
11:07 - 19/12/2017
Nhọc nhằn chuyện bán vốn nhà nước tại Sabeco
Có thể nói, thương vụ bán vốn Nhà nước tại Sabeco đã thành công hơn cả mong đợi vì ít ai ngờ rằng có thể bán được giá 320 ngàn đồng, trong khi kết quả định giá của tư vấn là khoảng 140 ngàn và theo phương pháp P/E (cao nhất) gần 200 ngàn.
Rất nhiều chuyên gia nhận định nếu tính cả giá mua quyền kiểm soát (control premium) thì cũng chỉ gấp 1,5 lần…
Như vậy, “để đi đến thành công này là cả một thời gian khó khăn, mệt mỏi nhưng với mình là cả một trải nghiệm thú vị” – như lời một vị đại diện thành viên đơn vị tư vấn bán vốn tại Sabeco chia sẻ.
“Cô gái đẹp” bán được giá cao
Chiều 18/12, Bộ Công Thương tổ chức chào bán cạnh tranh 343,66 triệu cổ phiếu SAB của TCty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), tương đương 53,59% vốn điều lệ.
Kết quả, giá đấu thành công bình quân là 320.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giá khởi điểm. Tổng giá trị thu về từ đấu giá gần 110.000 tỷ đồng. Một nhà đầu tư tổ chức trong nước và một cá nhân đã trúng giá đấu.
Công ty Vietnam Beverage – đơn vị có liên quan đến Tập đoàn ThaiBev của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi là nhà đầu tư tổ chức trúng thầu 343,66 triệu cổ phiếu. Cùng với đó, một cá nhân là ông Ngô Vinh Hiển cũng trúng thầu với số lượng 20.000 cổ phiếu.
Vietnam Beverage có vốn điều lệ 682 tỷ đồng, được sở hữu gián tiếp bởi 49% vốn từ Tập đoàn ThaiBev – công ty đang nắm trong tay khối tài sản kếnh sù từ bất động sản, du lịch tại Việt Nam. Sau đấu giá, Bộ Công Thương sở hữu 36,01% vốn, Heineken nắm 5%, còn Vietnam Beverage giữ 53,58% vốn và là cổ đông lớn nhất tại Sabeco.
Bình luận về quyết định mua cổ phần giá cao của ThaiBev, hãng tin Asia Nikkei mới đây cho rằng việc thâu tóm thị trường bia Việt Nam sẽ giúp ThaiBev mở rộng hoạt động ra nước ngoài.
Khu vực nước ngoài sẽ chiếm đến 50% tổng doanh thu của tập đoàn. Trong đó, Sabeco là một lựa chọn của chiến lược. Sabeco hiện chiếm giữ 40% thị phần tại thị trường Việt Nam, vốn được đánh giá nhiều tiềm năng trong khu vực. Trong khi đó, các nhà đầu tư tài chính cho rằng nhà đầu tư rất khó chấp nhận mức giá Sabeco mang ra chào bán lần này, bởi quá cao.
Trước khi mua lượng lớn cổ phần của Sabeco, thương vụ M&A nổi tiếng nhất của ThaiBev đến nay là mua lại Tập đoàn F&B số một Singapore, với tổng giá trị lên tới 11,2 tỷ USD vào tháng 1/2013.
Khẩu vị M&A của ThaiBev là mua lại doanh nghiệp đầu ngành tại các quốc gia trong khu vực. Thống kê để thấy những doanh nghiệp mà Thaibev chi phối đều có vị thế nhất định trên thị trường, thông qua đó dễ dàng tăng cường năng lực cạnh tranh.
Ở Việt Nam, doanh nghiệp này đã mua thành công 16,04% cổ phần tại Cty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), 100% cổ phần Metro Cash & Carry Việt Nam, sở hữu 65% cổ phần Phú Thái và 65% khách sạn 5 sao Melia Hà Nội. Sabeco có lẽ là cái tên đầu ngành bia mà Thaibev mong muốn sở hữu nhất, để thống nhất đế chế F&B của mình trong khu vực…
Nhà đầu tư Nguyễn Vinh chứng kiến tại sàn đấu giá cho biết, rất nhiều nhà đầu tư và các tổ chức đã bày tỏ chúc mừng Bộ Công Thương đã bán được “cô gái đẹp” Sabeco với mức giá cao nhất từ trước đến nay. Mặc dù có rất nhiều ý kiến cho rằng giá của Sabeco đã quá cao thì sẽ rất khó bán…
Nhọc nhằn chuyện bán vốn
Một chuyên gia của Cty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) – một trong các đơn vị tư vấn thoái vốn nhà nước tại Sabeco cho biết, để bán được giá nhất trong thương vụ này, phương thức chào bán công khai có nhiều ưu điểm. Cổ phần của những DN lớn như Sabeco, nhà đầu tư nước ngoài sẽ có ưu thế trong cuộc đua mua cổ phần. Với những nhà đầu tư mang tính chiến lược (tức là đầu tư vào DN không đơn thuần để mua đi bán lại kiếm lời), mục đích của họ là dành thị phần tại Việt Nam.
Về phương án bán rất nhiều ý kiến được đưa ra, tuy nhiên, nếu để nhà nước thu được giá cao thì nên bán toàn bộ 90% cổ phần của nhà nước trong một lần duy nhất. Phương thức bán là tổ chức đấu giá công khai, minh bạch, như thế sẽ có nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm hơn cũng như tránh việc thất thoát về tài sản nhà nước có thể gặp phải, ai trả giá cao sẽ bán để tránh những can thiệp, thương thảo ngầm.
Đại diện thành viên đơn vị tư vấn bán vốn tại Sabeco chia sẻ, việc bán vốn nhà nước tại Sabeco đã được Chính phủ chỉ đạo từ rất lâu, Bộ Công thương đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị bán nhưng không thành, để thấy rằng, muốn làm cũng không phải dễ. Sau này, ông Phan Đăng Tuất (lúc đó là Chủ tịch Habeco) có nói rằng, Sabeco là “cô gái xinh đẹp”, giờ cần bàn phương án để “kén” đại gia nào làm rể, chọn ai, theo cách nào là cực kỳ khó…
Việc này gián đoạn cho đến khi Chính phủ thúc đẩy quá trình thoái vốn tại nhiều DNNN và việc bán Sabeco được khởi động lại cách đây 1 năm. Trong cuộc họp đầu tiên do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đích thân chủ trì, ông đã cho phép nói thoải mái về việc bán vốn, làm sao để bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước. Đã rất nhiều phương án được đưa ra, thay đổi, tính toán. Nhưng có lẽ cái khó nhất chính là có được sự đồng thuận.
Thực tế cho thấy, việc bán thương vụ lớn trong thời đại xã hội thông tin mở như hiện nay là cực kỳ áp lực, áp lực cả về uy tín chính trị của những Bộ ngành liên quan. Không khí ngày càng nóng theo biểu đồ đi lên của cổ phiếu vì giá SAB quá cao, nên bán theo cách nào khiến Bộ Công thương và các chuyên gia tư vấn đau đầu. Cách lựa chọn cuối cùng đấu giá công khai để bảo đảm minh bạch nhưng rủi ro duy nhất còn lại là có thể cổ phần Sabeco không ai mua…
Có thể nói, với sự phức tạp như vậy, thành công này phải có may mắn. Nhưng theo đại diện thành viên đơn vị tư vấn bán vốn tại Sabeco “có thể khẳng định Bộ Công thương và những người trong cuộc đã làm hết trách nhiệm để gặt hái được thành công ngày hôm nay”.
Gian nan chuyện bán vốn của Sabeco không chỉ Bộ Công Thương mà các Bộ Công an, UBCK Nhà nước cũng vào cuộc tham gia giám sát chặt chẽ để không để xảy ra sai sót, vi phạm gì hay có hành vi thao túng trong quá trình thoái vốn, cổ phần hóa Sabeco.
Việc giám sát chặt chẽ các diễn biến đó cũng nhằm bảo đảm cho quá trình thoái vốn diễn ra theo quy luật thị trường, đúng quy định pháp luật. Phương án thoái vốn của mỗi doanh nghiệp có khó khăn, thuận lợi khác nhau. Với doanh nghiệp nhỏ thì việc bán để làm cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Còn doanh nghiệp lớn thì phải tính đến vấn đề thoái vốn và sự hấp thụ của thị trường, làm sao tìm được nhà đầu tư đúng để doanh nghiệp tiếp tục phát triển cũng như mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước…
Từ chuyện bán vốn “cô gái đẹp” Sabeco, có thể nhìn nhận rằng đây là sự quyết tâm đồng lòng của Chính phủ đến các Bộ ngành. Nếu như có sự đồng thuận này chắc chắn sẽ có nhiều “cô gái đẹp” nữa sẽ được bán với giá cao theo đúng lộ trình cổ phần hoá mà Chính phủ kỳ vọng…
Theo DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này