
09:02 - 13/05/2023
Pha xử lý hàng tồn khôn ngoan của Adidas
Như chúng ta đã biết, ngày 25/10/2022, Adidas đã quyết định chấm dứt sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu Yeezy do rapper Kanye West hay còn gọi là Ye sáng lập.

Năm ngoái, Adidas đã quyết định chấm dứt sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu Yeezy do Kanye West sáng lập.
Tất cả nguyên nhân của sự đổ vỡ liên quan đến hành vi bài Do Thái của Kanye West và những phát ngôn gây phản cảm của anh. Rapper này đã cáo buộc Adidas sao chép ý tưởng của mình và quản lý thương hiệu sai, đồng thời chế nhạo giám đốc điều hành đã mãn nhiệm Kasper Rorsted trên mạng xã hội.
Adidas cho biết họ cũng đã nhiều lần cố gắng, nhưng không thể giải quyết các vấn đề với Kanye West một cách riêng tư.
Kể từ đó, những chiếc giày mang thương hiệu Yeezy chưa bán được, chất đống trong kho của Adidas và công ty cũng đang rơi vào tình huống có thể mất 770 triệu USD nếu không bán được hàng triệu chiếc Yeezy, công ty cho biết trong báo cáo thu nhập vào ngày 5 tháng 5.
Theo phân tích của tờ Bloomberg, doanh số của thương hiệu Yeezy vào năm 2021 đạt khoảng 2 tỷ USD, chiếm 8% trong tổng thị phần của Adidas. Điều này đã khiến cho những tác động của sự đổ vỡ hợp tác giữa Adidas và Yeezy trong năm 2023 sẽ là rất lớn.
Doanh thu của gã khổng lồ đồ thể thao sẽ bị mất ước tính khoảng 1,2 tỷ euro (1,3 tỷ USD) trong năm 2023 nếu không sử dụng hàng tồn kho của Yeezy. Trong khi đó, lợi nhuận hoạt động của công ty cũng sẽ bị giảm sút hơn 537 triệu USD kết hợp với chi phí trả một lần mà họ đã bỏ ra vào khoảng 215 triệu USD. Theo ước tính, tổng thiệt hại hoạt động mà Adidas đang xem xét trong năm nay sẽ rơi vào khoảng 752 triệu USD.
Tuy nhiên, Adidas đã tìm ra cách để xử lý hàng triệu chiếc giày tồn kho một cách khá uyển chuyển.
Tại cuộc họp cổ đông thường niên của Adidas vào ngày 11/5 vừa qua, Giám đốc điều hành Bjørn Gulden đã thông báo rằng thương hiệu này đang tìm cách “bán một phần hàng tồn kho này và quyên góp tiền cho các tổ chức đang giúp đỡ chúng tôi và cũng bị tổn thương bởi những tuyên bố của Kanye West”, tin tức đã được CBS News trích dẫn.
Trên thực tế, việc bán những sản phẩm của thương hiệu Yeezys sẽ không chỉ là một hành động từ thiện của Adidas. Rõ ràng, họ đang rơi vào một tình huống rất khó trong việc xử lý hàng triệu chiếc giày hàng tồn trong kho cùng với một sự suy giảm uy tín về thương hiệu.
Thêm vào đó, mặc dù các dây chuyền sản xuất các sản phẩm này đã bị xếp xó, nhưng việc loại bỏ các sản phẩm hiện có, có thể sẽ là một bước đi quá xa. Giám đốc điều hành Bjørn Gulden nói với các nhà đầu tư rằng “việc đốt vài triệu đôi giày là vô nghĩa”. Do đó, thay vì phải hủy những sản phẩm này, Adidas đã đi một nước cờ cao tay bằng một hành động từ thiện, vừa xử lý hàng tồn kho mà cũng tăng cường được danh tiếng.
Tuy nhiên, chi tiết về cách thức và thời điểm xử lý đống hàng tồn kho vẫn chưa được xác định.
Đó là với Adidas, còn với Kanye West, cuộc chia tay với nhà sản xuất đồ thể thao là một cú sốc đau đớn với rapper này. Đau hơn cho Kanye West khi hậu quả từ việc chia tay Adidas đã gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin với một số doanh nghiệp khác, bao gồm cả hãng thời trang Balenciaga và nhà bán lẻ FootLocker. Tất cả đều đã cắt đứt quan hệ với Ye sau hành động bài Do Thái của anh ta.
Theo Forbes, việc cắt đứt với Adidas làm tổn thương rapper này nhiều nhất, phần lớn tài sản ròng của Ye đều đến từ sự hợp tác với Adidas cho thương hiệu Yeezy của anh ấy. Chỉ cần mất hợp đồng với Yeezy là đủ để hạ bệ Ye khỏi vị trí tỷ phú trong năm nay.
Theo Nguyễn Chuẩn/DĐDN
Có thể bạn quan tâm
Làm gì nếu không muốn ‘lượm xác’ doanh nghiệp Việt?
Kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại vào năm tới?
Tiếp thị ở Đông Nam Á, đừng bỏ qua sức mạnh Anime
Mỹ – Trung: chiến tranh xe đạp
NTJ – Từ cái nôi di sản đến kiệt tác mới của thị trường trang sức Tây Nam Bộ
Tags:Adidashàng tồn kho
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này