
08:52 - 14/10/2019
Singapore: tăng hợp tác khởi nghiệp với San Francisco
Thứ ba 24/9/2019, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp Singapore, Enterprise Singapore (ESG) đã công bố chương trình hợp tác khởi nghiệp với TP San Francisco.
Chương trình giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp có trụ sở tại Singapore thành lập công ty tại San Francisco.
Liên doanh có tên “500 Startups”, một công ty liên doanh giữa ESG và thung lũng Silicon HK và tổ chức gia tốc hạt giống có trụ sở tại thung lũng Silicon và Enterprise Singapore (ESG) đã cùng nhau quản lý Global Launch, một chương trình tăng tốc mới của Chính phủ Singapore.
Bắt đầu từ tháng 11/2019, có 20 startup sẽ được chọn để nhận sự huấn luyện của chương trình hợp tác này, gồm có:
– Tuần đầu tiên là các hội thảo diễn ra trong một tuần, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tạo ra chiến lược thị trường cho Mỹ.
– Một trại khởi động kéo dài hai tuần, nơi các startup sẽ được đào tạo về bán hàng, tiếp thị và quảng cáo. Sau đó, họ sẽ tham gia vào mạng lưới kinh doanh, quảng cáo và sẽ trình bày ý tưởng của mình cho các nhà đầu tư.
– 500 Startups sẽ cố vấn phát triển kinh doanh khởi nghiệp cho 20 startup này, giao lưu, lắng nghe và tư vấn cho họ về xu hướng kinh doanh và công nghệ, hỗ trợ tiếp thị cho các đối tác, cũng như cố vấn hệ sinh thái khởi nghiệp trong chương trình dài 16 tuần.
Là một phần của quan hệ đối tác hai chiều, cũng chính 500 Startups sẽ hỗ trợ các công ty khởi nghiệp toàn cầu đang tìm cách lập công ty tại Singapore, cũng bằng một chương trình huấn luyện dài 16 tuần. Họ sẽ được tham gia các hội thảo để xử lý kinh doanh trong khu vực châu Á, được cố vấn và được lựa chọn kết nối với các chuyên gia trong ngành và các tập đoàn đa quốc gia, các công ty lớn trong ngành. Ông Peter Ong, chủ tịch ESG, cho biết sự hợp tác này cho phép các công ty khởi nghiệp Singapore hình thành nhanh quan hệ đối tác mới và kết nối với các nhà đầu tư ở thung lũng Silicon. Ngược lại, các công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Hoa Kỳ, được khuyến khích sử dụng hệ sinh thái Singapore như một nền tảng, để mở rộng hơn nữa vào khu vực Đông Nam Á.
Dòng chảy trao đổi hai chiều sẽ củng cố vị trí của Singapore như là một “hub” toàn cầu của châu Á về công nghệ, đổi mới và doanh nghiệp.
Malaysia: Internet vạn vật giải quyết vấn nạn giao thông
Hệ thống nhận dạng và phân tích lưu lượng thông minh (STARS) là một ứng dụng thực tế của công nghệ hiện đại. Nội dung của giải pháp này là: đèn giao thông công lộ phản ứng với dữ liệu (theo thời gian thực) do máy ảnh và cảm biến thu thập, sẽ giúp giảm bớt tắc nghẽn giao thông, giảm lượng khí thải phát ra khi xe cộ ùn tắc. Ở các thành phố như Bangkok, Jakarta, Kuala Lumpur và Singapore, tắc nghẽn giao thông là một phần của cuộc sống đến nay vẫn rất khó giải quyết.
Một trong những lý do khiến Indonesia chuyển thủ đô từ Jakarta đến Đông Kalimantan ở Borneo, là do vấn đề tắc nghẽn giao thông trong thành phố và hậu quả của nó đối với môi trường.
Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia cũng đã làm việc với một công ty công nghệ Trung Quốc trước đây, tạo ra một giải pháp dựa trên trí tuệ nhân tạo. Chính phủ hiện nay đang hợp tác với công ty viễn thông địa phương, để phát triển một giải pháp giám sát giao thông thông minh.
STARS tận dụng internet của vạn vật (IoT) và tính toán dữ liệu từ máy ảnh và cảm biến, rồi truyền dữ liệu lên đám mây, sau đó chạy các mô phỏng phức tạp nhưng thông minh để điều khiển đèn giao thông – tạo ra một vòng khép kín, và hệ thống IoT sẽ quản lý từ đầu đến cuối.
STARS đã được thử nghiệm ở nhiều tỉnh của Malaysia từ năm 2016, và gần đây, đã chứng minh hiệu quả bằng cách giảm thời gian ùn tắc giao thông dọc theo đường Persiaran Multimedia, đường chính ở tỉnh Cyberjaya, hơn 65%. Giải pháp giúp tăng sự hài lòng của công chúng, giảm phát thải liên quan đến tắc nghẽn giao thông, cũng như giảm chi phí vận hành chung, và hỗ trợ tối ưu hoá giao thông và các dự án quy hoạch thị trấn trong tương lai.
Ra mắt lần đầu tiên năm 2016, giải pháp hiện đang theo dõi hơn 130 nút giao thông trên bốn đô thị ở Cyberjaya (Cyberview), Kelantan (Jabatan Kerja Raya Kelantan), Pengerang (Johor Corporation) và Penang (Majlis Perbandaran Seberang Perai), và theo dự tính, nó sẽ triển khai tới 1.800 nút trên toàn quốc. Công ty tin rằng giải pháp cuối cùng có thể được triển khai tới khoảng 1.800 nút giao trên toàn quốc.
Trong tương lai, Malaysia và các quốc gia khác ở châu Á dự kiến sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ việc triển khai các giải pháp hỗ trợ Internat vạn vật kết hợp với các công nghệ khác như điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo, để giảm tắc nghẽn giao thông và giúp di chuyển hiệu quả hơn.
Indonesia và UAE bàn việc hợp tác về công nghệ và kinh tế số
Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Indonesia, ông Rudiantara gần đây đã cho biết: Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) quan tâm đến sự phát triển nền kinh tế kỹ thuật số Indonesia.
Ông đã tổ chức một cuộc họp song phương với bộ trưởng Trí tuệ nhân tạo (AI) của UAE, ông Omar Sultan Al Olama, trong lúc họ cùng họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc.
Cuộc họp thảo luận về việc sử dụng AI trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là cải thiện dịch vụ công cộng. Hai bộ trưởng đã đồng ý phát triển các sáng kiến sẽ giảm khoảng cách giữa chính phủ và khu vực tư nhân trong việc sử dụng công nghệ. UAE cũng quan tâm đến sự phát triển của hệ sinh thái kinh tế kỹ thuật số ở Indonesia, đặc biệt là về hệ sinh thái khởi nghiệp. Hệ sinh thái khởi nghiệp Indonesia đã cho ra đời được ba dự án có giá trị tỷ USD (kỳ lân).
Một hội nghị thượng đỉnh các chính phủ thế giới sẽ được tổ chức vào cuối năm 2020, nhằm thu hẹp khoảng cách giữa chính phủ và các tập đoàn. Đây là một nền tảng toàn cầu để định hình tương lai của các chính phủ trên toàn thế giới.
Vũ Khánh Thọ (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này