09:49 - 18/09/2017
TS Lê Đăng Doanh: Áp đặt lợi nhuận BOT là ‘trấn lột’
Trước kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải về việc nâng mức lợi nhuận của nhà đầu tư BOT giao thông lên 14%, chuyên gia kinh tế – TS Lê Đăng Doanh cho rằng BOT hay làm gì khác cũng phải theo quy luật thị trường
– Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiến nghị Chính phủ cho phép nâng mức lợi nhuận của nhà đầu tư BOT giao thông lên 14%. Theo ông, mức đề xuất này có hợp lý?
– Hiện nay, có những điều hoàn toàn không bình thường. Ví dụ, cứ nói đấu thầu công khai các dự án BOT nhưng không thấy kêu gọi đấu thầu; còn nói công khai nhưng chỉ có một phía biết, đó chính là doanh nghiệp trúng thầu. Rồi không có ai giám sát chất lượng đường, không rõ dựng chốt có hợp lý không, thu phí như thế trên cơ sở nào…; để đến lúc thanh tra vào cuộc thì mới phát hiện ra lạm thu rất nhiều.
Vậy để giải quyết thì vấn đề tiên quyết là công khai, minh bạch đã. Khi công khai xong, có giám sát thì mới thực sự cạnh tranh và lúc đó mới có thể ngồi lại với nhau, xem mức lợi nhuận bao nhiêu là hợp lý. Nếu không công khai, minh bạch thì lợi nhuận có thể nói là vô cùng, đúng như có ý kiến nói đây là “trấn lột người ta chứ kinh doanh gì đâu”.
– Nếu đã công khai, minh bạch mọi thứ thì chúng ta tính toán mức lợi nhuận cho doanh nghiệp theo cơ sở nào là hợp lý, thưa ông?
– Thực tế là mức lợi nhuận 11%-12% cũng là hợp lý rồi vì mức này cao hơn lãi suất gửi ngân hàng. Quan điểm của tôi là làm BOT hay làm gì khác cũng phải theo thị trường. Từ quan điểm này, với BOT giao thông, sẽ phải tính toán, xem xét mật độ xe cộ lưu thông ra sao trên tổng vốn đầu tư để từ đó quy định mức lợi nhuận phù hợp, chứ không thể áp cứng mức lợi nhuận theo kiểu thoát ly khỏi thực tế. Nếu quy định áp đặt cứng như vậy là trấn lột rồi. Phải trên quy luật thị trường, phải có sự giám sát, phải có sự cạnh tranh.
– Trong bối cảnh câu chuyện BOT đang gây bức xúc với người dân mà một lãnh đạo cấp vụ của Bộ GTVT là ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công – tư, lại “hồn nhiên” nêu ra đề xuất này. Ông có bình luận gì?
– Đúng là trong khi BOT còn nhiều vấn đề như không công khai, không minh bạch, chỉ định thầu 100%, không có giám sát chất lượng… mà không thấy Bộ GTVT trả lời gì cả, ngược lại còn đề xuất nâng lợi nhuận cho nhà đầu tư BOT, đây không phải là câu trả lời người dân mong chờ.
Bộ GTVT nếu cầu thị thì nên và phải tổ chức một cuộc đối thoại lại để trình bày các lập luận của mình, đồng thời cho các bên khác có ý kiến lại để làm rõ ràng vấn đề. Còn bằng cách nêu ra đề xuất tăng lợi ích cho nhà đầu tư ngay trong bối cảnh này thì khác nào Bộ GTVT không lắng nghe ý kiến người dân và chỉ ủng hộ lợi ích của nhà đầu tư.
– Về nguyên tắc, chúng ta ủng hộ BOT và triển khai các dự án BOT là chủ trương đúng vì có thể thu hút được nguồn vốn xã hội để tăng thêm tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, nhu cầu của người dân. Nhưng phải làm trong cơ sở khuôn khổ pháp luật chứ không thể làm thành ra một miếng đất màu mỡ cho các lợi ích nhóm.
Theo Người Lao Động
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này