
11:05 - 02/12/2015
Để vườn ươm tạo Việt Hàn đi vào thực chất
Ngày 1/12/2015, tại TP Cần Thơ, một lần nữa Trung tâm phát triển vườn ươm tạo công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (KVIP – Korea Viet Nam Incubator Park) giải thích cơ chế đặc thù và cách vận hành Vườn Ươm.
Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, có ý tưởng mới, có khả năng thương mại hóa sản phẩm, thuộc các lĩnh vực: Cơ khí, chế biến nông sản, thủy sản khi đăng ký tham gia ươm tạo sẽ được hỗ trợ.
Ông Phạm Minh Quốc, giám đốc KVIP cho biết: “Ngày 30/7/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có Quyết định 1193/QĐ-TTg về việc thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển KVIP: Doanh nghiệp khi tham gia vào vườn ươm được hỗ trợ miễn phí văn phòng làm việc (không quá 60m2); chi phí thuê máy móc, thiết bị của vườn ươm được hỗ trợ tối đa 50%, hỗ trợ tối đa 50% kinh phí cho các hoạt động chuyển giao công nghệ, nghiên cứu làm chủ công nghệ, mua vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu sử dụng trong quá trình thực hiện nghiên cứu thí điểm tại các cơ sở phòng thí nghiệm của Vườn ươm.
Quy trình ươm tạo tại Vườn ươm này chia làm 3 giai đoạn: 1/Tiền ươm tạo (DN đăng ký tham gia, xét tuyển, tham gia vào vườn ươm); 2/Ươm tạo 3 năm (Sản xuất, thử nghiệm, chế biến, chế tạo sản phẩm, giới thiệu ra thị trường, đánh giá kết quả); 3/Hậu ươm tạo (DN sau khi kết thúc giai đoạn ươm tạo và được chứng nhận tốt nghiệp, rời khỏi khu vực ươm tạo và có thể thuê đất tổ chức sản xuất kinh doanh đối với sản phẩm đã được ươm tạo).
Chính phủ còn hỗ trợ có mục tiêu từ nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác để UBND TP Cần Thơ xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu vườn ươm với diện tích khoảng 200ha và giao cho Ban quản lý Vườn ươm quản lý để phục vụ cho doanh nghiệp thuê đất xây dựng nhà xưởng sản xuất thương mại hóa sản phẩm vừa được ươm tạo tại vườn ươm, doanh nghiệp được miễn tiền thuê đất 5 năm đầu và giảm 50% trong 5 năm tiếp theo; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 10%; được hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo ngắn hạn cho cán bộ nghiên cứu, quản lý…
Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty thủy sản Cafatex, cho rằng Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) được hỗ trợ như vậy là rất có ý nghĩa, theo ông nên có hội thảo gợi ý về ý tưởng mới cho các cá nhân và doanh nghiệp, nên thành lập bộ phận hỗ trợ DNVVN về ý tưởng, kết nối ý tưởng DN, Viện trường các trung tâm khác về 3 lĩnh vực trên..
Ông Đào Chí Nghĩa, Chủ tịch Hội sinh viên TP Cần Thơ mong muốn các ý tưởng của sinh viên, tổ hợp tác của sinh viên cũng sẽ được KVIP quan tâm hỗ trợ trong thời gian tới. TS Võ Minh Trí, Khoa Công nghệ – trường ĐH Cần Thơ, cho rằng DNVVN vẫn thường đi mua công nghệ, vấn đề đặt ra là làm sao đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu từ các nhà khoa học và làm sao tổ chức các cuộc hội thảo hoặc tìm các ý tưởng gắn với nhu cầu thực tế, giải quyết vấn đề thực tế sản xuất và thị trường giải các bài toán về nông nghiệp – nông dân ở ĐBSCL. Ông cảnh báo, nếu không khéo sẽ có trường hợp thông qua KVIP chỉ để tận dụng các chính sách ưu đãi.
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ hứa: “Sắp tới, chúng tôi sẽ thành lập bộ phận thu thập ý tưởng và hỗ trợ mời các chuyên gia tư vấn cho KVIP, đồng thời tổ chức các hội thảo giới thiệu KVIP cho các doanh nghiệp, các hiệp hội, sinh viên và mở rộng phạm vi ĐBSCL” .
NGỌC BÍCH
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này