23:45 - 19/06/2017
Ngân sách thu 5 tỷ USD nếu thuế môi trường xăng 8.000 đồng/lít
Nếu tăng thuế bảo vệ môi trường lên xăng – dầu như đề xuất là 8.000 đồng/lít xăng và 4.000 đồng/lít dầu diezel thì mỗi năm ngân sách sẽ thu được 100.000 tỉ đồng, tức gần 5 tỷ USD.
Mức thu này được Hiệp hội xăng dầu Việt Nam tính toán dựa theo đề xuất của Bộ Tài chính tại Dự án Luật thuế bảo vệ môi trường sửa đổi đang được lấy góp ý.
Cụ thể, ngày 19/6, trao đổi với báo giới, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, cho biết nếu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng thu mức cao nhất là 8.000 đồng/lít, 4.000 đồng/lít dầu diezel thì mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ thu được hơn 100.000 tỉ đồng, tương đương với gần 5 tỷ USD.
Đây được cho là một mức thu quá cao và sẽ gây khó khăn rất lớn cho người dân và doanh nghiệp.
Ông Ruệ cho biết Hiệp hội xăng dầu Việt Nam vừa có thêm văn bản tham gia góp ý về dự án Luật thuế bảo vệ môi trường sửa đổi gửi Bộ Tài chính sau văn bản kiến nghị được gửi đi hồi tháng 2.
Tuy nhiên, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam vẫn bảo lưu quan điểm về việc biểu khung thuế dự kiến như đề xuất của Bộ Tài chính là quá cao.
“Giá xăng Ron 92 gần đây là khoảng 8.500 đồng/ lít. Dự báo nếu không có gì thay đổi thì giá xăng Ron 92 trên thế giới vẫn duy trì ở mức này. Nếu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được thu theo khung mức thuế tối đa 8.000 đồng/ lít đối với xăng Ron 92, thì mức thuế này bằng 93% giá nhập khẩu”, ông Ruệ phân tích.
Mặt khác, ông Ruệ nhấn mạnh giá bán lẻ hiện hành là 17.360 đồng/ lít xăng Ron92. Nếu tăng thuế bảo vệ môi trường lên tối đa 8.000 đồng/ lít đối với xăng Ron 92 thì tổng số thuế sẽ bằng 66,2% giá bán lẻ.
Riêng thuế bảo vệ môi trường chiếm 60,61% tổng số thuế. “Với mức thu thuế như vậy sẽ rất khó giải thích với người tiêu dùng”, ông Ruệ nói.
Chính vì vậy, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam kiến nghị thuế bảo vệ môi trường xăng dầu chỉ nên tăng tối đa 5.000 đồng/lít đối với xăng.
Nếu mức đề xuất này được chấp thuận và với mức giá xăng Ron 92 khoảng 8.500 đồng/lít thì tổng số thuế sẽ bằng gần 49% giá bán lẻ. Riêng thuế bảo vệ môi trường chiếm gần 59% tổng mức thuế rồi.
Còn thuế bảo vệ môi trường với các sản phẩm khác, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cũng kiến nghị chỉ nên nâng lên ở mức vừa phải phù hợp với nền kinh tế, quyền lợi của người tiêu dùng.
Cụ thể, dầu diezel nên nâng từ 1.500 đồng lên 3.000 đồng/lít, nhiên liệu bay từ 3.000 đồng lên 5.000 đồng và ma dút nâng từ 900 đồng/kg lên 3.000 đồng/kg.
Theo Tuổi Trẻ
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này