
10:50 - 07/02/2022
Mơ nông sản Việt lên đời, nâng đẳng cấp
Hồi mới qua Portland, bang Oregon, tự nhiên tôi không thấy thèm gì hết. Cả nhà tôi phải tập thích nghi mọi thứ, ngay trong những bữa ăn.
Bọn trẻ dần quen món ăn ở trường, có vẻ thích món mới. Vợ tôi gắng sức tạo bữa ăn không quá nhiều thay đổi và tôi tự động rót nước mắm để ăn sống hay nêm nếm món gì đó – dù hồi ở Vĩnh Long tôi thuần thành làm nước tương đậu nành Phước Khang.
1. Thuận Phát là chợ lớn nhất ở Portland, “nhóc” nước mắm. Người ta nói nước mắm Việt Hương ngon – thật ra là vừa khẩu vị. Còn Cánh buồm đỏ hơi mặn và xuống màu đậm chứ không có màu cánh gián như nước mắm ngày xưa. Tôi nhìn thấy chữ Việt Hương, nhân lúc khuyến mãi nên mua một thùng mười mấy chai, xài rồi mới biết Việt Hương “made in China” làm ở Hong Kong.
Bên đây, nước mắm truyền thống là một giấc mơ ngay khi với tay chạm những chai nước mắm đủ chủng loại, thậm chí có cả cái gọi là nước mắm công nghiệp. Tôi không dùng tới, nhưng có lẽ không ít người từ lâu – khó tìm được nước mắm chánh gốc – đành phải chọn nước chấm công nghiệp cho đỡ ghiền. Nước mắm công nghiệp bán khá mạnh, chắc chắn như vậy nên người ta mới nhập khẩu qua đây. Trong khi đó, nghe bên nhà buộc phải thêm vi chất dinh dưỡng vô nước chấm, trong đó có nước mắm truyền thống thì thật là lạ. Nó ngược ngạo với văn hóa tiêu dùng – càng gần thiên nhiên càng tốt nên làm vậy là giết nước mắm truyền thống rồi còn gì!
Người ta nói Tổng cục thống kê cho biết mỗi năm Việt Nam tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm, trong đó nước mắm sản xuất theo phương thức công nghiệp chiếm tới 75%. Còn theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường nước mắm Việt Nam ước tính trị giá 4,5 tỷ USD, có mức tăng trưởng ổn định hàng năm khoảng 4,7% trong giai đoạn 2016 – 2021. Nhưng thị trường quá lớn, quá đa dạng lại không rõ ràng trong việc bảo vệ di sản nên nước mắm bây giờ có đậu nành, lúa mạch, lúa mì đạm… trong công thức pha chế.
Nhiều nhà đầu tư từ Mỹ đã về Việt Nam đầu tư và đưa nước mắm từ Phú Quốc sang đây như Cánh buồm đỏ hay New Town… Trong nước nhận ra nước mắm Hoàng Gia và New Town là một. L’amai Corporation ở Garden Grove Blvd, Garden Grove, CA 92843, là nhà phân phối. Ông Kyle Hildebrant, một nhà chuyên nghiên cứu nước mắm, so sánh nhiều loại nước mắm khác và phân loại 13 thương hiệu nước mắm có độ che phủ tại Mỹ khẳng định rằng nước mắm truyền thống chỉ có cá và muối.
2. Người Việt ở đây ví Portland như Đà Lạt mỗi khi rủ nhau uống cà phê nhìn hoàng hôn. Thật ra cũng chỉ là cách gợi nhớ. Tôi hay gọi facetime về nhà để anh em bên nhà cùng ngắm bầu trời xanh lơ đang nhuộm vàng. Thấm thoát đã hơn ba năm trôi qua, hai đứa con trai – Thụỵ đã vào đại học, Khang lên lớp 11; chừng ấy thời gian tôi không còn dịp lái xe từ Vĩnh Long qua Cần Thơ uống cà phê, bù khú rồi về.
Cà phê Portland là loại ngon, nổi tiếng ở Mỹ. Cũng tại đây, cà phê Phố, cà phê Việt Nam, Café Ông Bầu, Vina Café, Cà phê Chồn, G7 Trung Nguyên, King Coffee và Việt Coffee – since 1975… có mặt khắp các chợ.
Ở Lousiana cà phê Du Monde được ưa chuộng, còn ở Portland thì Starbucks, cà phê Portland, Peet’s Organic được ưa chuộng hơn cả, gu uống cà phê bên này có khi họ bỏ bột quế nguyên chất… Và Starbucks là thế giới đáp ứng những gu khác nhau.
Ai đã quen uống cà phê sữa thì sẽ gặp sữa Ông Thọ – Product of USA, nhà phân phối ghi rõ “Distributed by Slin Hing Foods Inc, South San Francisco” – phân phối bởi…
Cà phê Việt Nam xuất khẩu đã tròm trèm đạt kim ngạch 3 tỷ USD với vài chục thương hiệu khác nhau. Nhưng thương hiệu nổi tiếng đếm trên đầu ngón tay.
Có lẽ do chưa thực sự nghiên cứu kỹ gu tiêu dùng nên dù có tới 695.000 ha trồng cà phê, sản lượng hơn 1,7 triệu tấn/năm, xuất hàng qua 80 quốc gia nhưng chưa có nhiều thương hiệu đẳng cấp và vẫn nằm trong nhóm giá thấp. Mỗi năm Gia Lai xuất khẩu cà phê thu về khoảng 250 – 350 triệu USD, chiếm 50% sản lượng cà phê của Tây Nguyên. Tỉnh muốn kéo diện tích từ 98.400 ha như hiện nay lên 100.000 ha. Trong đó áp dụng tiêu chuẩn quốc tế khoảng 37.000 ha, diện tích liên kết làm quy trình theo hướng hữu cơ trên 45.000 ha. Ổn định diện tích 100.000 ha, chuyển sang hướng tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường, nghe đã thấy mừng.
Tiêu từng lên bờ xuống ruộng, nhưng ở Portland – tuy hột tiêu nhỏ xíu nhưng có thể là kỳ vọng lớn. Ớt cho cay, tiêu cho thơm. Ớt Mễ áp đảo ở thị trường này nhưng tiêu xứ mình thì ưu thế nhờ mùi thơm hơn sản phẩm cùng loại của Indonesia… Ở chợ Costco hầu như bán mọi thứ trên thế giới này. Họ chỉ bán tiêu Việt Nam nhãn hàng Kirkland, chất lượng tuyệt vời giá lại rẻ hơn phân nửa so các chợ Việt ở Portland. Đặc biệt, bao bì cho hai chai tiêu là bản đồ ghi các tỉnh của Việt Nam, họ có cả khu vực rộng lớn bán những sản phần gần với tự nhiên, chân thật với tự nhiên.
Tuy vậy, nếu tiêu đen Indonesia 3,59 USD/70gr thì tiêu đen Product of Vietnam hiệu “Hai con thỏ” khoảng 5,99 USD/156gr, tiêu xay cũng hiệu Hai con thỏ bán với giá 4,59 USD/147gr.
Tôi kể cái gu ở Portland và niềm tin vào những sản phẩm gần với tự nhiên. Bên nhà cho hay Vicosap ở Trà Vinh có sáng kiến sấy dừa sáp thành một loại đường ngọt nhẹ gần tự nhiên để dùng với cà phê. Có vẻ sáng kiến này gần gần với kiểu kinh doanh ở Mỹ, dùng đường từ trái tỳ kheo hay như cách Trung Quốc đang làm với lá stevia để thâm nhập tách cà phê ở Mỹ.
Hi vọng ngày bình yên, mọi ý tưởng mạnh mẽ sớm phục hồi để nước mắm ra nước mắm, tiêu lên đời, thật giả phân minh và cà phê xứ mình chứng minh đẳng cấp.
Thiện Nguyễn (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Mồng gà ba bữa Tết
Ấn tượng về những sáng tạo của doanh nghiệp Việt trong bão Covid-19
Logistics – nguồn lực phát triển cho ĐBSCL
Ông Lê Minh Hoan: Thay đổi để xây dựng đồng bằng thương hiệu thế giới
Thực phẩm hữu cơ cơ hữu mùa COVID
Tags:nông sản Việt
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này