
09:28 - 16/05/2019
‘Láng giềng’ đang đầu tư mạnh cho AI
Cuộc đua làm chủ trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng định hình sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Kai-Fu Lee, cựu lãnh đạo Google ở Trung Quốc, lập luận rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tham gia một cuộc chạy đua vũ trang về AI.

Nhà mạng di động hàng đầu Thái Lan hợp tác với các công ty IT dẫn đầu là IBM và Brainergy để đưa ra UIH AII Cloud, một loạt dịch vụ đám mây được thiết kế đặc biệt giúp cho doanh nghiệp chuyển đổi số tại Thái Lan.
Cả hai quốc gia trên đều đầu tư vào AI và ngày càng cảnh giác với sự can thiệp của nước ngoài. Vào tháng 11/2018, Mỹ cáo buộc một công ty nhà nước Trung Quốc cố gắng ăn cắp bí mật thương mại từ một công ty sản xuất chất bán dẫn của Mỹ – một công nghệ quan trọng để phát triển AI và một lĩnh vực mà Trung Quốc ráo riết cạnh tranh với Mỹ.
Các quốc gia khác, bao gồm Canada, Pháp và Ấn Độ, đã phát triển các chiến lược quốc gia cho AI. Nhà đầu tư mạo hiểm Ian Hogarth dự đoán sự xuất hiện của “chủ nghĩa dân tộc AI” nơi các quốc gia định hình các chính sách cấp quốc gia và cạnh tranh, để giành quyền tối cao. Điều này dường như không phải cường điệu. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng quốc gia đạt được sự thống trị của AI sẽ là người thống trị thế giới.Nhu cầu về dữ liệu chất lượng cao và số lượng lớn đã tạo ra một loại tiền tệ mới của quyền lực nhà nước. Giống như dầu hoả trước đây đã định hình nền ngoại giao quốc tế trong quá khứ, thì ngày nay, các liên minh mới sẽ ngày càng chồng chéo với sự cạnh tranh và hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật số, trong đó lãnh vực đang được quan tâm nhất là trí tuệ nhân tạo.

Cơ quan AI Singapore công bố chương trình mới và đối tác mới với Ocean Protocl, để phát triển tài năng nghiên cứu AI và tăng tốc đổi mới phát triển AI đối với cuộc chuyển đổi kinh tế.
Singapore: Cấp bằng sáng chế AI chỉ… 6 tháng
Văn phòng Sở hữu trí tuệ Singapore (IPOS) vừa công bố vào ngày 26/4/2019, rằng họ sẽ tăng tốc hỗ trợ cho các ứng dụng bằng sáng chế liên quan đến AI chỉ trong sáu tháng. Đây là thời gian cấp nhanh nhất trên thế giới.
Sáng kiến này nhằm tăng tốc AI, để bổ sung khả năng cho Singapore hướng tới nền kinh tế kỹ thuật số. Hiện nay, AI là một lãnh vực hoạt động rất mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, và các nhà sáng chế luôn muốn đưa sản phẩm AI của họ có mặt thật nhanh trên thị trường toàn cầu. Giờ đây, với tuyên bố của Singapore, một hub uy tín về công nghệ trên thế giới, các nhà đổi mới sáng tạo có thể hy vọng các bằng sáng chế AI của họ sẽ được cấp trong vòng sáu tháng, thay vì thời gian thông thường ít nhất là hai năm trở lên.
Theo một báo cáo vào năm 2017 của IPOS, AI có khả năng tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Singapore, từ 3,2% lên 5,4% vào năm 2035.
Động lực hướng tới AI đang được chính phủ vạch ra với một kế hoạch chi tiết về chuyển đổi kỹ thuật số dự định kéo dài năm năm (2018 – 2023), vừa được đưa ra vào năm ngoái, để các bộ và cơ quan áp dụng.Các công ty Singapore có các kế hoạch phù hợp với lộ trình này. Thực tế là 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông, bảo hiểm, tài chính, công nghệ thông tin và bán lẻ, đã áp dụng các giải pháp AI, 30% còn lại cũng đang ráo riết chuẩn bị để áp dụng các giải pháp AI vào giữa năm nay.
Sáng kiến này của IPOS củng cố cam kết của Singapore trong việc giúp các sáng kiến về AI tiến nhanh vào thị trường.
Ông Daren Tang, giám đốc điều hành IPOS, cho biết: “AI đang trở thành một trong những động lực lớn nhất của sự thay đổi công nghệ và xã hội trên thế giới, và nó sẽ ngày càng củng cố nỗ lực của Singapore, để xây dựng một nền kinh tế kỹ thuật số”.
Sáng kiến này cũng sẽ được mở rộng cho các nhà đổi mới sáng tạo về công nghệ AI bên ngoài Singapore, tạo điều kiện cho họ sử dụng Singapore làm căn cứ để tiếp cận, nhanh nhất có thể được, thị trường mà họ quan tâm. Chính phủ Singapore biết rằng, điều này sẽ củng cố cho Singapore vai trò một trung tâm AI cho các công nghệ tiên tiến.
Theo IPOS, số lượng các công ty triển khai các giải pháp AI trên toàn cầu đã tăng 270% trong bốn năm qua và tăng gấp ba lần chỉ trong năm 2018, với trung bình tỷ lệ là hai trong số năm doanh nghiệp triển khai AI dưới hình thức nào đó.
Sự quan tâm to lớn đối với AI thể hiện rõ nhất từ các hoạt động cấp bằng sáng chế trên toàn thế giới. Hơn 180.000 phát minh liên quan đến AI đã được công bố trên toàn thế giới từ năm 2008 – 2017, với tốc độ tăng trưởng hàng năm hơn 20% trong năm năm qua. Với các hoạt động đổi mới, ngành công nghiệp AI toàn cầu được dự đoán trị giá 190 tỷ USD trong năm 2025, với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm là 37% từ năm 2017 – 2025.
Thái Lan: Xây dựng nền tảng đám mây hỗ trợ AI
Tạo nền tảng đám mây để tương tác với AI là nỗ lực lớn của Chính phủ Thái Lan. Nền tảng mới này cung cấp một loạt các dịch vụ đám mây cho cả khu vực công cộng và tư nhân, và dự kiến sẽ cho phép các tổ chức tư nhân khác cũng có thể cung cấp giải pháp đám mây trong nước, trên nền tảng tiêu chuẩn được minh thị chung của quốc gia. Giám đốc điều hành trung tâm dữ liệu Thái Lan, trong một phát biểu mới đây, đã lưu ý rằng năm 2019, doanh thu từ dịch vụ đám mây ở Thái Lan có mức tăng trưởng trung bình 31,5%.
Sự tăng trưởng dự kiến còn có thể tăng vượt quá mức này, nếu có một dịch vụ đám mây an toàn và có thể mở rộng với khả năng cung cấp cơ sở hạ tầng, nền tảng và dịch vụ phần mềm và có thể hỗ trợ cho nhiều bên thuê sử dụng dịch vụ của một bên thuê từ cả khu vực tư nhân và công cộng. Thông qua sự hợp tác với các công ty thương mại điện tử, trung tâm dữ liệu quốc gia giờ đây có thể cung cấp nền tảng đám mây đẳng cấp thế giới cho các nhà khai thác dịch vụ trong nước, cho phép các tổ chức và doanh nghiệp công, tư được hoạt động với nội dung truyền thông có tuỳ chọn, để bảo mật dữ liệu của họ trong nước.
Điều này hứa hẹn thu hút các khoản đầu tư vào nước này, và cuối cùng người Thái kỳ vọng có thể từ đó biến Thái Lan thành tâm điểm của Đông Nam Á.
Mục đích cuối cùng là cung cấp cho các doanh nghiệp địa phương những giải pháp đám mây thông minh và an toàn, với chi phí thấp hơn, cho phép họ cải thiện hiệu quả và hiệu suất của mình, từ đó cho phép các công ty tư nhân Thái Lan duy trì lợi thế cạnh tranh trong kỷ nguyên chuyển đổi kỹ thuật số.
Với sự phát triển nhanh chóng trong nền kinh tế kỹ thuật số ở Thái Lan, quốc gia này đang cần các dịch vụ đám mây thông minh để thúc đẩy tiềm năng kinh tế của Thái.
Người ta tin rằng, sự hợp tác này sẽ cho phép ứng dụng được nhiều chức năng, công dụng của AI: nhận diện khuôn mặt, giải pháp bán lẻ thông minh và mạng phân phối nội dung.
Với chương trình hợp tác mới này, chính phủ và các doanh nghiệp Thái Lan mong muốn khai thác hết tiềm năng của công nghệ thông tin để tạo ra chính phủ điện tử và doanh nghiệp điện tử. Trong thời gian 10 – 20 năm nữa, Thái Lan sẽ là một quốc gia thông minh, với nhiều ứng dụng cung cấp bởi AI và các công nghệ mới khác. Các dịch vụ như AI, phân tích dữ liệu lớn, phân tích video và quản lý nền tảng IoT, sẽ được phân phối dưới dạng dịch vụ đám mây.Đầu tư vào điện toán đám mây là động lực hiện thực hoá các mục tiêu chuyển đổi số.
Vũ Khánh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này