 80 tỷ yen, khoảng 727 triệu USD vào siêu ứng dụng Grab. Khoản đầu tư mới của ngân hàng Nhật Bản sẽ giúp Grab tập trung khai phá dịch vụ tài chính và bảo hiểm ở Đông Nam Á.
MUFG sẽ dựa vào hệ thống phân tích dữ liệu và trí thông minh nhân tạo (AI) của Grab để đề ra các gói cho vay và bảo hiểm thích hợp cho thị trường Đông Nam Á rất giàu các khách hàng siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Trong khi MUFG với thế mạnh về ngân hàng số của mình sẽ giúp liên minh MUFG – Grab vượt xa các đối thủ. MUFG hiện đầu tư và mua lại nhiều ngân hàng ở Đông Nam Á như Krungsi của Thái Lan, Bank Danamon của Indonesia…
Trên thị trường Việt Nam, MUFG hiện là một trong hai cổ đông ngoại của VietinBank với 19,73% cổ phần. Ngày 29/5, thông qua môi giới của MUFG, VietinBank và Grab ký thỏa thuận hợp tác chiến lược. Ngày 22/6, VietinBank ký hợp đồng chuyển nhượng 49% vốn điều lệ cho MUFG.
Cũng trong tháng 6, Grab thực hiện một cuộc khảo sát người tiêu dùng về dịch vụ bảo hiểm và trải nghiệm của người dùng ví điện tử Moca. Đồng thời, ví Moca tích hợp trên siêu ứng dụng Grab cũng yêu cầu người dùng cung cấp thông tin và hình ảnh để xác nhận nhân thân trước ngày 7.7.2020 sắp tới. “Thị trường fintech, đặc biệt là mảng tài chính và bảo hiểm, đang trở nên sôi động với các liên kết tay đôi tay ba và hơn nữa”, một chuyên gia fintech tại TP.HCM nhận xét.
Đầu tháng 6, hãng xe công nghệ GoJek cũng công bố nhận được tiền đầu tư của Facebook, Google và Paypal, nhưng không nói rõ số tiền. Đây cũng là tín hiệu hãng xe công nghệ đang thúc đẩy triển khai thanh toán điện tử GoPay tại Việt Nam.
Lớn hay ngách?
Đó là câu hỏi không dễ dàng cho tham vọng đứng đầu của bất cứ ví điện tử hay công ty fintech nào. Grab khi muốn trở thành siêu ứng dụng đa dịch vụ đã không thể bao quát hết mọi sản phẩm và dịch vụ mà họ cung cấp. Chẳng hạn ở mảng đặt khách sạn, Grab tích hợp đến ba trang đặt phòng đó là Booking, Agoda và Oyo. Ông Tim Dương, đại diện của “gã khổng lồ” Booking tại Việt Nam, nói với TGHN rằng: “Các dịch vụ chăm sóc khách hàng đều đo nhân viên Booking tự thực hiện. Dù công ty mẹ của Booking đầu tư vào Grab, nhưng chúng tôi đang ký gửi dịch vụ của mình trên ứng dụng Grab. Tương tự như vậy khi hai chuỗi đặt phòng giá rẻ là Oyo và RedDoorz ký gửi hàng trên trang mạng Booking”.
Hay câu chuyện của Baemin Vietnam. Ứng dụng này chỉ tập trung vào mảng giao nhận thức ăn. Dù có sự hậu thuẫn của Hero Delivery từ Đức với thỏa thuận đến 4 tỷ USD, tại Việt Nam ứng dụng này chỉ từ từ mà tiến. Cuối tháng 6, họ mới mở rộng dịch vụ đặt đồ ăn và đi chợ cho người dùng Hà Nội sau một năm có mặt ở TP.HCM.
Rủi ro lớn nhất của mảng fintech là sự trung thành của người dùng, bởi họ có thể xóa ứng dụng khi được những khoản tiền tặng hay khuyến mãi khi lần đầu sử dụng. Nhưng đây cũng là cơ hội cho các ứng dụng hay ứng dụng khác phát triển. “Điều quan trọng là các ví điện tử phải luôn như hoa tỏa hương, để người dùng không đành vất đi hay xóa bỏ không thương tiếc”, chuyên gia fintech tại TP.HCM nhận xét.
Hồ Nguyên Thảo (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này