09:25 - 29/12/2021
Vụ kit test Việt Á ‘sẽ xử lý nghiêm, triệt để và không có vùng cấm’
“Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, quan điểm của cơ quan điều tra là điều tra triệt để và xử lý nghiêm. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, triệt để và không có vùng cấm”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành khẳng định.
Chiều 28/12, tại Hà Nội, trong khuôn khổ buổi họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác công an năm 2021, đại diện Bộ Công an thông tin thêm về quá trình điều tra vụ án nâng khống giá kit test Covid-19 xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và các đơn vị, địa phương liên quan.
Tại buổi họp báo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết, đến nay, cơ quan điều tra xác định Công ty Việt Á đã bán trực tiếp hoặc gián tiếp sản phẩm kit test Covid-19 đến 62 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong đó, nhiều sản phẩm có thể do Công ty Việt Á sản xuất. Nhiều sản phẩm được bán thông qua đơn vị trung gian hoặc nhà tài trợ. Hiện, vụ án đang được điều tra mở rộng.
Lãnh đạo C03 cũng nhấn mạnh, vụ việc ở Công ty Việt Á, C03 đã khởi tố vụ án và đến nay đã khởi tố 7 bị can có liên quan đến sai phạm về đấu thầu.
Phó Cục trưởng C03 cũng cho hay, cơ quan điều tra làm rõ doanh số bán hàng trong 2 năm của Công ty Việt Á là khoảng 4.000 tỷ đồng. Đây là doanh số bán hàng, không phải số tiền chiếm hưởng. Quá trình điều tra tiếp theo, C03 sẽ làm rõ số tiền các bị can đã chiếm hưởng, thu lợi bất chính để hoàn thiện hồ sơ.
Trước đó, C03 làm rõ doanh nghiệp trên đã bán sản phẩm đến 62 tỉnh, thành phố với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
Tại CDC Hải Dương, Công ty Việt Á đã ký 5 hợp đồng cung cấp kit test Covid-19 có giá trị 151 tỷ đồng, mỗi kit bán với giá 470.000 đồng. Bản thân ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương đã nhận của Công ty Việt Á gần 30 tỷ đồng tiền phần trăm.
Thủ đoạn của các bị can được C03 xác định là: Quá trình kinh doanh và tiêu thụ kit test Covid-19 do Công ty Việt Á sản xuất, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid-19 của các địa phương trên cả nước, sản phẩm kit test Covid-19 thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.
Sau đó, thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá… để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do doanh nghiệp này đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Sau khi bị bắt tạm giam, nhóm các bị can là cấp dưới của ông Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) đã khai ra các hành vi phạm tội.
Trong đó, bị can Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á), thủ quỹ Hồ Thị Thanh Thảo, trợ lý tài chính Phan Tôn Noel Thảo và nhân viên kinh doanh Trần Thị Hồng đã từng bước khai nhận hành vi phạm tội.
Theo thông tin trên Đài truyền hình Việt Nam (VTV), tại cơ quan điều tra, Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, khai khách hàng của công ty là các CDC, các bệnh viện hoặc trung tâm y tế tuyến quận, huyện trên cả nước.
Theo lời khai của Hiệp tại cơ quan điều tra, để đảm bảo việc chi tiền ngoài hợp đồng không bị cơ quan chức năng phát hiện, Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, đã lập nhiều tài khoản đứng tên nhiều cá nhân là hộ kinh doanh cá thể để chuyển tiền qua các số tài khoản này, dưới hình thức là mua trang thiết bị, nguyên vật liệu, sinh phẩm phòng dịch. Điều này giúp các hợp đồng của Công ty Việt Á không bị cơ quan chức năng phát hiện.
Để thực hiện chi tiền ngoài hợp đồng cho các đối tượng, Hiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin và số tài khoản của bên nhận, tỷ lệ % cho bộ phận kế toán do Phan Tôn Noel Thảo, Trợ lý Tài chính Công ty Việt Á, phụ trách để chuyển tiền.
Trong khi đó, Phan Tôn Noel Thảo khai tại Cơ quan điều tra, đã tham gia cùng công ty chi tiền cho CDC Hải Dương, CDC Nghệ An và các bệnh viện trên cả nước. Việc chi tiền này là chi tiền mua bán các đơn hàng test Covid-19, trang thiết bị y tế với các CDC và bệnh viện. Số tiền chi bao nhiêu phụ thuộc số lượng hàng đặt, ít khoảng 500 triệu đồng, nhiều khoảng 100 tỷ đồng.
Phan Tôn Noel Thảo còn khai, để việc chi tiền ngoài hợp đồng được thuận lợi, tất cả tài khoản do ông Phan Quốc Việt lập dùng để chuyển tiền đều liên kết với số điện thoại của vợ ông Việt.
Theo Đỗ Trung/SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này