
09:23 - 29/03/2017
Vào nhà, lên kệ của ‘Người hàng xóm tốt bụng’
Tôi viết bài này trên chặng dài thăm thẳm hơn 12 tiếng của Air China. Nửa đêm, thấy cô tiếp viên bưng rổ bánh qui nhãn hiệu Nissin, chợt thấy vui vui.
Bánh của Nhật, dù sao cũng làm vơi được vài gram nỗi lo phải tọng vào dạ dày đủ thứ thức ăn khả nghi bẩn độc. Nhất là vừa mới đọc trên báo The New Zealand Herald ngày 25/3 tin có giòi bò trong dĩa thịt nướng của một nhà hàng Trung Quốc tại nước này.
Chỉ cách đó nửa ngày là một cảm giác hoàn toàn khác. Thật dễ chịu, ấm áp, an tâm khi tôi vào cửa hàng của “Người hàng xóm tốt bụng”. Cái tên dễ thương dịu dàng ấy ở đâu ra? Anh chàng bán cá mặt non choẹt, cận thị, mặt lấm tấm mụn, vui vẻ kể: Hồi mở cửa hàng đầu tiên, nhỏ xíu, bán trái cây tươi góc phố Ohio, thì ông chủ chúng tôi đã đặt tên cửa hàng là “Người hàng xóm tốt bụng”. Anh dẫn tôi đi vòng vòng tìm… hàng Việt Nam. May quá, rồi cũng thấy: tôm luộc bóc vỏ của Việt Nam. Vâng! Nhưng dù là “sản phẩm của Việt Nam” mà thương hiệu lạ hoắc.
Anh chàng bán cá ấy bận khách, “sang tay” vị khách khó tính là tôi cho một cô gái trẻ đậm người mà thoăn thoắt lôi tôi đi miệt mài để giới thiệu các mặt hàng quý nhất là hàng tươi, xanh. Cô gái vừa rảo bước, vừa nói về những chương trình xã hội của Whole Foods: ưu tiên mua hàng từ các hợp tác xã các nước đang phát triển, cấp vốn vay cho một số doanh nghiệp nhỏ, và còn đang mở hàng loạt trung tâm chăm sóc sức khoẻ cho khách hàng.
Đốt đuốc tìm, cũng thấy, nhưng khó quá…
Sau tôm luộc là các sản phẩm sau gạo và gia vị. Red Boat là món gia vị nổi tiếng bán cùng lúc ở nhiều siêu thị Mỹ, chính hiệu là của nhà sản xuất Việt Hương của Việt Nam. Còn lại, các sản phẩm mang tên Việt Nam nhưng là do Việt kiều kết hợp cùng người Việt Nam trong nước, tận dụng nguyên liệu, công nghệ bản địa của các địa phương Việt Nam. Cái tên Việt Nam hình như có chút lợi thế “hương xa” để quảng cáo?
Có những sản phẩm cứ đứng nhìn mà tiếc ơi là tiếc. Dừa. Gạo. Ớt. Chuối. Mít. Quế hồi… nhất là dừa. Tôi không chắc là mình đã tìm ra đủ các loại chế phẩm từ dừa trong cái siêu thị mênh mông này chưa nữa. Dừa vạt vỏ xanh để bán tươi từng trái. Nước dừa đóng lon, đóng hộp giấy. Nước dừa hữu cơ đóng chai lớn. Sữa dừa trắng, sánh, nhìn đã thèm. Cơm dừa sấy khô làm bánh. Dầu dừa để mátxa, để xức tóc. Dừa pha càri làm gia vị nấu nướng. Chưa thấy mứt dừa nhưng đã rất phong phú dải sản phẩm chế biến. Còn nấm rơm? Đã thấy họ chế biến tươi, nhưng còn chưa làm được nước mắm, bột nêm như mình.
Đặc biệt nhất của Việt Nam là chuỗi gia vị cực kỳ ngon, lạ, phong phú. Nước mắm từ cá dưới biển, cho đến muối trên đồng, tiêu trên rừng trên núi… Bao bì rất khác, giấy cạctông cứng kiểu tái chế và trình bày rất giản đơn mà tinh tế, hiện đại, chứa tất cả thông tin đúng chuẩn.
Đến trái cây sấy thì tôi càng phải chặc lưỡi tiếc. Mít sấy Uganda dai như cao su. Chuối thì cứng đủ để vừa nhai vừa nghĩ đến nha sĩ. Xoài cũng khô và ngọt gắt quá. Tôi hơi thiên vị chăng? Có lẽ không! Trái cây ở đây còn chưa so được, thì hành tây sấy khô đặc sắc của Vinamit e chẳng có mấy thứ “đủ tuổi” mà so nổi…

Bánh bao Vĩnh Thuận, DN HVNCLC thường xuyên đưa hàng về nông thôn cùng có hàng rong Walmart. Ảnh: TLKH.
Những cuộc chiến
Tôi từng nghe vẫn đang diễn ra mỗi ngày cuộc chiến giữa người khổng lồ Walmart với Whole Foods. Walmart rất kiêu ngạo mà CEO cũng phải nói “so về dịch vụ thì chúng tôi thua Whole Foods”. Cả hai hệ thống đang cứ rượt đuổi nhau về hướng: xanh hơn, tươi hơn.
Walmart khẳng định hướng nâng chất lượng và giá trị của ngành thực phẩm tươi để lôi kéo khách hàng. Gần đây, Walmart đã thử nghiệm phương án thuê hàng trăm chuyên gia “quản lý hàng thực phẩm tươi” trong vòng ba năm tới nhằm đào tạo nhân viên cách tốt nhất để trưng bày và bảo quản loại hàng hóa này. Đứng ở quầy rau xanh của Walmart, tôi khâm phục họ dám cứ 15 phút có một lần phun sương và hơi lạnh “trợ tươi” cho sản phẩm.
Trong khi đó, Whole Foods đi theo hướng cải tổ chính các tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm của mình. Siêu thị trưng bày minh bạch hai dòng sản phẩm thông thường và hữu cơ, nhấn mạnh yếu tố nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Whole Foods cũng cho cập nhật danh sách các loại thuốc trừ sâu bị cấm sử dụng trong quá trình trồng. Họ đào tạo những người trồng mới thích nghi với các quy định an toàn trong sản xuất và yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Về dịch vụ thì khỏi nói rồi! Bạn có thể sống cả ngày trong Whole Foods cũng được. Đến bữa ăn, cứ ghé khu thực phẩm chế biến, nóng sốt, thơm phức, đủ loại, giá mềm mà tự chọn mang đi. Đến không gian phục vụ khách ngồi ăn, mỗi bàn ăn có sẵn hoa tươi, khăn ăn đẹp, bộ gia vị, nước uống đều miễn phí. Vừa ăn vừa tập thể dục trí tuệ bằng các bảng ghi những thông điệp mà rõ ràng là siêu thị muốn giáo dục (nhẹ nhàng) người tiêu dùng, thể hiện rõ sự tin cậy hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Cả hai phải tự nâng mình lên, phục vụ, thụ hưởng và đòi hỏi nhau nghiêm khắc, tận tình. Toàn bộ những thông điệp được trao gửi rành mạch nhưng tế nhị và gần gũi. Whole Foods như một trường học về sống khoẻ sống vui, về gìn giữ thiên nhiên, sức khoẻ cho người, là một mô hình đáng nể không do chủ có rất nhiều tiền mà là có kiến thức sâu sắc, chuyên nghiệp cao và cái tâm thực sự vì thiên nhiên và con người, hướng tới phát triển bền vững con người.
Cuộc chiến còn lại là giữa sản phẩm Việt với các đối thủ toàn cầu. Và cùng lúc cuộc chiến tự thân mỗi doanh nghiệp, tự chống lại sức ì, ngại khó, mù thông tin, bất chấp luật lệ mới quốc tế…
Gần đây, đã có những cảnh báo, điều tiếng về sản phẩm có dư lượng thuốc sâu bị cấm hay vượt mức cho phép, hàng Việt giờ cần chứng minh điều đầu tiên là sạch, an toàn. Quan trọng nhất, điều kiện cần là có quy trình, tiêu chuẩn sạch, an toàn, hữu cơ càng tuyệt và truy xuất được nguồn gốc. Đã có những doanh nghiệp Việt Nam đến rất gần giấy thông hành này như VinEco, và có những doanh nghiệp đã nhận được chứng nhận của bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và châu Âu về tiêu chuẩn hữu cơ như Vinamit, Vinamilk. Tổng cộng đã có chừng 50 doanh nghiệp Việt đạt được tiêu chuẩn này. Với nhiều doanh nghiệp khác, không nhất thiết đạt chuẩn hữu cơ thì cũng phải trải qua đường dài với nhiều chặng trên toàn chuỗi giá trị: giống, quy trình, tiêu chuẩn, sản xuất đủ số lượng và ổn định chất lượng, bảo quản, chế biến, vận chuyển để phân phối.
Chắc chắn chúng ta tìm được ĐIỀU KIỆN ĐỦ để lên kệ siêu thị Whole Foods danh giá này. Rất hy vọng ở những nhà sản xuất kinh doanh Việt đang hết mình với hướng xanh, sạch, hữu cơ. Nhưng cần tâm thế khác, “mạnh bằng liên kết” chứ không phải bằng “mạnh ai nấy làm”. Dĩ nhiên, nếu doanh nghiệp vẫn phải “chiến” đơn độc, không có chính sách thực sự hỗ trợ của Nhà nước, không có nhà đầu tư lớn trong nước, không có các công ty thương mại Việt Nam lớn thì ta lại nói suông với nhau cho vui, mà khi còn đang nói thì đã bị cuộc hội nhập đẩy tụt nhanh về phía sau.
Kim Hạnh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này