
23:16 - 22/04/2020
Sẽ bỏ Sổ hộ khẩu
Chiều 22/4, cho ý kiến về dự án Luật Cư trú (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật nhằm tạo hành lang pháp lý bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân.

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bỏ các quy định về: Sổ hộ khẩu, Sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, Sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách Sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu…
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng thay thế việc quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin.
Cụ thể là quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên mạng internet. Thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú của mỗi công dân đều là trường thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
“Đây là phương thức quản lý hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho nhân dân”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Theo đó, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bỏ các quy định về: Sổ hộ khẩu, Sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, Sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách Sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong Sổ hộ khẩu tại Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013).
Ngoài ra, Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, dự thảo Luật không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc.
Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, dự thảo Luật quy định bãi bỏ khoản 3, khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở Thủ đô.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban tán thành với Tờ trình của Chính phủ quy định công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nào sẽ được đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó.
Theo loại ý kiến này, việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương sẽ bảo đảm tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân.
Mặt khác, tuy Luật Cư trú hiện hành và Luật Thủ đô đã quy định điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương chặt chẽ hơn nhằm kiểm soát việc gia tăng dân số cơ học tại các địa phương này, nhưng thực tế không đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Tuy nhiên, các ý kiến trên đề nghị cơ quan trình cần đánh giá kỹ tác động của việc bỏ các quy định riêng này; đồng thời, đề xuất các công cụ quản lý thay thế như các giải pháp về quy hoạch, đầu tư xây dựng các đô thị vệ tinh, phát triển kinh tế – xã hội…
Điều này để một mặt vẫn quản lý, điều tiết được sự gia tăng dân số cơ học, bảo đảm an ninh, trật tự tại các thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là khu vực nội thành; mặt khác, bảo đảm khả năng đáp ứng về cơ sở hạ tầng, dịch vụ thiết yếu trong trường hợp số lượng người đến cư trú ở các địa phương này tăng nhanh.
Theo TTXVN
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM đề xuất chi 427 tỷ đồng hỗ trợ học phí học kỳ 1 năm học 2021-2022
4 cơ quan giải quyết ‘một cái chuồng gà’
Nhật Bản sẽ giúp TPHCM chống ngập lụt
Ôtô bán tải nhập khẩu có thể tăng giá cả tỷ đồng
Siêu thị Lotte ở TP.HCM dùng lá chuối bọc thực phẩm
Tags:sổ hộ khẩu
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này