
09:17 - 06/07/2020
Vượt sóng gió thời kỳ mới
Sau thời gian cách ly dịch Covid-19, hoạt động sản xuất đã quay trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Các doanh nghiệp thuộc Hội DN.HVNCLC đã có nhiều chương trình hoạt động, thay đổi về chính sách, nâng chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới, hay phương thức kinh doanh mới… để chinh phục thị trường.
Kẻ gặp may, người phải chịu khó
Sản lượng gạo của doanh nghiệp Cỏ May Đồng Tháp tăng đột biến trong mùa dịch. Phó giám đốc Đinh Minh Tâm cho biết, đến tháng 6/2020, gạo Cỏ May đạt 70% kế hoạch về doanh thu của năm 2020. Cái may của doanh nghiệp là người dân mua tích trữ khi dịch xảy ra. Ở mảng xuất khẩu, Cỏ May cũng vừa ký được hợp đồng cung cấp 200 tấn gạo Long Châu, để phân phối tại hệ thống siêu thị của Hong Kong. Cuối tháng 6, gạo đã lên tàu sang Hong Kong.
Ông Lê Bạch Long, giám đốc công ty TNHH Nam Long, cho biết thị trường nội địa tiêu thụ đến 80% sản phẩm găng tay cao su của Nam Long. Dịch bệnh ảnh hưởng khá lớn đến doanh thu công ty, do các chợ, điểm phân phối phải đóng cửa. Trong thời gian giãn cách, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường, nên khi hết dịch họ khá chủ động trong cung ứng hàng hoá cho thị trường. Hiện Nam Long mới đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất để tăng thêm thêm 10 triệu đôi găng tay cho thị trường trong năm 2020.
Cũng là doanh nghiệp ngành nhựa gia dụng, Duy Tân ghi nhận doanh số bị sụt giảm khá đáng kể, do người tiêu dùng ưu tiên các mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm… Tuy nhiên, giám đốc tiếp thị Lê Anh cho biết, trong tháng 4 và 5, doanh nghiệp này ghi nhận một số tín hiệu tích cực của thị trường, lấy lại được doanh số, thậm chí một số mặt hàng vượt doanh số tháng. Là đơn vị xây dựng tốt các đại lý, phân phối tại nhiều quốc gia, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia… Tuy nhiên, ở những quốc gia này, xu hướng mua sắm qua mạng điện tử đang tăng lên. Nếu những thị trường này trở lại bình thường trong hai tháng tới, mảng xuất khẩu của Duy Tân sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Xông pha tìm lối mới
Trong thời gian dịch xảy ra, gạo của Cỏ May bán chạy đều đều. Tuy nhiên, mặt hàng thuỷ sản như cá tra chẳng hạn, lại bị hạn chế xuất khẩu. Cỏ May bèn tiếp cận các hệ thống phân phối tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội…
Ngược lại, găng tay cao su Nam Long từ trước đến nay phụ thuộc rất lớn vào thị trường trong nước với 80% sản lượng, thì nay bắt đầu đa dạng hoá thị trường. Ngoài một số quốc gia châu Á, thời gian tới, doanh nghiệp này sẽ tiếp cận và nhắm tới các thị trường mới như Iraq, các quốc gia châu Âu – nơi dịch bệnh đang bùng phát mạnh, và đặc biệt là thị trường châu Phi – nơi họ chưa từng tiếp cận.
Tương tự, tổng giám đốc công ty CP Hoá mỹ phẩm Mỹ Hảo Lương Vạn Vinh cho biết, trong mùa dịch hãng chỉ sản xuất một số loại sản phẩm kháng khuẩn như gel, nước rửa tay. Sau dịch, công ty ra thêm nhiều mặt hàng kháng khuẩn, như: nước lau bàn, nước lau sàn nhà, nước rửa chén, bột giặt, nước giặt đồ… qua đó giúp người tiêu dùng bớt đi nỗi lo dịch bệnh, chống lại virus. Mỹ Hảo cũng đã tìm và phát triển thêm các thị trường mới. Ngoài thị trường nội địa, thời gian qua, doanh nghiệp này đã mở rộng thêm thị trường xuất khẩu, như Úc, Campuchia, Lào, Canada, Iraq, các quốc gia châu Phi… Mùa khó khăn, ông Lương Vạn Vinh cũng tích cực xin được giấy chứng nhận của cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) – mở đường vào thị trường này của các sản phẩm Mỹ Hảo.
Làm quen thị trường “mới”
Thị trường nội địa quen thuộc, nhưng cũng được xem là thị trường mới, bởi doanh nghiệp phải tích cực tiếp cận, với suy nghĩ cùng sản phẩm và dịch vụ khác trước.
Ông Nguyễn Đức Thịnh, giám đốc kinh doanh dự án của công ty cổ phần dây cáp điện Việt Nam (Cadivi), nói doanh nghiệp này tập trung kích cầu thị trường trong nước bằng các chương trình khuyến mãi, thưởng thêm 3% trên doanh số bán cho đại lý. Vì thế, hầu hết các đại lý, điểm phân phối rất hài lòng. Cadivi cũng nghiên cứu và tung ra thị trường các dòng sản phẩm thân thiện với môi trường, như cáp năng lượng mặt trời, cáp chậm bắt cháy, ít khói và không có khói độc.
Sau đèn diệt khuẩn, Điện Quang cũng đầu tư 600 tỷ đồng cho nhà máy sản xuất chip LED – một trong các bộ phận quan trọng nhất của đèn LED. Đây là dây chuyền sản xuất chip LED đầu tiên của Việt Nam.
Dấu hiệu thị trường đang phục hồi là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, bán hàng. Nếu như trước đây, doanh nghiệp này chỉ tập trung vào kênh truyền thống, thì hiện họ đã tăng cường kênh bán hàng online thông qua các trang điện tử như Shopee, Tiki, fanpage Facebook hay trang mạng của doanh nghiệp. Tổng giám đốc Nguyễn Bảo Trung của công ty AP Sài Gòn Petro, nói sẽ sử dụng triệt để các kênh bán hàng này, nhằm hỗ trợ nhà phân phối đưa hàng trực tiếp đến người tiêu dùng. AP Sài Gòn Petro còn ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong mạng chăm sóc khách hàng, tự động trả lời những yêu cầu của khách hàng vào bất cứ thời gian nào trong ngày, thay vì sử dụng con người.
Riêng Nhựa Duy Tân cũng đẩy mạnh digital marketing, thông qua hai kênh bán hàng riêng của Duy Tân là Facebook và Instagram. Những kênh này có tốc độ phát triển nhanh hơn so với những kênh bán hàng khác mà Duy Tân đang tham gia.
bài và ảnh Tuấn Anh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này