
10:00 - 01/09/2022
Một vấn đề xã hội nhức nhối từ vụ 42 người Việt trốn khỏi Campuchia
Không chỉ có người Việt, dân nhiều nước cũng bị lừa bán sang lao động bất hợp pháp ở Campuchia, đến hôm nay, “vụ 42 người” vẫn còn “thời sự” trên nhiều báo nước ngoài.
Bộ Nội vụ Campuchia cho biết đang mở chiến dịch rà soát tất cả người nước ngoài trên khắp cả nước để điều tra các băng nhóm tội phạm và hỗ trợ các nạn nhân.
Báo Khmer Times của Campuchia đưa tin, ngày 22/8, cảnh sát Campuchia đã bắt người quản lý sòng bạc Golden Phoenix Entertainment Casino ở tỉnh Kandal, nơi 42 người Việt chạy trốn gần đây. Quản lý sòng bạc, người Trung Quốc, thừa nhận đã ép buộc công nhân làm việc trái với ý muốn của họ, nhưng cũng nói, những người bỏ trốn nợ tiền của công ty, bài báo thông tin thêm.
Cảnh sát Campuchia cho biết hiện còn 11 người Việt bị kẹt lại ở sòng bạc và họ cho biết lý do bỏ chạy là “do tranh chấp với quản lý sòng bạc về việc không tuân thủ hợp đồng của họ. Công ty hứa sẽ trả cho công nhân 800 USD, nhưng người quản lý công ty chỉ trả cho công nhân 400 hoặc 500 USD một tháng”, bài báo trích lời Tướng Keo Vannthan, phát ngôn viên Bộ Di trú.
Ngày 21/8, một bài báo khác trên Khmer Times đưa ra con số hơn 2.000 người Việt Nam đã được đưa sang Campuchia làm công nhân bất hợp pháp tại một số sòng bạc.
Ngày 20/8, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang ra quyết định tạm giữ hình sự Nguyễn Thị Lệ (42 tuổi) và Lê Văn Danh (34 tuổi) – cùng ngụ thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang – để điều tra về hành vi “tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”. Nguyễn Thị Lệ khai nhận từ tháng 5/2022, được một người đàn ông không rõ lai lịch móc nối.Lệ cùng với Danh tìm người, đưa qua CPC, mỗi lần được trả công 100.000 đồng/người.
Vụ việc còn đang diễn tiến thì lại có tin ở một nơi rất xa, Canada, cũng có những người Việt bị lừa và bị lạm dụng trong lao động nông nghiệp.
Chuyện lao động thời vụ ở Canada
Hãng tin CBC News, ngày 16/8, hé lộ: hai lao động người Việt được giải cứu khỏi các trang trại ở tỉnh bang Prince Edward Island (PEI) của Canada sau nhiều tháng sống trong “khủng hoảng”.
Bài viết cho biết hai người này đã phải trả cho công ty môi giới ở Việt Nam hơn 60.000 CAD (khoảng 1 tỷ đồng). Song không lâu sau khi đến Canada mùa thu năm ngoái, họ phát hiện đã bị lừa: không được trả lương như quy định trong thời gian tự cách ly vì Covid-19, cũng không được giao công việc. Họ phải tự đi thuê nhà. Thế là đói. Người kia sang PEI vào tháng 9/2021 khi vụ thu hoạch đang diễn ra nên anh có việc làm ngay, nhưng chỉ được trả 11 CAD/giờ trong khi mức lương tối thiểu tại PEI là 15 CAD/giờ, và anh phải trả tiền để nhận được phiếu lương, kể cả khi không có việc. Anh Van nói phiếu lương quan trọng với anh vì đây là tài liệu chứng minh số giờ làm việc có thể giúp anh có được tư cách thường trú nhân sau này. Nhưng vẫn còn chuyện nhức đầu hơn…
Chuyện về “thực tập sinh” ở Nhật Bản
Cuối tháng 7, một bài báo trên Nikkei Asia của Nhật cho biết khoảng 80% thực tập sinh kỹ năng Việt Nam đang làm việc ở nước này phải gánh khoản nợ trung bình là 540.000 yen (khoảng 3.950 USD) và phải vay nợ để trả khoản phí này, theo một khảo sát của Cơ quan Dịch vụ Nhập cư Nhật Bản trong năm 2022.
Quy định của hiệp định liên chính phủ giữa Nhật Bản và các quốc gia ký kết không cho phép các tổ chức điều phối ở quốc gia sở tại thu tiền đặt cọc hoặc tiền phạt để ngăn chặn tình trạng phá hợp đồng, nhưng trên thực tế các thực tập sinh vẫn phải trả trung bình 19.000 yen.
Ngoài ra, thực tập sinh kỹ năng Việt Nam còn phải trả trung bình khoảng 446.000 yen tiền hoa hồng cho các tổ chức trung gian môi giới lao động, vẫn theo bài báo.
Chương trình Thực tập kỹ năng Nhật Bản ra đời năm 1993 với mục đích đóng góp quốc tế nhằm đào tạo nguồn nhân lực để phát triển kinh tế và công nghiệp cho các nước đang phát triển thông qua việc chuyển giao kỹ thuật, kỹ năng và công nghệ từ Nhật Bản.
Tuy nhiên, chương trình này đang bị cho rằng đi sai mục đích, chỉ nhằm bù đắp nguồn lao động thiếu hụt trong nước Nhật ở các ngành nghề có điều kiện làm việc khắc nghiệt và thiếu lao động.
Theo đài NHK World – Japan, Việt Nam là nước có số lượng thực tập sinh kỹ năng nhiều nhất ở Nhật Bản tính đến thời điểm cuối năm 2021.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản gần đây cho hay năm 2020, Việt Nam đã lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia có lao động nước ngoài nhiều nhất ở Nhật Bản, với 443.998 người. Trung Quốc đứng ở vị trí thứ hai với 419.431 lao động và Philippines đứng ở vị trí thứ ba với 184.750 lao động.
Năm 2021, có 7.167 trường hợp được báo cáo đã bỏ trốn để làm việc bất hợp pháp, hơn 60% trong số đó liên quan đến thực tập sinh từ Việt Nam, Nikkei Asia đưa tin.Họ bị nợ nần, song cũng có những người nghiện cờ bạc.
Vấn đề là cơ quan quản lý lao động nhập cư bị gặp khó khăn khi làm việc với công ty xuất khẩu lao động Việt Nam. Họ xử lý chậm khi có sự cố, cả với thực tập sinh và với xí nghiệp tiếp nhận.
Chúng tôi mong muốn công ty phái cử tăng cường đào tạo tiếng Nhật. Việc ít giao tiếp giữa thực tập sinh và người sử dụng lao động sẽ gây ảnh hưởng lớn khi hai bên không hiểu nhau. Công ty môi giới phái cử người lắng nghe thực tập sinh và người sử dụng lao động”
Hôm 13/11/2020, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có nhiều điểm mới. Nhưng thực tế vẫn là: Thời gian gần đây đã phát sinh một số vụ vi phạm quy định, pháp luật Nhật Bản liên quan tới công dân, thực tập sinh Việt Nam gây dư luận không tốt.
Tại một hội thảo tháng 11/2020, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung xác nhận còn nhiều vấn đề bất cập cần phải giải quyết khi triển khai chương trình hợp tác giữa hai nước. Cụ thể là thực tập sinh vi phạm pháp luật, bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp…
Theo vị Bộ trưởng, nguyên nhân cơ bản là không thực hiện tốt trong khâu tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho thực tập sinh trước khi xuất cảnh.
Anh Nguyễn Văn Hùng, người đang sống và làm việc tại Tokyo, nhân viên kỹ thuật nhất đẳng, công ty Keeper Technical Laboratory nói với BBC News Tiếng Việt: “Người Nhật đánh giá cao lao động Việt Nam ở những điểm cần cù, chịu khó, học nhanh, làm nhanh, thích ứng nhanh với môi trường. Ví dụ, nắng nóng, mưa tuyết mà vẫn hoàn thành công việc… Hầu hết chỉ cần dạy qua, thao tác qua, nhìn một lần là các bạn có thể tự làm”.
Nhưng anh Hùng cũng cho rằng trong công việc và trong lối sống của họ bộc lộ nhiều nhược điểm: “Không coi trọng, tuân thủ quy định giờ giấc, dù đã được nhắc nhở trước nhưng không để tâm ngay từ đầu. Không tuân thủ quy tắc, trình tự các bước trong công việc.”
Ngày 23/4/2021, tại trụ sở của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Đại sứ Việt Nam Vũ Hồng Nam đã có buổi làm việc với Cơ quan cảnh sát quốc gia và đại diện Bộ Ngoại giao Nhật Bản về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật của người Việt Nam tại Nhật Bản.
Bản tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật cho hay: “Cùng với việc gia tăng về số lượng người Việt Nam tại Nhật Bản (khoảng gần 500.000 người), tình hình phạm tội của người Việt Nam tại Nhật Bản đang ngày càng gia tăng về số lượng và tính chất nghiêm trọng… Đặc biệt, những loại tội phạm như: ăn cắp có tổ chức, cư trú bất hợp pháp, sử dụng giấy tờ giả mạo, bắt cóc, tống tiền, ma túy, cờ bạc… đang ngày càng nổi cộm trong cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.”

Một trung tâm đào tạo thực tập sinh đi học nghề ở Nhật Bản. Chính phủ nước này đang nỗ lực để cắt giảm các chi phí mà lao động Việt Nam phải nộp cho các công ty môi giới. Ảnh: Nikkei Asia.
Giải quyết vấn đề thực tập sinh hay lao động nước ngoài?
Có chuyên gia cho rằng: căn gốc chỉ giải quyết được bằng giáo dục. Nói vậy rất đúng nhưng giáo dục là một công cuộc công phu, lâu dài, tổng hợp nhiều chủ trương và cố gắng về tổ chức.
Lời than về các công ty môi giới, tổ chức lao động là tiếng nói rõ rệt nhất. Nếu không phải do có móc ngoặc giữa các công ty này với quan chức giám sát thuộc Bộ Lao động thì đâu có khó điểm mặt các công ty này bởi hồ sơ cũ còn nguyên, khá dày, hồ sơ mới khá đầy đủ. Nhiều vụ thu tiền khủng, tất nhiên còn có ẩn ý hứa hẹn trở thành thường trú nhân nơi đến làm việc, nhưng cũng cần thông tin cho người lao động rằng điều ấy hoàn toàn không đơn giản. Ví dụ, muốn xem xét thành thường trú nhân, phải cư trú thường xuyên ở Hàn Quốc và có việc làm ít nhất 5 năm, nhưng hợp đồng lao động các công ty thuê mướn chỉ có 4 năm 2 tháng. Việc che giấu các thông tin này thường xảy ra ở các công ty môi giới, có thể khắc phục như thế nào? Chúng tôi nghĩ, những điều lắt léo này, cơ quan quản lý cấp bộ biết thừa. Nhưng họ phớt lờ hay có lưu ý cảnh báo các bẫy rập chờ sẵn cho người lao động?
Việc kiểm soát các nghĩa vụ của công ty môi giới cũng đâu khó, có dạy và kiểm tra ngoại ngữ nghiêm túc, kỹ thuật chuyên môn nghiêm túc?… Gọi là “thực tập sinh” mà không có dạy ngoại ngữ nơi đến hay kỹ thuật chuyên môn để thực tập tại quốc gia sẽ đến thì sao gọi là “thực tập sinh”?
Việc kiểm tra, giám sát đâu khó gì, nếu không cố tình thờ ơ, cho qua truông?
Còn ở các quốc gia mà lao động đến làm việc thì cơ quan đại diện quốc gia, theo thông lệ, ít có chú ý bảo vệ người mình. Chỉ khi có vấn đề liên quan chính trị thì mới có sự theo sát, như vậy cũng rất thiệt thòi cho công dân Việt Nam.
Tóm lại, việc chấn chỉnh các yếu kém đâu có gì mới. Chỉ là có muốn hành động hay không thôi.
Vũ Khánh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này