15:57 - 24/07/2017
Vẫn để ngỏ mức tăng lương tối thiểu năm 2018
Tại các phiên đối thoại về thực thi pháp luật lao động do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây, trong khi đại diện người lao động yêu cầu phải tăng lương tối thiểu để đảm bảo cuộc sống thì các doanh nghiệp liên tục than khó khăn.
Doanh nghiệp sợ “không kham nổi”
Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng giám đốc Công ty May 10 đại diện cho nhiều doanh nghiệp đưa ra ba kiến nghị, gồm không tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, chưa áp dụng cách tính đóng BHXH mới từ 2018 và giữ lại 90% kinh phí công đoàn để cơ sở chăm lo cho người lao động.
“May 10 hiện có hơn 12.000 lao động. Nếu tăng ở mức như mấy năm qua hoặc theo đề xuất của Tổng liên đoàn là 13% thì gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Việt nói.
Về BHXH, ông Việt cho biết năm 2016, May 10 phải đóng tiền BHXH lên tới 22 tỉ đồng. Nếu từ đầu năm 2018 phải đóng BHXH trên tổng thu nhập, cộng với đợt tăng lương tối thiểu mới, thì chi phí của May 10 cho BHXH có thể lên tới 30 tỉ đồng.
“Từ 2018, trở đi, mức đóng BHXH dựa trên nền lương cùng phụ cấp và các khoản bổ sung ghi trong hợp đồng lao động sẽ trở thành gánh nặng lớn khiến nhiều doanh nghiệp không kham nổi”, ông Việt nhận định.
Dưới góc độ của người lao động, ông Việt đồng tình rằng tăng lương tối thiểu để đảm bảo đời sống cho người lao động là hợp lý. Nhưng việc tiền lương tối thiểu cứ tăng liên tục, đều đặn hàng năm sẽ vượt khả năng chi trả của doanh nghiệp. Một khi doanh nghiệp không thể tồn tại thì việc tiền lương tối thiểu tăng 5%, 7% hay 13% sẽ không còn ý nghĩa.
Đồng quan điểm trên, bà Vũ Thị Hà, phụ trách lao động tiền lương và chế độ chính sách, Tổng công ty Dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí, cho rằng tăng lương tối thiểu vùng sẽ tác động đến tăng mức lương phải trả cho người lao động, tăng số tiền phải đóng BHXH.
Một trong những đại diện cho doanh nghiệp nước ngoài, ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Korcham chia sẻ, cùng với những thuận lợi mà doanh nghiệp Hàn Quốc có được tại Việt Nam, các doanh nghiệp này cũng đang gặp phải những khó khăn; trong đó, chi phí cho nhân công ngày càng tăng do tăng lương tối thiểu hàng năm và đặc biệt là từ đầu năm 2018, tất cả lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đều phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Phải cải thiện mức sống tối thiểu
Được biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện người lao động) đã đề xuất mức tăng lương tối thiểu phải 13,3% so với năm 2017.
Bảo vệ quan điểm cần phải tăng lương tối thiểu ở mức 13,3%, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, “Chúng tôi đã tiến hành khảo sát và thấy đời sống của người lao động còn khá khó khăn. So với nhu cầu sống tối thiểu của công nhân, chúng tôi tính cần bù đắp mức lương tối thiểu khoảng 21%. Năm 2017, chúng ta đã tăng 7,3%, như vậy vẫn còn thiếu hụt khoảng 14% nữa so với đời sống tối thiểu của công nhân”.
Trong khi đó, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam – VCCI (đại diện giới chủ sử dụng lao động) lại không đồng tình với mức tăng trên. Cho rằng, với tình hình kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, đại diện VCCI khẳng định không nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 hoặc nếu tăng chỉ nên dưới 5%.
Ông Lê Văn Thành – Cục phó Cục quan hệ lao động và tiền lương cho biết, tiền lương và phụ cấp đóng BHXH đã được quy định rõ trong Luật Bảo hiểm xã hội 2014 kèm thông tư hướng dẫn. Các kiến nghị trên của doanh nghiệp được ghi nhận song vẫn phải thực hiện theo luật. Trong quá trình thực hiện có phát sinh, phải sửa đổi, bổ sung thì sau này sẽ tính tiếp.
“Không thể không tăng lương tối thiểu vùng vì đây là lộ trình được Chính phủ quy định. Nhưng tăng ở mức nào thì sẽ được hội đồng bàn bạc kỹ để cân đối lợi ích của Nhà nước trong đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, chi phí của doanh nghiệp và đời sống của người lao động”, ông Thành nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, một số hiệp hội đã đề nghị không tăng lương tối thiểu trong năm 2018 nhưng phía Tổng Liên đoàn lao động cho rằng nếu không tăng lương thì sẽ không đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động.
“Cả hai bên đều không hài lòng nếu như tăng hoặc không tăng. Về phía cơ quan nhà nước, Hội đồng tiền lương sẽ họp trên cơ sở hai bên thương lượng với nhau, đạt mức sống tối thiểu hay không thì chưa biết nhưng phải cải thiện được mức sống tối thiểu, phải đảm bảo khả năng chi trả của doanh nghiệp, phù hợp với năng suất lao động và mức tăng chỉ số giá tiêu dùng”, Thứ trưởng Diệp nói.
Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp phiên đầu tiên vào 27/6 để bàn bạc về phương án tăng lương tối thiểu song chưa có kết luận cụ thể. Dự kiến, ngày 28/7, Hội đồng sẽ tiếp tục phiên họp thứ hai để bàn thảo về vấn đề này. Tất cả ý kiến của doanh nghiệp đang được bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiếp nhận, phân tích để có cái nhìn tổng thể.
Theo Chinhphu.vn
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này