
22:49 - 25/08/2015
Sơn Sapa và Chiếc thìa vàng miền núi
Hình ảnh người đầu bếp tuổi con gà dắt theo con gà đi thi thuyết trình, có lẽ là hình ảnh ngộ nghĩnh nhất của Chiếc thìa vàng.
Hôm nay, sẽ có kết quả sơ tuyển khu vực cao nguyên Bắc bộ của Chiếc thìa vàng 2015.
Đây cũng là khu vực thi với những bất ngờ mang tính ngẫu hứng nhất: món ăn từ truyền thuyết của loại rau chỉ mọc trên đỉnh núi phủ tuyết, loại rượu chỉ có già làng người dân tộc mới nắm giữ bí quyết chưng cất…
Chuyện của Sơn Sapa
Năm 2014, ban giám khảo vòng thi chung kết đã phải “phát sinh” thêm một giải thưởng dành cho đội thi đến từ Sapa: Bảo Châu Boutique.
Họ chưa đủ xuất sắc để chạm tay vào giải thưởng 1 tỉ đồng, nhưng lại đủ niềm say mê để truyền cảm hứng cho bất kỳ ai muốn đến với nghiệp đầu bếp. Năm nay, bếp trưởng tên Sơn của nhà hàng nhỏ xíu này cũng trở lại với Chiếc thìa vàng.
Sơn thu hút sự chú ý của mọi người khi vào đến vòng thi bán kết phía Bắc năm 2014 bằng cách mang theo một con gà trống cột dưới một buồng chuối.
Người ta tò mò, không biết anh sẽ nấu món gà gì, chế biến gì với trái chuối. Nhưng không, anh mang con gà đi theo cho… vui, vì nó là con gà mà mẹ anh ở quê mới gởi lên cho hai vợ chồng.
Còn nải chuối, là anh ra chợ thấy ngon quá nên mua về để đó, ai ghé qua bàn dự thi của anh thì được mời ăn lấy thảo. Hình ảnh người đầu bếp tuổi con gà dắt theo con gà đi thi thuyết trình, có lẽ là hình ảnh ngộ nghĩnh nhất của Chiếc thìa vàng.
Bởi vậy, nên chúng tôi chơi với Sơn. Nhà nghèo xác xơ, hai mẹ con nương nhau mà sống. Chưa kịp lớn thì Sơn đã đi rửa bát thuê ở các nhà hàng trong vùng, và từ vị trí rửa bát, anh tiến dần, tiến dần lên vị trí bếp trưởng. Rồi Sơn lọ mọ đi học tiếng Anh. Cả ngày đi làm, tối về học. Anh bảo, cứ ráng thôi.
Rồi Sơn lấy vợ, cũng là đầu bếp, một cô gái Hà thành xinh đẹp. Nhưng hai vợ chồng quyết định lên Sapa dựng nghiệp. Họ cứ lụi cụi làm việc, từ việc lớn tới việc nhỏ, từ việc có tên tới không tên, để giờ sở hữu một nhà hàng nhỏ, nhìn ra cả cái thung lũng Mường Hoa xinh đẹp.
Nhưng hành trình học hỏi của họ không dừng lại, khi suốt một năm nay, mở Facebook lên là thấy Sơn đang ngồi ở một góc núi nào đó, đang cùng người dân xứ lạ nấu thử một món chưa có tên gọi trên bản đồ ẩm thực. Anh bảo, sẽ ráng đi hết nước mình để học nấu ăn từ nguồn tài sản vô tận trong dân gian…
Bữa tiệc huyền diệu
Lần thứ hai trở lại Lào Cai, cũng là chặng thứ năm của Hành trình gia vị Việt, cụm cao nguyên Bắc bộ có Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên tham dự.
Nhìn vào thực đơn các đội gửi về dự thi, đã xuất hiện những tên món ăn đậm bản sắc vùng cao: gà nướng mắc khén ăn kèm cơm gạo séng cù, bánh sữa đào (KS Sapaly), ức vịt bản Tả Van nướng với xốt chanh leo và củ gừng tươi, bánh trà xanh Sapa và phomat (KS U Sapa), nộm rau dớn tôm thịt – canh tiết cà đắng, lẩu gà bản ăn kèm bún (KS Châu Long), xúp nấm Sapa, lợn bản hấp hạt dỗi ăn kèm cơm lam – canh khủ khởi (KS Amazing), chả cá tầm – nộm măng rừng, lươn Tả Van om củ chuối rừng, đùi gà đen nhồi xôi nướng – canh nấm hương (KS Red Dao), cá ngừ cuộn cải mèo ăn kèm khoai lang, sườn nướng rau răm ăn kèm cơm gạo nương – canh rau khủ khởi (NH Bảo Châu Boutique Sapa)…
Nghệ nhân ẩm thực, giám khảo chuyên môn ông Chiêm Thành Long là người dày dặn kinh nghiệm về “gia vị”, cho biết: “Qua các cụm thi vừa rồi, nhìn chung các đội thi đã hưởng ứng tốt trong việc tìm kiếm và giới thiệu những loại gia vị mới lạ tạo nên nhiều món ăn độc đáo ngon lành và tốt cho sức khoẻ.
Nhiều đầu bếp đã tìm tòi sử dụng những loại lá hay trái mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới là có thể dùng để làm gia vị được. Những phát hiện, nghiên cứu để sử dụng các loại gia vị mới như vậy, hoặc kỹ thuật chế biến giỏi, đột phá trong việc dùng nguyên liệu dễ kiếm, gia vị quen nhưng cho món ăn mới lạ, nâng tầm món ăn truyền thống… là những điểm cộng mà ban giám khảo sẽ lưu ý”.
Qua nửa chặng đường của “Hương vị quê nhà – Hành trình gia vị Việt”, cuộc thi Chiếc thìa vàng năm 2015 đã thu hút 200 đầu bếp thuộc 97 đội thi từ 22 tỉnh/thành, mang đến hơn 400 món ngon và đặc sản địa phương.
Điều thú vị là trên nền những món ăn truyền thống và nguyên liệu quen thuộc, các đầu bếp đã vận dụng các kỹ thuật chế biến mới để kết hợp với các loại gia vị từ lá, hoa, trái, hạt lạ lẫm (như: trái bần, trái chay, lá chúc, lá dít, gai xưng, lá sâng, nấm tràm, nấm tổ ong, cỏ xước, sim, tiêu sả…), trang trí hiện đại để làm nên những món ăn độc đáo, khẩu vị mới lạ, ngon lành trên các bàn tiệc đẹp mắt và sáng tạo. Những tìm tòi và sáng tạo ấy đã thuyết phục ban giám khảo trao 40 tấm vé vào bán kết cho các đội miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam.
Trần Nguyên – Thái Nguyễn; ảnh Việt Thái
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này