16:06 - 17/08/2017
Việt Nam chưa thể ‘tốt nghiệp ODA’
Từ tháng 6/2017, Việt Nam không còn nhận được khoản vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới (WB), và hiện đang được xếp vào nhóm đối tượng vay vốn hỗn hợp từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) – một bước rút khỏi nhóm được vay vốn với lãi suất rẻ. Liệu đây có phải thời điểm để Việt Nam “tốt nghiệp ODA”?
Theo các chuyên gia, dưới một chính phủ mới đảm bảo sự ổn định chính trị, triển vọng trung và dài hạn (MLT) của Việt Nam là tích cực, với dự báo tăng trưởng GDP sẽ vẫn trên 6%. Mức độ rủi ro tài chính có thể chấp nhận được, với mức nợ nước ngoài vừa phải (dù nợ nước ngoài tăng nhanh từ năm 2015). Cùng với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng gấp 2 lần trong 8 năm, Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng đứng đầu thế giới và khu vực.
Bất lợi khi lọt “top”
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích của Credendo – công ty bảo hiểm tín dụng châu Âu, trên con đường trở thành một con hổ châu Á với nền kinh tế mở cửa và thúc đẩy bởi xuất khẩu giống như Singapore hay Hàn Quốc, Việt Nam có thể sẽ chịu những bất lợi đi kèm. Một trong số đó là việc WB đã chấm dứt ưu đãi ODA với Việt Nam, chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay kém ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) xếp vào nhóm B, không còn thuộc diện chỉ nhận những khoản vay ưu đãi.
“Việt Nam sẽ phải chuyển sang dựa nhiều hơn vào thị trường trái phiếu, gia nhập nhóm các chứng khoán mới nổi vốn nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư quốc tế trong mấy năm trở lại đây”, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank nhận định.
Việc WB và ADB chấm dứt vốn vay ưu đãi trong khi nền tài chính công của Việt Nam còn tương đối yếu – bao gồm nợ công tương đối cao và đang gia tăng – và khu vực ngân hàng dễ bị tổn thương, dự báo sẽ gia tăng thêm nhiều tín hiệu xấu. Điều này góp phần vào việc xếp hạng rủi ro của Việt Nam cho trung và dài hạn vẫn ở mức cao hơn so với ngắn hạn.
Raphael Cecchi, chuyên gia phân tích của Credendo cho biết, “Chúng ta có thể thấy, các “con hổ” đều phụ thuộc nhiều vào các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU… nên đây cũng là một rủi ro tiềm ẩn”. Việt Nam bắt đầu chịu tác động của chính sách thương mại bảo hộ của Donald Trump, bao gồm mức thuế nhập khẩu cao đối với ngành dệt may. Hơn nữa, tác động của bối cảnh toàn cầu như việc hồi hương vốn và áp lực sụt giá đối với đồng USD mạnh có thể sẽ tiêu cực đối với Việt Nam, quốc gia có lượng dự trữ ngoại hối hạn chế, mặc dù rủi ro có thể kiểm soát được.
Bao giờ Việt Nam “tốt nghiệp ODA”?
Thực tế, một quốc gia khi phát triển đến một mức độ nhất định thì cần đặt kế hoạch chấm dứt nhận ODA. Tuy nhiên, với những rủi ro tiềm ẩn, liệu đã đến lúc Việt Nam “tốt nghiệp ODA” hay cần một kế hoạch dài hơi trong tương lai?
Việt Nam nhận vốn ODA từ những năm 70, thời gian nhận nhiều ODA bắt đầu từ năm 1993 đến nay (24 năm), ODA bình quân đầu người năm 2000 là 22 USD và tăng lên 46 USD năm 2014. Đã đến lúc Việt Nam cần đặt ra kế hoạch “tốt nghiệp ODA” trong khoảng 15-20 năm tới. Điều này có nghĩa là, ngay từ bây giờ, Việt Nam phải giảm dần nguồn ODA và phấn đấu ODA trên đầu người tiến tới bằng 0 vào giữa những năm 30 của thế kỷ XXI.
Cho đến nay, Việt Nam vẫn coi ODA là một chỗ dựa quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội. Theo thống kê chưa đầy đủ của các bộ, ngành và địa phương, tổng nhu cầu huy động và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ 2016-2020 lên tới 39,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa giải ngân của các chương trình, dự án đã ký kết chuyển tiếp từ thời kỳ 2011 – 2015 sang thời kỳ 2016-2020 còn khá lớn, khoảng gần 22 tỷ USD. Hiện tại, khoản vay dài nhất của Việt Nam có thời hạn đến năm 2055, bình quân thời gian các khoản nợ vay là 12,5 năm. Như vậy, trong vòng gần 40 năm nữa, Việt Nam vẫn tiếp tục phải trả nợ ODA. Theo tính toán dòng tiền và từng khoản nợ hiện nay của Việt Nam, thời điểm phải trả nhiều nhất rơi vào khoảng năm 2022 – 2025.
Theo PGS. TS Lê Chi Mai, Học viện Hành chính quốc gia, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ 2016 – 2020 của nước ta là phải tập trung cao độ để hoàn thành các chương trình, dự án này theo đúng tiến độ và thời hạn cam kết, đưa các công trình vào khai thác, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đặc biệt là với dự án đường sắt trên cao tại Hà Nội.
PGS. TS Lê Chi Mai cũng nhận định: “Việt Nam cần có sự chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho bước chuyển này nhằm bảo đảm không gây xáo trộn trong nền kinh tế, duy trì sự tăng trưởng ổn định và bền vững của đất nước sau khi chấm dứt nhận ODA”.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần bảo đảm công khai minh bạch trong quản lý, sử dụng vốn vay. Công khai chính sách huy động ODA, các lĩnh vực, các địa bàn ưu tiên. Công khai các thông tin về các cam kết, ký kết và giải ngân của cả nước cũng như từng địa phương; công khai việc phân bổ, cho vay ODA với từng dự án. Cung cấp các thông tin về tiến độ và hiệu quả của các dự án sử dụng ODA, thông tin về nghĩa vụ trả nợ và thực trạng trả nợ hàng năm. Ngoài ra, bản thân khu vực doanh nghiệp trong nước cần có sự hỗ trợ để có thể tăng tính cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI, đảm bảo sự phát triển bền vững cho đất nước.
“Rõ ràng, còn một quãng đường rất dài để Việt Nam có thể trở thành “con hổ châu Á”, tuy nhiên, hãy để đất nước là một con hổ tự vươn mình bằng những năng lực nội tại, chứ không phải bằng việc dựa dẫm vào bất kì một nguồn lực nào từ bên ngoài” – một chuyên gia nhìn nhận.
Theo DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này