
10:13 - 01/07/2019
Huawei vẫn nằm trong danh sách đen, vẫn bị hạn chế mua sản phẩm của Mỹ
Quyết định của Trump để cho Huawei tiếp tục được mua sản phẩm của Mỹ ‘không phải là một lệnh ân xá chung,’ Kudlow nói.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, vừa lên tiếng đáp lại những chỉ trích về quyết định gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump khi cho phép gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei tiếp tục mua sản phẩm của Mỹ.
Quyết định của ông Trump là một phần trong thỏa thuận đình chiến cam kết với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị G-20 tại Nhật Bản cuối tuần qua nhằm giảm căng thẳng thương mại giữa hai nước.
Kudlow cho biết chính quyền Mỹ không loại bỏ Huawei khỏi danh sách đen ngăn chặn mua phần lớn các loại sản phẩm của Mỹ.
Cách hiểu đơn giản về tuyên bố của tổng thống Trump là Bộ Thương mại sẽ cấp thêm giấy phép để cho phép các công ty Mỹ bán các sản phẩm cho Huawei nếu các loại sản phẩm đó không gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, Kudlow nói.
“Đây không phải là một lệnh ân xá chung, nếu bạn có ý nói vậy,” Kudlow nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox News Sunday. “Huawei vẫn nằm trong danh sách các thực thể bị kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt và nằm trong các kết luận hay đề xuất an ninh quốc gia có thể sẽ không cấp cho bất kỳ giấy phép nào.”
Trump cho biết ông đã quyết định cho phép Huawei mua sản phẩm Mỹ theo yêu cầu của “các công ty công nghệ cao” của Mỹ, tuy nhiên, ông cũng nói chính quyền sẽ nhóm họp để thảo luận một kế hoạch đầy đủ.
“Chúng tôi đã đề cập đến Huawei. Tôi đã nói rằng sẽ phải bảo lưu vấn đề cho đến khi thỏa thuận thương mại cuối cùng được thông qua, ông Trump nói trong một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh.
Quyết định của Trump ngay lập tức bị đảng Cộng hòa chỉ trích. Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói Quốc hội nên đặt lại hạn chế đối với Huawei bằng cách thông qua luật với “quyền phủ quyết đa số lớn”.
Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn – đại diện cho 95% ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ bao gồm các công ty chip như Broadcom, Qualcomm và Intel – đã phản ứng tích cực với thỏa thuận của Trump, nhưng nói muốn biết thêm chi tiết về kế hoạch liên quan đến Huawei.
“Chúng tôi ủng hộ việc khởi động lại cuộc đàm phán và tạm dừng áp thuế bổ sung, và chúng tôi mong muốn nhận được thông tin chi tiết hơn về những nhận xét của tổng thống liên quan đến Huawei”, ông John Neuffer, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Hiệp hội cho biết.
Trước đó, quyết định đưa Huawei vào danh sách đen được cho là đã buộc các công ty bán dẫn phải cắt đứt quan hệ với hãng viễn thông Trung Quốc và gây ra làn sóng bán tháo cổ phiếu chip.
Danh sách đen cũng đã làm tổn thương Huawei. Người sáng lập kiêm CEO Huawei Nhậm Chính Phi cho biết công ty đang cắt giảm sản lượng và dự kiến có thể mất 30 tỷ USD trong hai năm tới. Huawei cũng tuyên bố rằng họ có thể phải hủy bỏ một dự án máy tính xách tay mới.
Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về các mối đe dọa đối với công nghệ Mỹ vào ngày 15/5 và Bộ Thương mại sau đó đã thêm Huawei vào danh sách đen, điều này ngăn các công ty Mỹ bán hoặc chuyển giao công nghệ cho Huawei trừ khi họ được cấp giấy phép đặc biệt.
Washington cũng tìm cách dẫn độ CFO của Huawei – bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) từ Canada với các cáo buộc sử dụng các biện pháp gian lận ngân hàng để giao địch với Iran bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Mạnh là con gái của người sáng lập và CEO của Huawei, Nhậm Chính Phi.
Mỹ cũng cáo buộc Huawei về cơ bản là một nhánh của tình báo Trung Quốc và đã tìm cách gây áp lực để các nước khác hạn chế kinh doanh với công ty này.
Duy Khiêm (theo TGHN/CNBC)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này