
10:00 - 02/01/2017
Xuất khẩu năm 2017 có thể tăng trưởng 8,5-10%
Bất chấp việc không TPP và một số thị trường bị thu hẹp, nhưng về tổng thể, “bức tranh” XK năm 2017 của doanh nghiệp Việt Nam (DN VN) vẫn đa sắc màu khi vẫn tạo được thế cạnh tranh và tăng trưởng 8,5-10%.

Biểu đồ: Kim ngạch xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất của Việt Nam (Lũy kế đến 15/12/2016 so với cùng kỳ năm 2015). Nguồn: Tổng cục hải quan
Theo dự báo một số mặt hàng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá cao trong năm 2017 như: linh kiện điện tử và thiết bị ngoại vi, nhóm hàng thủ công mỹ nghệ… Đặc biệt triển vọng sáng sủa từ tăng trưởng nhóm hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản sẽ là nhóm hàng bắt đầu lấy lại đà phát triển từ năm 2017 và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, triển vọng XK vào một số thị trường sẽ tiếp tục duy trì và phát huy đà tăng trưởng như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ…
Đà vươn của năm 2016
Trước tiên, nhìn lại bức tranh XK 2016 sẽ thấy một điều, dù trong bối cảnh nền kinh tế cả trong nước và thế giới vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ những hỗ trợ về mặt chính sách của các Bộ, ngành, sự cố gắng và uyển chuyển, “lựa cơm gắp mắm” của các DN mà tổng thể bức tranh XK của VN vẫn đạt được mục tiêu đề ra. Điều này đã ít nhiều giúp tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn đạt ở mức 6,3%.
Cho dù đâu đó, vẫn có một số ngành, chẳng hạn như dệt may vẫn không đạt được như kỳ vọng nhưng tổng trị giá XK vẫn đạt khoảng gần 167,83 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2015. Thị trường Trung Quốc tăng 23,9%; Mỹ tăng 15%; EU tăng 7,4%; Nhật Bản tăng 3,4%. Tuy nhiên kim ngạch XK vào ASEAN giảm 7,6% và chỉ đạt tăng trưởng dương ở 3/9 nước ASEAN.
Cam kết của Chính phủ về một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, tiếp tục đổi mới sẽ giúp đưa VN tới con đường phát triển bền vững trong tương lai.
Nhưng, xét về trị giá XK hàng hóa thì vẫn đang nghiêng về phía các DN FDI với 95,06 tỷ USD, chiếm đến 70,2% tổng kim ngạch XK của cả nước.
Năm nhóm hàng xuất siêu nhiều nhất chiếm khoảng 70% tổng giá trị xuất siêu, bao gồm: Dệt may, điện thoại và linh kiện, giày dép, hàng thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Trong đó, nhóm hàng nông lâm thủy sản cho tín hiệu tương đối khả quan với mức tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Nguyên nhân chủ yếu do sự phục hồi XK của một số mặt hàng chủ yếu, gồm rau quả tăng 32,2%; cà phê tăng 26,2%; hạt điều tăng 16,4%; hạt tiêu tăng 15,2% và thuỷ sản tăng 6,5%. Tuy nhiên, nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản sụt giảm tới 33,6% có nguyên nhân chủ yếu là sự sụt giảm kim ngạch XK dầu thô (đạt 5, 976 triệu tấn, tương đương 1,971 tỷ USD, giảm 22,2% về lượng, giảm 22,4% về giá và giảm 39,6% về kim ngạch).
Triển vọng nào cho XK 2017?
Sở dĩ chúng ta có thể lạc quan hơn về triển vọng XK của VN trong năm 2017 như vậy xuất phát từ những lý do sau:
Thứ nhất, theo OECD, kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng 3,3% năm 2017, cao hơn so với mức dự kiến 3,2% đưa ra hồi tháng 9/2016. Trong đó, kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng 2,3% năm 2017.Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 6,4% năm 2107, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể tăng trưởng 1,6% năm 2017. Kinh tế thế giới tăng trưởng sẽ kéo theo sự hồi phục về nhu cầu hàng hóa và dịch vụ trên thị trường và điều này sẽ giúp chúng ta có thể gia tăng khả năng XK trong năm tới.
Thứ hai, mặc dù thị trường thế giới sẽ vẫn có những biến động khó lường, tuy nhiên dòng vốn FDI vào VN sẽ vẫn tiếp tục tăng nhờ lợi thế tương đối về lao động và điều kiện tự nhiên. Đặc biệt là những cơ hội mà VN có được từ những cam kết về giảm thuế và các biện pháp phi quan thuế nhờ hội nhập và tham gia vào các FTA cả song phương và đa phương. Đây là nhân tố giúp cho chúng ta có thể gia tăng nguồn cung cho XK tăng trưởng trong những năm tới.
Thứ ba, mặc dù tăng trưởng kinh tế của VN trong năm 2016 có thể không đạt được như kỳ vọng, tuy nhiên dự báo VN vẫn sẽ là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2017 khi những hiệu ứng tiêu cực từ hạn hán giảm dần. Cam kết của Chính phủ về một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, tiếp tục đổi mới sẽ giúp đưa VN tới con đường phát triển bền vững trong tương lai.
Thứ tư, xác định vai trò quan trọng của nghiên cứu khoa học trong phát triển sản xuất – kinh doanh của DN, các DN FDI bắt đầu thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại VN để tận dụng lực lượng kỹ sư dồi dào tại chỗ đã bắt đầu xuất hiện. Đây là xu hướng rất đáng mừng khi hàng hóa của VN sẽ ngày càng nâng cao được năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng so với các nước khác trong khu vực và thế giới.
Thứ năm, VN đã xác định những thế mạnh cạnh tranh bền vững của mình, lựa chọn và đầu tư có trọng điểm vào những mặt hàng có thế mạnh, từ đó tạo được nguồn cung hàng hóa XK có khả năng cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, DN VN cũng đã nhìn nhận và khai thác được tốt những cơ hội XK từ thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… để gia tăng XK hàng hóa, đặc biệt là một số mặt hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản sang các thị trường này.
TS Lê Huy Khôi
Trưởng ban Nghiên cứu và Dự báo thị trường – Viện Nghiên cứu Thương mại
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Có thể bạn quan tâm
Hội chợ HVNCLC TP.HCM 2018: tháng tư rực rỡ
Hàng nhập khẩu từ Thái Lan tăng mạnh
GS Arnoud De Meyer: Bốn thách thức lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu
World Cup ‘Made in China’
Hàng Việt không còn chỉ cạnh tranh bằng giá rẻ
Tin khác


Giày Thượng Đình bất ngờ ‘hot’ nhờ màn lăng xê vô tình của các Tiktoker

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này