
09:48 - 17/05/2017
Nền kinh tế trông vào Samsung
Một câu hỏi lớn được đặt ra: tại sao GDP chỉ tăng trưởng 5,1%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và liệu rằng mục tiêu GDP tăng 6,7% của cả năm có khả thi hay không?

Mức giảm 0,6 điểm phần trăm được cho là từ khu vực điện thoại và linh kiện, cụ thể là Samsung với sự cố Galaxy Note 7.
GDP quả thực là một thước đo bấy lâu nay, không chỉ của Chính phủ mà giới doanh nghiệp cũng phải ngóng trông vào đó. Các chỉ số xuất khẩu, nợ công, tín dụng, thâm hụt ngân sách… đều dựa vào GDP. Như một điều tất lẽ dĩ ngẫu, khi GDP giảm thì thâm hụt ngân sách tăng, nợ công cũng tăng theo… Và giới doanh nghiệp, dĩ nhiên, cũng nhìn vào GDP để lập kế hoạch.
Vậy thì, nếu GDP quý 1/2016 tốc độ tăng trưởng GDP là 5,5%, đến quý 1 năm nay tốc độ chỉ còn 5,1 %, vậy làm sao có thể đạt đến mức 6,7% của cả năm?
TS Vũ Thành Tự Anh, giám đốc nghiên cứu ĐH Fulbright Việt Nam, phân tích rằng, sự sụt giảm về tốc độ GDP của quý 1 năm nay là do khu vực công nghiệp, vốn chỉ tăng trưởng 4,2%, sụt giảm so với mức 6,7% cùng kỳ năm ngoái. Hai ngành công nghiệp có sự sụt giảm cơ bản là xây dựng, với tốc độ chỉ còn 3,9%, thấp hơn mức 6,2% cùng kỳ năm ngoái, và đặt biệt là lĩnh vực chế biến – chế tạo quý 1 năm nay có sự sụt giảm, chỉ 8,3% so với 8,9% năm ngoái. Mức giảm 0,6 điểm phần trăm được cho là từ khu vực điện thoại và linh kiện, cụ thể là Samsung với sự cố Galaxy Note 7. Điều đó kéo theo sự sụt giảm về xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng GDP cũng chững lại.
Chỉ một sự cố của Samsung đã khiến cho tốc độ tăng trưởng GDP bị giảm. Theo nhận định của TS Tự Anh, điều này phơi bày một điểm yếu cố hữu của kinh tế Việt Nam: Quá phụ thuộc vào FDI. Các số liệu cho thấy khối doanh nghiệp FDI chiếm đến 2/3 xuất khẩu của Việt Nam, và riêng Samsung đã chiếm một phần rất đáng kể.
Một yếu tố khác quan trọng dẫn đến suy giảm tốc độ tăng trưởng GDP chính là nhập siêu. Các con số cho thấy, Hàn Quốc đã vượt Trung Quốc chính thức trở thành quốc gia Việt Nam nhập siêu số một với 9,3 tỉ USD. Chỉ riêng hai nước Đông Bắc Á này, Việt Nam nhập siêu đã là hơn 18 tỉ USD. Con số nhập siêu từ Hàn Quốc cho thấy một điều, để sản xuất ra một chiếc điện thoại Samsung, hầu hết hãng này đều nhập khẩu, đến hơn 90% giá trị, phần nhiều là từ Hàn Quốc. Phần giá trị gia tăng của chiếc điện thoại Samsung còn lại ở Việt Nam chỉ độ 8%.
Sự cố Samsung và nhập siêu từ Hàn Quốc cho thấy một nền kinh tế phụ thuộc vào FDI là quá lớn. Samsung cũng là một tên tuổi lớn trong cuộc giải cứu heo vừa rồi mà đích thân bộ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phải cầu viện tới. Với chỉ hai nhà máy sản xuất điện thoại di động, hầu như tự động hoá, nhưng đội ngũ nhân công cũng lên đến 100.000 người.
Có thể nhận thấy rằng, từ khi hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc chính thức có hiệu lực, Việt Nam còn chưa tận dụng được chiều xuất khẩu bao nhiêu, thì nhập siêu từ Hàn Quốc đang rất lớn. Một mặt, kinh tế Việt Nam quá phụ thuộc vào cỗ máy FDI, mặt khác lại mở cửa quá lớn khiến cho các khu vực kinh tế khác, từ kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân vẫn còn thiếu sức cạnh tranh, lại càng khoét sâu thêm những sự khiếm khuyết.
Vậy làm thế nào để GDP có sự hồi phục trở lại?
Cỗ máy FDI khiến cho GDP tăng trưởng chậm thì cũng chính cỗ máy này, đại diện là Samsung, sẽ là động cơ mang lại tăng trưởng cao cho Việt Nam trong thời gian tới. Có thể nhìn thấy câu chuyện chiếc điện thoại Galaxy S8 đang khá nóng sốt, và sắp tới sẽ là Galaxy Note 8, bù đắp lại sự thiệt hại của chiếc Note 7, và GDP của Việt Nam sẽ theo đó mà tăng trưởng.
Nhưng đó chỉ là sự bù đắp. Sẽ rất khó cho nền kinh tế bước tới con số 6,7% của cả năm. Để đạt con số này, phải nhờ hai chiếc máy bơm: một là bơm thêm dầu để bán, hai là bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Bơm dầu thì chỉ là xài của để dành, còn bơm tiền thì đầy rẫy những nguy cơ. Hơn nữa, các chuyên gia cho biết, với một cơ thể còn khá ốm yếu, nền kinh tế Việt Nam e rằng khó có thể hấp thụ được thêm tiền trong thời gian tới.
Để tăng trưởng một cách bền vững, kinh tế tư nhân, đi cùng với đó là năng suất, cần được cởi trói thực sự. Được thế, khu vực này sẽ phát triển mạnh, trở thành đối trọng với FDI, vốn được cho là “có thể rời bỏ Việt Nam bất cứ lúc nào”.
Phi Tiêu
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này